Thay đổi tư duy
Những CLB chịu ảnh hưởng từ lối chơi bóng ngắn của Pep Guardiola sẽ chỉ chú trọng vào việc triển khai bóng sống, chứ không đầu tư cho những pha bóng cố định? Luận điểm đó có thể đúng trong quá khứ nhưng không phải bây giờ. Man City là ví dụ tiêu biểu nhất khi tỷ lệ thuận với việc tăng thêm cơ bắp và chiều cao cho đội bóng của mình, Pep cũng bỏ thêm nhiều chất xám với bóng chết, đặc biệt là phạt góc.
Mùa trước, Man City vô địch Premier League với 14 bàn từ các pha dàn xếp cố định không tính penalty. Mùa 2021/22, họ thậm chí có đến 21 bàn. Sự thay đổi này còn thấy rõ rệt hơn ở Arsenal, nơi có “môn đồ” của Pep – Mikel Arteta lãnh đạo. Trước mùa 2019/20, Arteta quyết tâm cải thiện hiệu quả từ các pha bóng chết bởi trong mùa trước đó, Arsenal chỉ có đúng 3 bàn từ phạt góc – thông số thấp nhất lịch sử Premier League kể từ khi Opta thống kê chỉ số này từ mùa 2007/08.
Vô tình thông qua một người bạn, Arteta gặp được Nicolas Jover, người từng làm HLV bóng chết ở Man City. Cảm thấy tư duy của Jover rất hợp với mình, Arteta cố gắng thuyết phục và thành công mang trợ lý người Pháp về Emirates vào hè 2021. Ngay trong mùa đầu tiên Jover làm việc, Arsenal đã ghi tới 13 bàn từ phạt góc. Đến mùa 2022/23, thành tích này lại được tái lập.
Bởi lẽ số lượng phạt góc mà Arsenal được hưởng ở mỗi mùa là khác nhau, thế nên để đo đạc chính xác hiệu quả của Jover, cần thông số tỷ lệ bàn thắng trên mỗi 100 quả phạt góc ở Premier League. Trong 2 mùa gần nhất, thông số này lần lượt là 6,3 (mùa 2021/22) và 5,8 (2022/23), cao đột biến so với 1,4 (mùa 2020/21) và cao nhất kể từ 2007/08.
Một trong 13 bàn thắng như vậy trong mùa trước của Arsenal là vào lưới MU ở màn ngược dòng 3-2 nghẹt thở tại Emirates. Mùa này, Quỷ đỏ tiếp tục nếm trái đắng từ ngón đòn được tập luyện rất kỹ của Pháo thủ.
Bí quyết là tạt bóng đến cột xa
Ở trong trận đại chiến mới đây, Arsenal được hưởng rất nhiều phạt góc. Dù chịu khó thay đổi từ chuyền gần đến chuyền xa, mục đích chính của đội chủ nhà vẫn là đưa được bóng đến cột xa khung thành đối thủ, nơi có bãi đáp là Declan Rice.
Đến với ví dụ ở phút 15. William Saliba là cầu thủ Arsenal duy nhất có mặt ở cột gần, trong khi phần còn lại dồn hết về cột xa. MU bố trí phòng ngự khu vực, với Antony lo phần không gian gần nhất, Christian Eriksen để tâm tới trung tuyến, Aaron Wan-Bissaka, Anthony Martial, Lisandro Martinez kèm 1 với 1, còn Diogo Dalot ôm lấy cột dọc xa nhất.
Những cầu thủ mà Wan-Bissaka, Martial và Martinez để mắt là Saliba, Kai Havertz và Gabriel đều chỉ là chim mồi, chạy cắt vào trung lộ để lôi kéo hậu vệ MU đi theo, nhường lại không gian ở cột xa cho một mình Rice. Tân binh đắt giá nhất của Arsenal luôn đứng ngoài khu vực 5m50, buộc Dalot không thể tiếp cận. Pha bóng này không thành công khi cú phạt góc của Gabriel Martinelli là quá tệ. Tuy nhiên, ý đồ trong di chuyển của Arsenal là rõ ràng.
Đến phút 19, Arsenal được hưởng phạt góc ở hướng đối diện, người thực hiện lần này là Saka. Bài phối hợp cũ lại được triển khai. Saliba, Havertz và Gabriel tiếp tục chạy chỗ, tạo “báo động giả”. Rice vẫn là người duy nhất đứng ngoài khu vực 5m50 cho đến tận khi Saka chạm bóng. Lần này, đường chuyền của Saka đã tốt hơn Martinelli rất nhiều, và Rice đã có không gian trốn trải để băng vào đánh đầu. Tuy nhiên, điểm tiếp xúc không chính xác khiến quả bóng bay vọt xà ngang.
Ở pha phạt góc cuối hiệp 1, Eriksen dường như đã nhận ra vấn đề nên tập trung để mắt tới Rice. Ý thức được việc đã lọt vào radar của đối thủ, Rice tương kế tựu kế, chạy thẳng về phía Eriksen, tạo ra vật cản, ngăn đối thủ tiếp cận bãi đáp lần này là Nketiah. Ý đồ rất sáng nhưng pha tiếp bóng của Nketiah không như ý, buộc anh phải trả ngược ra ngoài cho Saka dứt điểm.
Sang đến hiệp 2, tần suất thực hiện phạt góc của Arsenal không còn dày như trước, qua đó khiến MU phần nào quên mất mối nguy hiểm thường trực. Cộng với việc phải thay cả cặp trung vệ Martinez và Lindelof, hệ thống phòng ngự của MU lỏng lẻo hơn nhiều. Và đến phút bù giờ thứ 7, điều gì đến cũng phải đến. Vẫn là cách giàn xếp quen thuộc của đội chủ nhà, chỉ khác khi Gabriel Jesus thay Nketiah, còn Takehiro Tomiyasu trong vai trò của Havertz. Chỉ một mình Rice vẫn giữ nguyên.
Khi Saka thực hiện quả phạt góc, Tomiyasu chạy thục mạng đến cột gần, Gabriel và Jesus cũng tự động tách khỏi cột xa để lại một mình Rice. Đường chuyền lần này của Saka là hoàn hảo khi hướng thẳng bóng tới Rice đang đứng không ai kèm. Gabriel khôn khéo ngăn cản Jonny Evans áp sát, mở ra cơ hội bằng vàng và Rice đã không bỏ lỡ với một cú sút búa bổ vào lưới Onana.
Rice biết bàn thắng sẽ đến Nhận xét về bàn thắng quyết định của mình, Rice cho biết: “Bạn biết đấy, đó là một trong những pha bóng mà chúng tôi đã chuẩn bị. Chúng tôi muốn tấn công MU từ những quả phạt góc. Trong hiệp 1, tôi đã có cơ hội nhưng không thành công. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra áp lực đủ tốt. Rốt cuộc, điều gì đến đã phải đến, tôi đã ghi một bàn thắng đẹp”. |