Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
MU đã “đóng đinh” với sơ đồ 4-2-3-1 quen thuộc của HLV Ole Gunnar Solskjaer trong 9 vòng đấu đầu tiên mùa này, song thu về kết quả tồi tệ. Trước Tottenham ở vòng 10, Quỷ đỏ đã chuyển đổi sang hệ thống 3-5-2 và giành chiến thắng 3-0.
Sau đó, họ tiếp tục áp dụng sơ đồ này trước Atalanta trong một giờ thi đấu tại Champions League. Với hệ thống mới, Scott McTominay và Fred sẽ là 2 tấm lá chắn từ xa cho hàng thủ, trong khi bộ đôi Aaron Wan-Bissaka và Luke Shaw dâng cao hơn ở 2 cánh.
Trong khi đó, Man City của Pep Guardiola trung thành với sơ đồ 4-3-3. Rodri là tiền vệ chơi thấp nhất ở tuyến giữa, làm nhiệm vụ đánh chặn, hỗ trợ cho bộ đôi trung vệ. Hai hậu vệ cánh của Man City trong sơ đồ này cũng lùi sâu hơn một chút so với hai đồng nghiệp phía MU.
Man City hơn Man United 1 bàn thắng ghi được tại Ngoại hạng Anh tính đến thời điểm này (20 vs 19), song thật thú vị là Quỷ đỏ lại trội hơn The Citizens trong khoản tạo cơ hội (136 vs 134) lẫn số lần kiến tạo (17 vs 13). Tuy nhiên, một điểm mà MU cần cải thiện là khả năng tận dụng các tình huống cố định bởi họ chưa có lần nào làm tung mành lưới đối phương từ những pha bóng này, trong khi Man City sở hữu 3 bàn.
Bản đồ sút bóng bên dưới cho thấy độ chính xác vượt trội của MU trong vòng cấm đối phương, xu hướng ghi bàn của họ từ nhiều góc và cự ly làm bàn xa hơn so với ông bạn hàng xóm. Man City bỏ lỡ khá nhiều cơ hội trong vòng cấm địa, khi các pha lập công của họ chủ yếu đến ở xung quanh và trong khu vực 5m50.
Một mối tương quan thú vị khác giữa MU và Man City là cách họ tấn công với tỷ lệ gần như bằng nhau ở các kênh, khi cả 2 đều ghi nhận 41% hướng tấn công từ cánh trái so với khoảng 33% bên cánh phải. Sở dĩ như vậy bởi cả 2 CLB đều sở hữu những ngôi sao chất lượng ở cánh trái với Jack Grealish, Joao Cancelo, Luke Shaw và Marcus Rashford.
Dù vậy, bất chấp MU tấn công nhiều ở cánh trái nhưng các đường chuyền dẫn tới bàn thắng của họ lại chủ yếu đến ở trung lộ, trong khi các bàn thắng của Man City đến từ những đường chuyền bên trong vòng cấm, các pha xâm nhập từ cầu thủ chạy cánh.
Bộ ba Cristiano Ronaldo, Bruno Fernandes và Mason Greenwood đang dẫn đầu về số bàn thắng với 4 bàn mỗi người, còn Phil Foden đã có 3 pha lập công chỉ sau 465 phút thi đấu, hơn các đồng đội khác gồm Gabriel Jesus, Ilkay Gundogan, Ferran Torres, Bernardo Silva và Riyad Mahrez 1 bàn.
Về khoản kiến tạo, Paul Pogba dẫn đầu với 7 lần sau giai đoạn đầu thi đấu chói sáng. Tuy nhiên, thời gian qua, tiền vệ người Pháp đã sa sút. Ở khoản tạo cơ hội, Bruno Fernandes áp đảo với 37 lần, xếp thứ 2 là Jack Grealish với 26 lần. Vị trí còn lại trong Top 3 tạo cơ hội là Shaw với 21 lần.
Một khía cạnh phân cực trong phong cách của MU và Man City là tốc độ tấn công của họ. Theo thống kê, chỉ Aston Villa hơn Man United về tốc độ xử lý bóng trên giây trong một chuỗi các tình huống bóng sống (hiểu nôm na là tấn công nhanh), trong khi Man City chỉ đứng thứ 17 với phong cách khoan thai, chậm rãi, giữ bóng lâu.
Dù vậy, cả 2 CLB thành Manchester đều rất thành công trong việc xâm nhập vào phần sân đối phương khi kiểm soát bóng, với chuỗi chuyền trung bình – bất kể tốc độ di chuyển – giúp họ tiếp cận, chỉ cách cầu môn đối phương khoảng 17 mét. Xét về khả năng bứt tốc, Man City ngang bằng MU dẫu cho họ tổ chức tấn công tương đối chậm rãi, với đôi bên có cùng 6 cú sút từ các tình huống tăng tốc tấn công nhanh.
Grealish và Greenwood là mối đe dọa phản công lớn nhất với 3 lần bứt tốc, nhưng Grealish dẫn đầu bảng xếp hạng về tổng cự ly chạy nước rút với 2,43 km, cao gần gấp đôi người đồng hương phía MU trong cùng khoảng thời gian, và điều này cho thấy sự khác biệt trong cách chơi của 2 cầu thủ tấn công này.
Hàng thủ của MU đứng cách cầu môn đội nhà trung bình 43,6 mét, cao hơn một chút so với Man City 42,8 mét. Liverpool là đội duy nhất có hàng thủ dâng cao hơn Quỷ đỏ với 45,2 mét. Vì vậy, cả 2 đội bóng thành Manchester đều có xu hướng ép đối phương phải thi đấu trong một không gian hẹp hơn, dẫn tới di chuyển ít hơn. Tuy nhiên, đoàn quân của Guardiola vẫn xếp thứ 8 với quãng đường di chuyển đạt tổng cộng 1.082 km, trong khi MU đứng thứ 15 với 1.043 km. Điều này chứng tỏ các cầu thủ Man xanh chịu khó chạy hơn so với cầu thủ MU.
Man City đã ghi nhận những con số cao nhất Ngoại hạng Anh về thời gian cầm bóng trung bình (63,7%) và số đường chuyền hoàn thành (5.542) mùa này. Không có gì ngạc nhiên ở đó. Thế nhưng, cần phải phân tích sâu hơn, đặc biệt là ở số đường chuyền tại 1/3 cuối sân đối phương.
Mạng lưới chuyền bóng dưới đây cho thấy sự kết hợp phổ biến giữa các cầu thủ, với Fernandes có mối liên hệ chặt chẽ với tiền đạo cắm của MU, trong khi số 9 ảo của Man City thường sử dụng khả năng di chuyển để tạo cơ hội cho chính mình và đồng đội chạy cánh.
Về số đường chuyền theo khu vực, Man United chuyền rất nhiều ở 2 bên cánh, trong khi Man City chuyền nhiều ngay ở giữa sân bên phần sân nhà của họ, cao hơn là trung lộ phía sân đối phương cũng như hai bên cánh. Man xanh cũng ghi nhận 205 đường chuyền vào vòng cấm đối phương, cao nhất giải đấu.
Theo thống kê từ Opta, Man City xếp thứ 12 còn MU xếp thứ 15 trên tổng số 20 đội tại Ngoại hạng Anh mùa này về tấn suất pressing. Nhiều người cho rằng Man xanh đáng lẽ ra phải nằm trong tốp đầu trong số những CLB pressing nhiều nhất, nhưng thực tế rằng với việc cầm bóng rất nhiều, Man City pressing ít hơn so với một đội không có bóng để cầm, buộc phải thường xuyên pressing. Đó là lý do vì sao Burnley dẫn đầu bảng ở hạng mục này với 274 lần.
Ở khả năng thu hồi bóng, MU thu hồi tương đối ít ở khu vực giữa sân, trái ngược hoàn toàn so với Man City. Điều này giúp Man xanh ngăn chặn hiệu quả các đợt phản công nhanh tiềm tàng từ đối thủ có thể gây tổn thương cho hàng thủ dâng cao của họ. Ngoài ra, MU pressing nhiều ở cánh trái, còn Man City pressing trải đều khắp mặt sân.