Hà Nội từng mất chức vô địch vào tay của Viettel vào mùa giải 2020. Rất nhiều người cho rằng, đó là cột mốc của sự đổi thay về cơ cấu quyền lực ở V.League. Đã có một đối thủ xứng tầm với đội bóng Thủ đô. Rồi mùa giải 2021, HAGL xuất hiện thật hoành tráng, người ta lại tin, kỷ nguyên thống trị của Hà Nội có thể khép lại, hay chí ít, họ sẽ có những đối trọng đủ lớn để cuộc đua vô địch có nhiều mầu sắc và độ kịch tính. Vậy nhưng sau những xoay vần, Hà Nội FC vẫn cho thấy họ đang là đội bóng số 1 của bóng đá Việt Nam. Khi mà Viettel không ổn định về phong độ, HAGL thua đúng lúc cần thắng thì Hà Nội vẫn lạnh lùng tiến lên phía trước với tốc độ không thể cản.
Không ngạc nhiên khi Hà Nội băng băng về đích. Thậm chí, nhiều nhà chuyên môn đang nghĩ tới viễn cảnh, Hà Nội sẽ sớm giành chức vô địch ở mùa giải này. Điều đó là hoàn toàn có thể khi mà tại V.League, vẫn chưa xuất hiện đội bóng đủ sự lỳ lợm để chặn bước tiến của Hà Nội. Trong các cuộc đối đầu với những ứng viên vô địch ở lượt đi, phần thắng hầu hết thuộc về Hà Nội và điều đó cho thấy sự khác biệt về đẳng cấp, bản lĩnh và sự ổn định của đội bóng này.
Hà Nội lạnh lùng tiến về phía trước, với nhiều người, điều đó không thể mang đến luồng gió mới cho giải đấu. Nhưng cuộc chơi là vậy, sự cảm tính không thể thay đổi sự lý tính của bóng đá. Mạnh được, yếu thua, đó mới là sự công bằng của bóng đá và nói cho cùng, nguyên lý căn bản ấy sẽ thúc đẩy sự phát triển của sân chơi. Bởi nói cho cùng, những đội bóng như HAGL, SLNA, Hải Phòng, hay Bình Định, Viettel phải nỗ lực nhiều hơn nữa nếu muốn trở thành đỉnh quyền lực mới của V.League. Việc Hà Nội tái cơ cấu thành công sau sự ra đi của Quang Hải, Đình Trọng cũng mang đến những bài học giá trị về quản trị.
Rằng, một đội bóng chỉ có thể thành công nếu phát huy được tinh thần tập thể. Hơn thế nữa, sự phát triển chỉ bền vững nếu đội bóng đó có một nền tảng tốt về đào tạo cùng chiến lược sử dụng nhân sự một cách hợp lý.