Nhắc đến Kimmich, ai nấy đều nhớ ngay đến một cầu thủ toàn năng, người có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, từ hậu vệ đến tiền vệ. Đôi khi người ta tự hỏi, rốt cuộc ngôi sao người Đức là tiền vệ hay hậu vệ? Gọi như nào không quan trọng. Mấu chốt là dù chơi ở vị trí nào, Kimmich đều hoàn thành xuất sắc, biến anh trở thành một trong những cầu thủ toàn diện bậc nhất châu Âu, khiến bất kỳ CLB nào cũng phải thèm khát.
Để có được một Kimmich xuất chúng như ngày nay, công lao của Guardiola không hề nhỏ. Nếu ví Kimmich như một cục đá xù xì không hơn không kém thời mới chập chững đặt chân đến Bayern từ Stuttgart, thì chính Pep đã một tay mài giũa cục đá ấy thành viên kim cương sáng lấp lánh. Chỉ trong vỏn vẹn 1 mùa làm việc cùng Guardiola, Kimmich đã được bố trí thi đấu ở 5 vai trò khác nhau gồm trung vệ, hậu vệ phải, tiền vệ phòng ngự, tiền vệ trung tâm và tiền vệ cánh phải.
Qua các đời HLV kế cận sau đó, cầu thủ 28 tuổi từng bước được “quy hoạch”, thu gọn về 2 vị trí là hậu vệ phải và tiền vệ phòng ngự. Kể từ mùa 2019/20, Kimmich đã được HLV Hansi Flick kéo lên đá tiền vệ phòng ngự, kéo dài cho đến ngày nay. Giờ đây, Kimmich được đánh giá là một trong những tiền vệ đánh chặn hay nhất thế giới trong màu áo ĐT Đức. Dĩ nhiên, cái hay của Kimmich không nằm ở sức mạnh cơ bắp hay tốc độ, mà là khối óc cực kỳ thông minh. Nói cách khác, Kimmich chơi bóng bằng cái đầu, tương tự như Sergio Busquets của Barcelona.
“Khi gặp Pep Guardiola, tôi mới 20 tuổi và đến từ giải hạng Nhì. Ông ấy đã đặt tôi vào những vị trí mà tôi chưa từng đảm nhận, mà không biết tôi có thể chơi được hay không. Ông ấy cũng chỉ cho tôi thấy những khoảng không trên sân mà trước đó, tôi chẳng có một chút ý niệm gì. Nhờ từng chơi ở nhiều vị trí, tôi có thể biết từng đồng đội muốn điều gì. Nó giúp tôi nắm bắt được trận đấu dễ dàng hơn. Pep luôn bắt tôi phải biết rõ các đồng đội mình đứng ở đâu. Khi tôi mới tới Bayern, vai trò ấy đang thuộc về Xabi Alonso và tôi cũng học được rất nhiều từ anh ấy”, Kimmich thổ lộ.
Guardiola đã “mở khóa” Kimmich, và vào rạng sáng mai (12/4), ông sẽ phải đối mặt với chính “con quái vật” mà mình tạo ra, khi Man City tiếp đón Bayern ở lượt đi tứ kết Champions League. Trong một trận cầu đỉnh cao như vậy, đội nào kiểm soát được thế trận, kiểm soát được khu trung tuyến sẽ nắm lợi thế lớn. Đây là nhiệm vụ sở trường của Kimmich trong màu áo Bayern. Ngoài khả năng đánh chặn, thu hồi bóng và cầm nhịp lối chơi ở vai trò mỏ neo trong sơ đồ 4-1-4-1, Kimmich còn cho thấy sự lợi hại ở khâu kiến thiết. Mùa này, tiền vệ sinh năm 1995 đã sở hữu 9 đường kiến tạo sau 38 lần ra sân cho Bayern trên mọi đấu trường. Nếu tính riêng Bundesliga, Kimmich là cầu thủ có nhiều đường chuyền nguy hiểm nhất phía Bayern, với trung bình 2,3 lần mỗi trận.
Tất cả những điều này cho thấy để hạn chế sức mạnh của Bayern, Man City của Guardiola cần phải hạn chế tầm ảnh hưởng của Kimmich. Trọng trách “xử lý” cầu thủ mang áo số 6 thuộc về hàng tiền vệ của Man xanh, với Rodri và Ilkay Gundogan nhiều khả năng sẽ được tin tưởng. Sẽ là một thảm họa với Man City nếu họ để cho Kimmich có nhiều không gian triển khai những đường chuyền dài hay xuyên tuyến – một trong những thứ vũ khí cực kỳ lợi hại của tuyển thủ Đức.
Mất công đào tạo rồi giờ phải vắt óc nghĩ cách đối phó, Guardiola có lẽ không hề mong muốn điều này xảy ra. Dù vậy, chiến lược gia người Tây Ban Nha chẳng thể làm gì khác, bởi đó là phương án quan trọng giúp Man City có thể hóa giải Bayern – một trong những CLB mạnh nhất châu Âu thời điểm này.