Man City có thực sự cần tiền đạo cắm?
Sau khi Sergio Aguero chia tay Man City vào mùa Hè năm ngoái, HLV Pep Guardiola đã ngắm tới Harry Kane để thay thế. Thế nhưng, Man xanh không quá khát khao sở hữu tiền đạo cắm bằng mọi giá. Đó là lý do họ không dồn toàn lực để đưa tiền đạo người Anh tới Etihad.
Sự ra đi của Aguero được dự báo từ trước. Trong những năm cuối tại Man City, cầu thủ này không đóng góp được nhiều vì chấn thương. Và HLV Pep vẫn thành công dù Man City chẳng có trung phong đích thực
Ở mùa giải trước, Man City đã giành chức vô địch Premier League một cách thuyết phục. Trong đó, người đứng đầu danh sách ghi bàn là Guendogan (17 bàn). Đứng tiếp theo là Foden và Sterling. Sang mùa này, tình hình không khác là bao. Mahrez là người ghi bàn nhiều nhất. Thậm chí, Pep còn cho thấy sự “khác người” khi để một cầu thủ tấn công là Ferran Torres ra đi vào tháng 1.
Man City có cần Haaland hay không? Đó có lẽ là câu hỏi chỉ HLV người Tây Ban Nha có câu trả lời. “Chúng tôi cần một tiền đạo, nhưng ngay cả khi không mang về một ai, chúng tôi vẫn thích nghi được”, Pep từng chia sẻ hồi tháng 3.
Thực tế, những con số cho thấy, Man City cũng cần một tiền đạo cắm. Trung bình mỗi trận đấu, họ thực hiện 22 cú tạt (783 lần sau 35 trận). Do đó, họ luôn cần một điểm cắt để có thể tận dụng cơ hội. Bên cạnh đó, theo thống kê từ BTC Premier League, Man xanh đang là CLB bỏ lỡ cơ hội nhiều nhất mùa này với 61 lần.
Nếu nhìn vào những con số đó, Haaland đương nhiên là lựa chọn quá tốt. Cầu thủ người Na Uy là tiền đạo cắm hàng đầu châu Âu. Trong thời gian ở Dortmund, Haaland đã ghi 85 bàn sau 88 lần ra sân. Một hiệu suất kinh hoàng.
Thế nhưng, trong bóng đá không phải lúc nào một miếng ghép vừa vặn cũng đủ để lấp chỗ trống. Vấn đề ở chỗ, HLV Pep Guardiola có quan điểm thế nào. Nên nhớ, ông luôn ưa thích sử dụng tiền đạo ảo (hầu hết là tiền vệ công) để đạt tới sự cơ động trong lối chơi. Ở đó, bất kỳ ai cũng có thể là tiền đạo với Pep.
Pep Guardiola “có thù” với các tiền đạo
Samuel Eto’o và Thierry Henry đều góp mặt trong đội hình của Barcelona giành cú ăn ba ở mùa giải 2008/09. Thế nhưng, cả hai đều lần lượt rời Camp Nou. Sau đó, HLV Pep Guardiola (khi ấy còn dẫn dắt Barca) đón thêm một trung phong khác là Zlatan Ibrahimovic. Nhưng rồi, ông cũng chán nản và đẩy chân sút này khỏi CLB sau một mùa giải.
Có chi tiết đáng chú ý, sau khi “phế” Ibrahimovic, Pep bắt đầu thử nghiệm Messi trong vai trò “số 9 ảo”. Đó là phát kiến cuộc đời của ông. Nó đã giúp Messi vươn lên hàng siêu sao. Nhưng vì thành công đó, Pep Guardiola đã luôn bị ám ảnh bởi lối chơi không tiền đạo.
Tất nhiên, một vài chân sút như Robert Lewandowski và Sergio Aguero đã được Pep sử dụng thành công. Nhưng rồi, ai cũng thấy, chỉ tới khi sử dụng tiền đạo ảo, ông mới nâng tầm Man City.
Không ai phủ nhận, Haaland quá sắc bén và còn triển vọng phát triển rực rỡ khi mới 21 tuổi. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, nếu tới Man City, tiền đạo người Na Uy có thể phải gò mình vào những suy nghĩ “quái dị” của Pep. Trong quá khứ, Ibrahimovic từng không chịu nổi nhiệt và làm loạn.
Haaland cũng là cầu thủ có cái tôi và khát vọng rất lớn. Ở Dortmund, Salzburg hay ĐT Na Uy, Haaland đã trở thành thủ lĩnh từ khi còn rất trẻ. Nhưng rõ ràng, nếu muốn thành công dưới tay Pep, Haaland buộc phải đóng vai “đứa trẻ ngoan”.
Man City từng ký hợp đồng với một tiền đạo hồi tháng 1
Trước Haaland, vào tháng 1 năm nay, Man City đã ký hợp đồng với tiền đạo Julian Alvarez từ River Plate với giá 14,1 triệu bảng. Alvarez sẽ tới đầu quân cho CLB thành Manchester vào mùa 2022/23 và trực tiếp cạnh tranh vị trí với Haaland.
16,6 – Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Haaland ở mùa giải này là 16,3, cao thứ 3 ở Bundesliga, chỉ kém Lewandowski (37,54) và Patrik Schick (19,51).