Anfield là một SVĐ phục vụ tốt cho các trận đấu ở châu Âu, với sức chứa 54.000 chỗ ngồi và bắt đầu được nâng cấp lên 61.000 chỗ. Các khu vực dành cho NHM phía bên ngoài đã được tân trang. Năm 2016, Liverpool cũng đã tiến hành nâng cấp khán đài chính để tăng lượng khán giả vào sân mỗi trận. Tương tự như vậy, mặt cỏ cũng đã được thay mới. Mọi thứ đang trong quá trình hoàn thiện và đảm bảo sẽ hoàn thành đúng kế hoạch.
Về đội bóng Liverpool? Họ đang có quãng thời gian phong độ trồi sụt, nhưng tập thể đó đã suýt giành chức vô địch cách đây 7 tháng và họ là một trong những đội xuất sắc nhất châu Âu trong vài năm qua. Liverpool có một số cầu thủ xuất sắc và một HLV có phong thái đầy lôi cuốn là Jurgen Klopp.
Nhưng có lẽ quan trọng nhất là Liverpool sở hữu một số lượng người hâm mộ khổng lồ, có nghĩa là các đài truyền hình sẽ luôn muốn chiếu các trận đấu của họ, các nhà tài trợ sẽ trả lời các cuộc gọi của The Kop và họ có thể in huy hiệu của CLB lên bất cứ thứ gì mà vẫn sẽ có ai đó muốn mua nó.
Liverpool thi đấu ở Premier Leaugue, giải VĐQG hào nhoáng nhất thế giới và cũng thường giành được suất tham dự Champions League, sân chơi cấp CLB sinh lợi nhất hành tinh. Tổng cộng, họ kiếm được hơn nửa tỷ bảng mỗi năm, có thể lên tới 600 triệu bảng (tương đương 690 triệu đô la) trong một năm thuận lợi, và không có nhiều khoản nợ trong báo cáo tài chính.
Bộ chiêu thức bán hàng mà Goldman Sachs và Morgan Stanley đã cùng nhau đưa ra cho các nhà đầu tư tiềm năng sẽ có thêm một vài con số cùng những bức tranh bóng bẩy, nhưng đó thực chất chỉ là chiêu trò. Vậy thì ai đang ký một thỏa thuận không tiết lộ thông tin?
Một người đàn ông nào đó không phải Sir Jim Ratcliffe, tỉ phú giàu nhất nước Anh và là chủ sở hữu của công ty hóa chất Ineos. Ông ta đã thất bại trong một nỗ lực muộn màng để mua Chelsea và tránh xa bất kỳ động thái nào với Liverpool.
Nhưng ai có nhiều khả năng mua lại một CLB thuộc sở hữu của một nhóm lớn các nhà đầu tư Mỹ, những người đã mua CLB từ người Mỹ và được tư vấn bởi hai ngân hàng Mỹ. Ông chủ kế tiếp của Liverpool sẽ lại là một doanh nhân Mỹ, hay một người nào đó tới từ quốc gia giàu có khác?
Và trong thời gian gần đây, những ai đã mua những bất động sản tương tự như Liverpool? Hai năm qua, 7 CLB hiện đang chơi ở Premier League đã được mua lại toàn bộ, hoặc một phần gồm: Bournemouth, Chelsea, Crystal Palace, Leeds United, Newcastle, Southampton và West Ham. Bốn trong số đó, 4 cái tên đầu tiên thuộc về những ông chủ người Mỹ.
Có một chút thay đổi trong cơ cấu sở hữu của công ty mẹ của Manchester City, tập đoàn City Football Group, khi công ty Silver Lake của Mỹ chiếm thiểu số trong doanh nghiệp mới đây đã tăng thêm cổ phần. Everton đã đàm phán với ông trùm bất động sản Hoa Kỳ Maciek Kaminski và vào tháng 10, tập đoàn LAMF Global Ventures Corp có trụ sở tại Hoa Kỳ đã trở thành cái tên mới nhất được liên hệ mời thầu cho CLB hàng xóm với Liverpool.
Ngoài ra còn có các vụ tiếp quản toàn bộ hoặc một phần ở hai CLB đã từng thi đấu ở Premier League trong giai đoạn này nhưng hiện đã tụt xuống Championship (Burnley và Norwich City). Thử đoán quốc tịch của những ông chủ mới của hai CLB này? Đáp án chắc hẳn không khiến cho bất kỳ ai cảm thấy ngạc nhiên.
Đó là câu chuyện tương tự trên khắp lục địa. Người Mỹ gần đây đã mua toàn bộ hoặc một phần các CLB AC Milan, Atalanta, Genoa, Parma, Sevilla, Standard Liege, Venezia và rất nhiều những đội bóng khác. Gần đây nhất, doanh nhân người Mỹ John Textor đã thâu tóm Lyon, một ông lớn của giải Ligue 1.
Có nhiều lý do giải thích cho điều này – chi phí nhượng quyền thể thao cao ở Hoa Kỳ, mức độ phủ sóng ngày một tăng của môn bóng đá, giải vô địch bóng đá thế giới ở Bắc Mỹ vào năm 2026, sức mạnh của đồng đô la, niềm tin rằng các đội thể thao là tài sản phòng thủ tốt trong bối cảnh tài chính toàn cầu, nhưng tất cả đều tập trung thành một sự thật không thể chối cãi: đồng tiền của người Mỹ đang chi phối khắp các giải đấu ở châu Âu.
Southampton đã được mua lại bởi ông chủ Đan Mạch, với sự hậu thuẫn tài chính của một ông trùm truyền thông người Serb, và chủ sở hữu phần lớn cổ phần tiếp theo của West Ham có thể là một tỷ phú người CH Czech, nhưng đội bóng London là một khoản đầu tư có quy mô nhỏ hơn, mang tính cơ hội nhiều hơn so với một hạng mục lớn như Liverpool.
Theo các dự đoán, ở điều kiện tốt nhất, FSG có thể thu về 4 tỷ đô la (3,5 tỷ bảng), một khoản lợi nhuận hoàn hảo cho CLB mà họ đã mua với giá khoảng 350 triệu đô la (300 triệu bảng) 12 năm trước. Trong khi các tỷ phú mới vẫn đang xuất hiện trên khắp thế giới, không nhiều người trong số họ có túi tiền đủ sâu để dốc vốn vào một đội thể thao. Đó là lý do tại sao cho đến nay, đối với Liverpool, Chelsea là hình mẫu tốt nhất về cách thức tiếp quản CLB.
Không chỉ một cái tên đơn lẻ mà có thể là một nhóm các tỷ phủ sẽ cùng nhau mua lại đội bóng. Chúng ta không nên bỏ qua một kiểu chủ sở hữu CLB khác đã tạo ra làn sóng trong bóng đá suốt thập kỷ qua: quỹ tài sản có chủ quyền. Đây là mẫu chủ sở hữu đã tiếp quản Newcastle, tuy nhiên, Liverpool luôn chống lại điều đó.
Các tỷ phú Bahrain có muốn bước chân vào một vụ đầu tư như Liverpool không. Có lẽ có. Họ đã đầu tư rất nhiều vào môn đua xe Công thức 1, mặc dù gần đây, họ cũng cần nguồn tiền của Saudi Arabia để bù lỗ. Liệu một ông chủ giàu có đến từ Saudi Arabia, giống như ở Newcastle, sẽ tham gia vào cuộc cạnh tranh thâu tóm Liverpool?
Có thể, nhưng đó là phải là một tỷ phú dũng cảm, dám cạnh tranh với một CLB đã được sở hữu bởi thái tử Saudi Arabia là Mohammed Bin Salman, trong bối cảnh chỉ một đội bóng như Newcastle đã đủ khiến cả Premier League điên đảo.
Abu Dhabi đã thâu tóm Man City, vậy Dubai có hứng thú với Liverpool không? Chà, họ đã cố gắng hành động vào năm 2008 nhưng chẳng đi đến đâu. Các ông chủ từ UAE cũng đã có những cách tiếp cận khác nhưng bất thành.
Theo một nguồn tin trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập của bóng đá, 4 nhóm nhà đầu tư khác nhau có trụ sở tại Dubai đã nói về việc đặt giá thầu. Nhưng khi được yêu cầu đưa ra các bằng chứng cho thấy nhà đầu tư có công việc kinh doanh chân chính và một số tiền mặt trong ngân hàng – thì cuộc trò chuyện kết thúc.
Nhưng ngay cả khi các nhà đầu tư thực sự có thể mua lại Liverpool, liệu đó có phải là điều mà người hâm mộ của The Kop mong muốn? Đó có phải là nguyện vọng của những người đến từ thành phố đầy tự hào, độc lập, luôn đứng về phía CLB, nơi các tổ chức công đoàn vẫn còn quan trọng, hay những ai đã được Liverpool thu hút bởi danh tiếng về sự trung thực và tự lực phát triển?
Nói theo cách này – hẳn Klopp sẽ nhăn nhó khi phải trả lời câu hỏi của các nhà báo sau khi CLB được tiếp quản bởi một tỷ phú nào đó đến từ quốc gia vùng Vịnh. Thật khó để thấy ông ấy chấp nhận điều đó, và sẽ có bao nhiêu CĐV trung thành chọn cách quay lưng lại với CLB thân yêu của họ.
Không. Liverpool cần một chủ sở hữu có túi tiền sâu, sự nhạy bén trong thương mại và một bề dày thành tích trong lĩnh vực thể thao. Ông chủ đó phải có quan hệ sâu rộng trong thế giới giải trí, thời trang, tài chính và truyền thông. Một người có tầm nhìn toàn cầu nhưng có nhiều đầu mối tại địa phương. Với các chi phí liên quan đến bóng đá, họ có thể cần một vài chủ sở hữu; một tổ hợp để phân tán tải trọng và rủi ro. Nói tóm lại, họ cần một ông chủ như FSG.