Từng là một trong những tiền vệ hào hoa nhất của Arsenal dưới thời Wenger, nhưng Edu Gaspar lại không học được gì từ Giáo sư. Kể từ ngày được bổ nhiệm làm Giám đốc kỹ thuật, Edu chỉ mất chưa đến hai năm để kéo sập đế chế khiến Wenger mất tới 20 năm xây dựng.
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Mất tiền vì “cò”
Tương tự Sir Alex Ferguson, thời còn làm HLV trưởng Arsenal, Arsene Wenger không thích làm việc với những cầu thủ có người đại diện nổi tiếng. Họ quan niệm người đại diện chỉ là những tên “cò” môi giới sống bám vào thân chủ, kiếm tiền trên xương máu cầu thủ kiếm ra. Tư duy đó đã thay đổi ở MU thời hậu Sir Alex, và Arsenal sau ngày Wenger rời đi cũng không phải ngoại lệ.
Kể từ ngày Edu lên làm Giám đốc kỹ thuật tại Arsenal, một trong những việc đầu tiên ông làm là thu hẹp đội ngũ tuyển trạch viên CLB. Thay vì tin vào mắt nhìn người của những nhân vật đã gắn bó với Arsenal 10-20 năm, Edu chuyển sang sử dụng 2 gã “cò” cầu thủ Arturo Canales và Kia Joorabchian. Canales đại diện cho Pablo Mari, còn Joorabchian đạo diễn thương vụ Cedric Soares đến Pháo thủ.
Nếu nhìn vào những gì Pablo Mari và Cedric Soares đã thể hiện từ ngày khoác áo Arsenal đến giờ, ta có thể thấy họ không đủ trình độ nâng tầm CLB. Mari từng có 1 năm đầu quân cho Man City nhưng không đá trận nào, còn Cedric chỉ là cầu thủ hạng xoàng ở Southampton. Tại sao những người như thế lại được Edu chọn đưa về Arsenal?
“Rẻ nhưng tốt” là câu trả lời của Edu cho thương vụ mua Pablo Mari và Cedric. Báo cáo tài chính của Flamengo cho thấy họ bán Mari chỉ với giá 3,6 triệu bảng. Southampton cũng chỉ nhận 1 triệu bảng phí mượn Cedric từ Arsenal. Nhưng 4,6 triệu bảng lại không phải số tiền Pháo thủ phải bỏ ra cho 2 cầu thủ nói trên. Họ mất tới 14 triệu bảng. Vậy 9,4 triệu bảng còn lại đã đi đâu?
Câu trả lời nằm ở mối quan hệ phức tạp của ông với những gã “cò”. Arsenal mua cầu thủ với giá chuyển nhượng thấp, nhưng lại phải trả tiền lời trung gian. Số tiền này gấp 2-3 lần phí chuyển nhượng thực tế, qua đó tạo ra tiền lệ xấu ở Arsenal: tiền lót tay cho người đại diện.
Mari và Cedric không phải những cái tên duy nhất gây ra tranh cãi khi đến Arsenal. Willian được chiêu mộ từ Chelsea theo dạng chuyển nhượng tự do và gần như không thể hiện được gì. David Luiz cũng không đạt yêu cầu. Luiz đã ra đi, còn Willian cũng đang trên đường rời Arsenal. Họ mang theo rất nhiều kỳ vọng (và cả tiền) từ người hâm mộ Pháo thủ.
Không tin người nhà
Quá “lậm” vào những tay cò chuyển nhượng như Canales và Joorabchian khiến Edu quên mất Arsenal vốn nổi tiếng là nơi đào tạo cầu thủ trẻ. Kể từ ngày ông chính thức phụ trách công tác chuyển nhượng ở mùa đông 2020 đến nay, Pháo thủ gần như chưa trình làng được tài năng nào đáng chú ý. Mọi thứ đổ dồn lên vai Mikel Arteta, người cũng mới tiếp quản Arsenal sau thời gian làm trợ lý cho Pep ở Man City.
“Tôi muốn CLB đưa về một trung vệ thuận chân trái và một hậu vệ phải dự phòng. Bellerin vẫn đá chính, còn Maitland-Niles phải được xếp đá tiền vệ tấn công”. Đó là một trong những yêu cầu đầu tiên Arteta gửi tới Edu trên cương vị HLV trưởng Arsenal. Edu làm điều này bằng việc đưa về 2 cầu thủ kém chất lượng Mari và Cedric, khiến Arteta lại phải đẩy Maitland-Niles ra trấn giữ hành lang cánh.
Việc thiếu kiên định trong chính sách chuyển nhượng và liên tục chiêu mộ cầu thủ yếu kém là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu” ở Arsenal. Đội 1 của họ đang có tới 30 cầu thủ nhưng lại thiếu người chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm và hậu vệ phải. Edu còn mắc nhiều sai lầm ngớ ngẩn như việc bán đi thủ môn Emiliano Martinez hồi mùa hè năm ngoái cho Aston Villa.
Sau một năm bắt chính ở Villa, Martinez giờ đã là tuyển thủ Argentina vô địch Copa America cùng Messi. Còn về phần Pháo thủ, họ cảm thấy Leno không còn đủ khả năng đứng trong khung gỗ nữa nên đưa Ramsdale về với giá 24 triệu bảng. Như vậy là trong chưa tới 12 tháng, Arsenal đã lỗ 4 triệu bảng để đưa về 1 thủ môn kém tài hơn người họ từng đẩy đi. Một nghich lý… dễ hiểu ở London Colney thời điểm này!