Tanguy Ndombele tốn của Tottenham 55 triệu bảng, kèm theo đó là 200.000 bảng trả lương mỗi tuần. Vậy mà trong 2 mùa rưỡi qua, anh mới chỉ có 10 trận chơi trọn 90 phút ở Ngoại hạng Anh.
Bây giờ, Ndombele thậm chí đang phải tập một mình. Đó là án phạt mà Spurs dành cho tiền vệ người Pháp sau những hành xử không đúng mực ở trận đấu thuộc vòng 3 FA Cup. Nếu được quyền chọn lựa, hẳn các fan Gà trống sẽ ước đội bóng của mình không phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB vì Ndombele.
Và Ndombele không phải tân binh kỷ lục duy nhất đang gặp khó khăn. Jack Grealish không chỉ có giá chuyển nhượng cao nhất lịch sử Man City, mà còn của toàn nước Anh. Cựu tiền vệ Aston Villa cập bến Etihad với sự tự tin cao độ. Nhưng thời gian khiến Grealish hiểu ra nhiều điều:
“Tôi từng nghĩ khi mình tới Man City, đội bóng mạnh nhất nước Anh, với những cầu thủ hàng đầu, tôi có thể góp dấu giày vào 20-30 bàn thắng mỗi mùa. Nhưng sự thật không phải như vậy. Tôi gặp khó khăn với việc ghi bàn và kiến tạo. Với cái giá luẩn quẩn trong đầu, khi nào tôi chưa thể hiện được, mọi người sẽ luôn phán xét và nghi ngờ tôi”.
Dịp Giáng sinh, Grealish còn bị loại khỏi đội hình xuất phát của City khi HLV Pep Guardiola phát hiện ra anh lẻn tham dự một bữa tiệc trong thời điểm dịch dã phức tạp. Rõ ràng, kể cả khi giành được chức vô địch Ngoại hạng Anh, đây vẫn là một mùa giải không thành công với cầu thủ 100 triệu bảng.
Câu chuyện này cũng xảy ra ở các đội bóng thành London. Dù thanh toán theo kiểu trả góp, Arsenal vẫn phải công nhận Nicolas Pepe là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử của mình. Nhưng Pepe đang mất hút, 72 triệu bảng rơi bõm xuống đáy sông. Hiện tại, Pepe nằm sau các đàn em Saka, Smith Rowe trong thứ tự ưu tiên sử dụng của Mikel Arteta.
Romelu Lukaku và Sebastien Haller cũng lần lượt làm khổ Chelsea và West Ham. Lukaku vừa phải công khai xin lỗi HLV Tuchel và người hâm mộ sau những phát ngôn thiếu suy nghĩ. Rõ ràng, CĐV The Blues rõ ràng mong đợi nhiều hơn ở tân binh không mới trị giá 97,5 triệu bảng.
Nhưng chí ít thì Lukaku vẫn còn cơ hội sửa sai ở Chelsea. Haller thì chẳng còn cơ hội đó nữa khi đã bị bán sang Ajax với giá 20 triệu bảng. Đấy là một món hời với The Hammer ư? Không đâu, họ mua Haller tới tận 45 triệu bảng cơ mà. Để xát thêm muối vào vết thương của West Ham, Haller đang tỏa sáng rực rỡ ở Ajax với 33 bàn sau 48 trận.
Tương tự Lukaku, Paul Pogba cũng ngân nga câu hát “đi thật xa để trở về” Man United nhưng màn đoàn tụ này không vui chút nào. Cuộc hội ngộ trị giá 89 triệu bảng đang đi dần tới hồi kết, với việc Pogba có thể – một lần nữa, ra đi theo dạng tự do, vào mùa hè tới. Đáng nói là, MU bây giờ có giữ Pogba thì cũng chỉ vì lý do thương mại mà thôi.
Sau tất cả, chỉ có duy nhất 1 đội bóng trong Top 8 CLB Ngoại hạng Anh hài lòng với bản hợp đồng kỷ lục của mình. Đó là Liverpool cùng với Van Dijk. Là Liverpool đã tìm hiểu kỹ Van Dijk nên thu về thành công sao? Không hẳn.
“Chúng tôi có số liệu để phân tích chi tiết từng mục tiêu, như khả năng bao sân, tầm chuyền bóng, tốc độ di chuyển, bứt tốc bao nhiêu, thể lực và mọi khía cạnh thi đấu khác”, một chuyên gia tuyển dụng chia sẻ. “Nhưng chẳng bao giờ chúng tôi có thông tin để phân tích xem cầu thủ sẽ xử lý, thích nghi thế nào, đặc biệt về mặt tinh thần, với trách nhiệm làm cầu thủ đắt giá nhất lịch sử. Hãy nhớ, kỳ vọng tăng thêm mỗi ngày, tỷ lệ thuận với sự hoài nghi”.
Andy Cole từng là thương vụ kỷ lục của nước Anh khi chuyển từ Newcastle tới MU vào năm 1995 với giá 7 triệu bảng. Chuyện đó có dễ chịu không? Không!
“Tôi sợ, cực kỳ sợ hãi. Một khoản phí chuyển nhượng hoành tráng, hàng tá cuộc gọi mỗi ngày, tất cả chúng vượt ngoài mong đợi. Và đương nhiên tôi bị ảnh hưởng, rất nhiều. Kỷ lục chuyển nhượng là một gánh nặng lớn”.
May cho Cole, thời của ông người ta còn kiên nhẫn và không coi bóng đá là một món thức ăn nhanh. Nhưng vào lúc này, cho những cầu thủ giá cả trăm triệu bảng thời gian thích nghi nghe không thực tế. Họ được mua về để tỏa sáng ngay lập tức, chứ không phải một món đầu tư tiềm năng cho tương lai.