Barbra Banda được kỳ vọng là ngôi sao sẽ tỏa sáng tại World Cup nữ 2023. Tiền đạo 23 tuổi của Zambia từng lập hai hat-trick liên tiếp tại Thế vận hội Tokyo 2020, và mới đây, cô cũng lập cú đúp vào lưới Đức trong trận giao hữu hôm 7/7.
Tuy nhiên, có một bí ẩn chưa lời giải về tư cách thi đấu của Banda. Tại Cúp bóng đá châu Phi năm ngoái, LĐBĐ Zambia (FAZ) bất ngờ rút Banda khỏi giải trước khi LĐBĐ châu Phi (CAF) thực hiện cuộc kiểm tra giới tính các cầu thủ.
Thực tế là sau khi trở về từ Thế vận hội 2020, Banda có mức testosterone (hóc môn nam) cao bất thường, vượt quá mức cho phép của CAF. Tiền đạo này đã được cung cấp một liệu trình ức chế hormone. Nhưng Banda, cùng với hai tuyển thủ khác trong đó có Racheal Kundananji, đã từ chối dùng bất kỳ loại thuốc ức chế nào vì sợ tác dụng phụ. Có thể đó là lý do khiến người Zambia chủ động rút Banda khỏi danh sách tham dự Cúp châu Phi 2022.
Hai câu hỏi quan trọng xuất hiện ở đây. Thứ nhất, tại sao FIFA lại dễ dàng để một cầu thủ đang vướng nghi ngờ về giới tính được tham dự World Cup nữ 2023? Thứ hai, tại sao FIFA lại buông lỏng việc kiểm tra giới tính bằng cách trao công việc đó cho các liên đoàn thành viên? Lần gần nhất FIFA kiểm tra giới tính cầu thủ dự World Cup đã từ năm 2011.
Về mặt quan điểm, FIFA có lưu tâm tới những cầu thủ có mức testosterone cao bằng cách lấy lời khuyên từ các chuyên gia pháp lý và y tế. Nhưng FIFA lại cần sự hướng dẫn từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trong việc này. Trong khi IOC khẳng định đây là chủ quyền của mỗi liên đoàn thành viên. Tất cả tạo nên một vòng tròn quan liêu, trong đó không ai nhận trách nhiệm. Hệ quả là những trường hợp gây tranh cãi như đội trưởng Barbra Banda của Zambia vẫn được FIFA bật đèn xanh cho dự World Cup, dù CAF chỉ ra rằng, cầu thủ này không đáp ứng các tiêu chí cho các giải đấu quốc tế dành cho nữ.
Nên nhớ, testosterone được chứng minh một cách khoa học là mang lại lợi thế về thành tích, giúp các vận động viên nhanh hơn và khỏe hơn trong thời gian dài hơn. Đó là lý do tại sao Liên đoàn Điền kinh Thế giới đã siết chặt chính sách đối với những vận động viên có sự khác biệt trong quá trình phát triển giới tính. Tiêu biểu là trường hợp “nữ hoàng 800 m” Caster Semenya đã bị buộc phải ngừng thi đấu cho tới khi chấp nhận dùng thuốc giảm testosterone.