Tại sao là futsal mà không phải là bóng đá nam, bóng đá nữ hay các môn thể thao căn bản khác có thể mơ đến sự ổn định ở sân chơi World Cup? Có nhiều lý do, từ thể trạng con người Việt Nam đến trình độ phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các môn bóng đá sân lớn hay thể thao đều có khoảng cách rất xa với trình độ tiên tiến, ở đây chính là World Cup. Nói thế không phải để phủ nhận sự phát triển của các môn bóng đá sân lớn mà khẳng định rõ hơn việc chúng ta đang đứng ở đâu và cần phải làm gì nhằm thực hiện giấc mơ World Cup.
Những ngày này, ĐT Việt Nam vẫn đang tích cực chuẩn bị cho vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Chúng ta đang ở ngưỡng cửa lịch sử khi có mặt ở vòng loại cuối cùng. Đó là điều chưa từng có và cho thấy bước phát triển đáng ngưỡng mộ của bóng đá Việt Nam. Nhưng, nếu có mơ mộng nhất thì chúng ta cũng chỉ đặt mục tiêu hội nhập và kiếm tìm sự trải nghiệm với các đối thủ hàng đầu châu lục. Khoảng cách về trình độ còn quá xa. Có lẽ, mục tiêu thực tế nhất là chúng ta phải đá từng bừng, kiêu hãnh và cố gắng kiếm được nhiều điểm nhất trong hành trình vươn khơi của mình.
Bóng đá nam và bóng đá nữ cần có một lộ trình dài hạn nhằm thực hiện giấc mơ World Cup. Giấc mơ ấy không thể thực hiện trong một năm, hai năm mà có khi phải là một chiến lược nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ với những thay đổi căn bản về hạ tầng của nền bóng đá. Chúng ta cần một chương trình nâng cao thể trạng người Việt Nam một cách bài bản, khoa học. Chúng ta cần một nền kinh tế phát triển để có nhiều vốn đầu tư cho bóng đá. Sự đầu tư ở đây không chỉ là một vài học viện bóng đá hay khoản tiền trả lương cho chuyên gia, gửi cầu thủ ra nước ngoài tập huấn. Cái mà bóng đá Việt Nam cần là một phong trào tập luyện bóng đá rộng khắp với cơ sở vật chất hiện đại từ trường học đến các học viện đào tạo, các CLB…
Một giấc mơ lớn không thể thực hiện bởi một vài lời tuyên bố. Một ngôi nhà lớn không thể được xây với một nền móng thiếu vững chắc. Một ông bầu có thể tuyên bố lo tất cho đội tuyển thực hiện giấc mộng World Cup nhưng để thay da đổi thịt một nền bóng đá, chúng ta cần nhiều bàn tay chung sức. Từ cơ chế đến sức khỏe nền kinh tế cần hội đủ những yếu tố cần thiết nhằm đưa bóng đá Việt Nam cất cánh. Bóng đá chuyên nghiệp phải hội đủ những yếu tố căn bản của nó chứ không thể xây dựng bằng ý chí của một vài người.
Trở lại chuyện đầu tư cho bóng đá Việt Nam ra biển lớn. Ngành thể thao Việt Nam từng thành công với chiến lược “đi tắt đón đầu”. Khi đã có thứ hạng ở SEA Games thì lúc đó thực hiện quy luật “lượng đổi chất đổi”. Các môn thể thao Olympic được đầu tư nhiều hơn và thể thao Việt Nam thực sự là hội nhập thành công với SEA Games và xa hơn là Asiad. Thế mới nói, đầu tư cho thể thao, cho bóng đá phải có tính trọng điểm, phải dựa trên những tính toán khoa học chứ không phải chạy theo xu thế. Nó cũng giống như việc, khi giá lợn tăng thì đầu tư nuôi lợn đến lúc xuất chuồng thì giá lại hạ, hay lao vào đầu tư theo kiểu đu đỉnh ở thị trường chứng khoán.
Futsal Việt Nam với quy mô vừa phải vẫn hai lần dự World Cup. Nó phản ánh một điều, thành tích này không còn là bất ngờ mà nó phản ánh thế và lực của bóng đá Việt Nam. Con đường hội nhập của futsal đã được tính toán một cách kỹ lưỡng và quan trọng hơn cả, môn thể thao này phù hợp với Việt Nam, với tố chất con người và quy mô đầu tư trong thời điểm hiện tại. Nhìn ra thế giới, bài học của Iran, Nhật Bản, Uzbekistan hay Thái Lan cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ. Nếu cần một môn thể thao làm mũi nhọn đột phá, bóng đá Việt Nam có thể chọn futsal. Thậm chí, cảm hứng từ sân chơi này có thể mang đến cú hích cho bóng đá sân lớn hay các môn thể thao khác vươn tầm.