CHỦ MỸ BIẾN LIVERPOOL THÀNH BÓNG TIỀN
Năm 2012, bộ phim Moneyball được công chiếu và ngay lập tức trở thành “bom tấn” trong làng điện ảnh Mỹ. Bộ phim này nhận tới 6 đề cử giải Oscar. Nội dung bộ phim nói về những nỗ lực điều hành của Giám đốc điều hành CLB Oakland Athletics, Billy Beane (Brad Pitt thủ vai) đã nỗ lực xoay chuyển Oakland Athletics trên bờ vực phá sản, vươn lên trở thành nhà vô địch giải bóng chày Mỹ.
Sau khi bộ phim công chiếu, thuật ngữ “Moneyball” được biết đến rộng rãi. Nó ám chỉ nghệ thuật quản lý về thể thao và rộng hơn là các lĩnh vực kinh doanh khác. Người Mỹ được xem là bậc thầy của “Moneyball”. Họ biết cách biến thể thao trở thành lĩnh vực kinh doanh. Năm 2005, nhà Glazer chấp nhận chi 1,3 tỷ USD để mua M.U, với phần lớn vốn vay ngân hàng. Sau đó, những dấu chân “người khổng lồ” từ Mỹ đã lên châu Âu.
Điển hình trong đó là vụ John Henry và Fenway Sports Group (FSG) mua lại Liverpool (Fulham, Aston Villa, AS Roma, Chelsea, AC Milan… đều đã và đang thuộc sở hữu của giới chủ Mỹ). Năm 2010, FSG chi ra số tiền 300 triệu USD để mua lại The Kop từ tay Tom Hicks và George Gillett.
Trước đó, tập đoàn có trụ sở ở Boston đã nổi đình nổi đám trong giới đầu tư thể thao ở Mỹ với thương vụ sở hữu CLB bóng chày Boston Red Sox. Gần đây, họ cũng mua lại CLB Pittsburgh Penguins ở giải Khúc côn cầu Mỹ.
Bộ máy của FSG điều hành Liverpool đều là những nhân vật “đầu có sỏi” ở Mỹ. Đứng đầu tập đoàn là tỷ phú John Henry. Chủ tịch Liverpool, Tom Werner là cổ đông lớn thứ hai sau John Henry. Chủ tịch FSG, Mike Gordon là cổ đông lớn thứ ba, trước khi RedBird Capital Partners (chủ sở hữu AC Milan) nhảy vào đầu tư năm 2021. Bên cạnh đó, ban giám đốc của Liverpool có 7 nhân vật (trong đó có King Kenny Dalglish).
Tất nhiên, để nuôi Liverpool trở thành “con gà đẻ trứng vàng” như hiện nay, FSG đã đầu tư không ít tiền. Họ chi 110 triệu bảng để nâng cấp khu vực khán đài chính. Dự án 80 triệu bảng để mở rộng sức chứa của Liverpool sẽ hoàn thành vào mùa Hè năm sau. Hay họ cũng vung tới 50 triệu bảng để xây dựng cơ sở đào tạo mới. Đó chưa kể số tiền khổng lồ (dù Liverpool chi tiêu khá tiết kiệm) để tạo nên đế chế huy hoàng thời Juergen Klopp.
ĐẦU TƯ VÀO CLB, “MÓN HÀNG” SIÊU LỢI NHUẬN
Sau khi thông tin FSG muốn bán lại Liverpool, ông Conrad Wiacek, giám đốc bộ phận phân tích thể thao tại GlobalData cho rằng CLB vùng Merseyside có thể được định giá hơn 5 tỷ USD. Ông chia sẻ: “Với việc Chelsea được bán lại với giá 4,15 tỷ USD (2,5 tỷ bảng), Liverpool có thể được bán lại với giá hơn 5 tỷ USD. Họ đã thu về 160 triệu USD từ các hợp đồng quảng cáo ở mùa giải 2022/23”.
Con số này hoàn toàn có cơ sở. Mùa Hè năm ngoái, FSG đã từ chối lời đề nghị trị giá 3,5 tỷ USD. Chỉ có một lý do duy nhất, họ chờ đợi mức giá cao hơn tới từ những “đại gia” ở Trung Đông. Tại sao FSG lại quyết định bán Liverpool ở thời điểm này? Đó là thắc mắc của nhiều người.
Thực tế, vấn đề không phải là FSG bán ở thời điểm nào, chỉ là họ cần số tiền đạt tới kỳ vọng. “FSG thường xuyên nhận được sự quan tâm từ bên thứ ba. Chúng tôi sẽ phân tích điều khoản, điều kiện phù hợp để xem xét các nhà đầu tư mang tới lợi ích tốt nhất cho Liverpool. FSG vẫn cam kết đầy đủ cho thành công của Liverpool ở trong lẫn ngoài sân cỏ”, tập đoàn Mỹ thông báo.
Vào năm 2021, FSG đã bán 11% cổ phần của CLB vùng Merseyside cho RedBird Capital Partners với giá 750 triệu USD. Điều đó cho thấy FSG có dấu hiệu “cắt từng phần” của Liverpool để bán lại. Giờ đây, khi đã “no đủ”, họ tính tới việc bán toàn bộ đội bóng để “chốt lời”.
Đây là thương vụ “mua đáy-bán đỉnh” điển hình của làng túc cầu với khoản lợi nhuận hơn 1000% chỉ sau 12 năm. Đó là những gì trải qua với tỷ phú Abramovich khi quyết định bán lại Chelsea với giá 4,15 tỷ USD.
Nói vậy để thấy rằng, các CLB bóng đá giờ đây trở thành “món hàng” siêu lợi nhuận mà bất cứ ai cũng thèm khát. Chính vì thế, giá trị của các đội bóng đang được đẩy lên từng ngày, với tốc độ chóng mặt.
Suy cho cùng, trong mắt nhà đầu tư, yếu tố lợi nhuận vẫn được đặt lên hàng đầu. Không phải vì họ không tâm huyết (Liverpool trở về thời kỳ hoàng kim nhờ FSG), mà vì sự tâm huyết ấy đã mang tới đủ thành tựu cho họ. Quá trình mua bán cứ thế tiếp diễn, đảm bảo cho bóng đá không thể ngừng lại, mà là cuộc chiến điên rồ về tiền bạc. Chỉ sợ một ngày, những “bong bóng” sẽ nổ tung vì những sự đầu tư thiếu hiệu quả.
FSG từng bị chỉ trích khi Liverpool tham gia Super League
Tập đoàn FSG từng hứng chịu sự chỉ trích nặng nề từ người hâm mộ khi tham gia vào siêu dự án Super League cùng với M.U, Man City, Chelsea, Arsenal, Tottenham, Real Madrid, Barca, Atletico, Juventus, Inter và AC Milan. Sau đó, tỷ phú John Henry đã rút lui khỏi dự án này và công khai xin lỗi người hâm mộ.