Ông Farkhad là một giảng viên nhiều kinh nghiệm của FIFA, được FIFA cử hỗ trợ giảng dạy trọng tài VAR của Việt Nam từ ngày 26 đến 29/4. Ông Farkhad chia sẻ: “Rất vinh dự khi có cơ hội được hỗ trợ LĐBĐVN (VFF), Công ty VPF trong công tác đào tạo trọng tài VAR, góp phần thúc đẩy kế hoạch sớm đưa công nghệ VAR đến với bóng đá Việt Nam. Việc sớm áp dụng VAR được đánh giá là một bước tiến quan trọng cho sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Quy trình đào tạo Trọng tài VAR phải trải qua rất nhiều bước.
Các Trọng tài cần phải chuẩn bị sẵn sàng để dần trải qua từng bước đào tạo. Từ lý thuyết đến thực hành. Yêu cầu cho các Trọng tài là phải nắm vững các kiến thức và kinh nghiệm để thực hành VAR. Đó là lý do mất nhiều thời gian để đào tạo Trọng tài VAR, đặc biệt bước 2d với phân tích tình huống trong một trận đấu 90’ đòi hỏi nhiều thời gian đào tạo cho các Trọng tài hơn. Sau khi tích lũy đủ các kiến thức, kinh nghiệm trong phòng LAB, các Trọng tài mới đến được bước đào tạo quan trọng hơn chính là thực hành thực tế ở trên sân tại các giải đấu không chính thức”.
Những nội dung giảng dạy từ giảng viên FIFA đem đến rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho các Trọng tài tham dự lớp đào tạo VAR. Tận dụng tối đa quãng thời gian giảng viên FIFA ở Việt Nam, các Trọng tài thường xuyên có các trao đổi tương tác với giảng viên để nhằm thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm truyền tải từ giảng viên Farkhad. Trọng tài FIFA Nguyễn Mạnh Hải cho biết: “Ông Farkhad và các giảng viên Ban Trọng tài đã chia sẻ và trao đổi rất nhiều kinh nghiệm bổ ích: từ lý thuyết về công nghệ VAR; cách nhìn nhận, phân tích các lỗi cần can thiệp VAR; tình huống Trọng tài phải xử lý nhanh và chính xác trong phòng LAB; các kỹ năng xử lý trên máy; kỹ năng phối hợp giữa Trọng tài chính và Trọng tài VAR… Ở đợt tập huấn đầu tiên (từ ngày 20/2 đến 4/3) là giai đoạn các Trọng tài làm quen với VAR trong phòng LAB với các clip đơn giản 5-10 phút.
Giai đoạn tập huấn lần này khó khăn hơn nhiều, mỗi Trọng tài phải xem và xử lý 2-3 trận đấu hoàn chỉnh 90 phút. Các tình huống trong bài giảng lần này ở thời điểm chưa áp dụng VAR nên chưa có thời gian trì hoãn trên màn hình, yêu cầu Trọng tài VAR phải tập trung đọc tình huống nhanh, xử lý và thông báo cho Trọng tài chính. Một trận đấu 90’ cũng đòi hỏi Trọng tài phải tập trung cao độ trong một thời gian dài. Trải qua bước đào tạo mức độ khó hơn, các Trọng tài cũng được ôn tập, thực hành, tổng hợp các kinh nghiệm học được trong giai đoạn đầu. Giai đoạn đào tạo này là bước đào tạo quan trọng đối với các Trọng tài, phối hợp giả định làm một trận đấu hoàn chỉnh, học các kỹ năng phối hợp giữa Trọng tài chính và Trọng tài VAR. Các Trọng tài tham dự lớp đều đang nỗ lực và cố gắng để có thể tích lũy cho bản thân các kiến thức và kinh nghiệm về VAR, hoàn thành tốt nhất khóa đào tạo Trọng tài VAR”.
Kế hoạch khóa đào tạo Trọng tài VAR trong phòng LAB đợt 2 bắt đầu từ ngày 18/4, kéo dài đến ngày 3/5. Việc hoàn thành đợt đào tạo trong phòng LAB lần này được đánh giá rất quan trọng để Trọng tài có thể đến với bước đào tạo trên xe VAR tại các trận đấu không chính thức, dự kiến tổ chức khoảng tháng 6/2023. Đào tạo Trọng tài được xem là nội dung mất nhiều thời gian nhất trong dự án đưa VAR đến với các Giải BĐCN QG và hiện các Trọng tài Việt Nam đã gần hoàn thiện 2/3 chặng đường đào tạo. Công nghệ VAR chỉ chính thức được áp dụng sau khi FIFA phê duyệt triển khai tất cả các bước thực hiện về công nghệ kỹ thuật xe VAR và quy trình đào tạo trọng tài.