Cú lừa mang tên VAR
Lần đầu tiên thì bao giờ cũng mang lại một cảm giác ngọt ngào. Không, không phải chỉ những lần đầu tiên trong tình yêu đâu, mà cả lần đầu tiên bóng đá Việt Nam được trải nghiệm công nghệ VAR, đó cũng là những phút giây đắm say, tưởng chừng không thể nào quên. Lần đầu tiên tuyển Việt Nam “hẹn hò” với VAR là trận tứ kết Asian Cup 2019 với tuyển Nhật Bản. Phải khẳng định 90 phút ấy thầy trò HLV Park Hang Seo chơi rất tuyệt vời. Chúng ta chỉ chịu thua đối thủ hàng đầu châu Á đúng 1 bàn cách biệt khi họ đã sử dụng tất cả những gì tốt nhất có thể.
Phút 24, trung vệ kì cựu Maya Yoshida bật cao đánh đầu đưa bóng vào lưới Đặng Văn Lâm. Cầu thủ này đã ăn mừng nhưng tổ VAR không nghĩ như vậy. Băng quay chậm cho thấy cú đánh đầu của cựu ngôi sao Premier League đưa bóng chạm tay một cầu thủ Nhật Bản trước khi vào lưới. Tình huống diễn ra rất nhanh và VAR làm tốt công việc của mình. Một kỉ niệm vui, VAR cứu chúng ta khỏi bàn thua và giúp tinh thần tuyển Việt Nam lên cao.
Nhưng đến phút 55, tuyển Nhật Bản được hưởng một quả penalty sau khi trọng tài sử dụng công nghệ VAR để bắt lỗi Tiến Dũng với Ritsu Doan trong tình huống trước đó. Chính tiền vệ này sau đó mở tỷ số khi thực hiện thành công quả phạt đền. Kết quả có thể buồn nhưng VAR giữ đúng với tôn chỉ của nó, đó là sự công bằng.
Thầy trò ông Park thua trận rất đáng tiếc nhưng không có gì để tiếc nuối, VAR cũng chẳng làm gì sai cả. Bẵng đi một thời gian, kế hoạch đưa VAR về V.League bất thành vì nhiều lý do, các cầu thủ cũng không có nhiều dịp trải nghiệm công nghệ này, do AFF Cup và vòng loại thứ 2 World Cup 2022 đều chưa áp dụng VAR.
VAR bắt đầu xuất hiện từ vòng loại thứ 3 và cũng bắt đầu tạo ra những cú lừa với bóng đá Việt Nam. Ngay ở trận đầu tiên, khi tuyển Việt Nam có hiệp đấu thăng hoa trước Saudi Arabia thì VAR cũng rất biết cách…lên tiếng. Ngay đầu hiệp 2, Duy Mạnh lao ra cản phá pha dứt điểm của đội trưởng Salman Al Faraj. Trong tư thế bay người phá bóng, tay của Duy Mạnh đã mở rộng và để chạm bóng. Trận đấu diễn ra tiếp tục 1 phút sau đó trước khi trọng tài Ilgiz Tantashev tham khảo VAR. Ông Ilgiz Tantashev xác nhận cánh tay của Duy Mạnh không áp sát cơ thể. Việc phần thân trên “to ra bất thường” dẫn đến cản bóng và cơ hội của đối phương từ Duy Mạnh, dù vô tình cũng khiến cho tuyển Việt Nam phải chịu một quả đá phạt đền.
Đây là tình huống tạo ra rất nhiều tranh cãi bởi Duy Mạnh đã phải nhận 1 thẻ vàng ở phút 51 vì lỗi phản ứng. Khi thổi phạt đền trong một tình huống phụ thuộc hoàn toàn vào nhận định của trọng tài, rằng Duy Mạnh có đưa tay làm cơ thể mở rộng bất thường hay không thì một tấm thẻ phạt làm thay đổi cả trận đấu liệu có cần thiết. Đến trận đấu với tuyển Australia, VAR lại khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Phút 28, Nguyễn Phong Hồng Duy tung cú dứt điểm từ xa đưa bóng đi trúng tay hậu vệ Grant bên phía tuyển Australia. Ít nhiều cánh tay của Grant cũng đã không khép sát người và làm phình to cơ thể, ngăn cản đường bóng.
Tuy nhiên, khi tham khảo rất kĩ công nghệ VAR thì trọng tài Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim quyết định không có phạt đền cho tuyển Việt Nam. Đặt giả sử, nếu thầy trò ông Park có phạt đền và có bàn thắng, mọi chuyện đã khác rất nhiều. Bởi, sau đó chừng 15 phút, tuyển Việt Nam để thủng lưới và đó cũng là bàn thắng duy nhất trong trận đấu của tuyển Australia.
Tuy nhiên, đỉnh điểm bức xúc của người hâm mộ Việt Nam với công nghệ VAR lại xuất hiện ở trận đấu tại Muscat trước Oman. Đã có những cảnh báo rằng tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể gặp bất lợi với trọng tài trên sân nhà. Nhưng diễn biến trong suốt 90 phút chẳng khác nào một cú lừa.
Ở tình huống đầu tiên, tuy hơi nặng tay như có lẽ VAR đã đúng với pha vung tay rất lộ liễu của Hồ Tấn Tài trong vòng cấm với cầu thủ đối phương. Nhưng Al Khaidi đã dứt điểm lên trời và…cứu tuyển Việt Nam khỏi một bàn thua ngớ ngẩn.
Sự “hài hước không ai mong muốn” của VAR xuất hiện ở phút 39. Trong tình huống mà Hồ Tấn Tài đoạt bóng trước khi tung ra đường chuyền cho Tiến Linh ghi bàn, VAR cũng được áp dụng. Ban đầu, VAR đưa ra nhiều góc làm chậm để trọng tài xác định xem hậu vệ sinh năm 1997 có mắc lỗi hay không? Sau khi xác định không thể bắt lỗi nào với Tấn Tài, VAR tiếp tục xem xét đến việc…Công Phượng có việt vị hay không ở tình huống trước khi Tấn Tài tranh chấp với cầu thủ đối phương. Dĩ nhiên, cũng chẳng có pha việt vị nào vì Công Phượng đứng rất đúng chỗ, trong giới hạn cho phép.
Nhiều người nói đùa rằng, trọng tài chính người Jordan đang cố tìm mọi cách để “cướp” đi bàn thắng của tuyển Việt Nam, nhưng không thể làm được. Nhưng ông này cũng không phải đợi chờ qúa lâu. Đến phút 63, Duy Mạnh tiếp tục sơ hở vung tay dù không cố tình với cầu thủ đối phương, và thế là VAR có việc làm.
Không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, một quả phạt đền cho chủ nhà Oman và nhiều cổ động viên đã sớm tắt vô tuyến. Đơn giản là tuyển Việt Nam đã yếu hơn đối phương mà còn bị VAR quay lưng thì có lẽ đừng nghĩ về 1 điểm nữa.
Trách VAR, trách cả chính mình
Tuyển Việt Nam và người hâm mộ có quyền than phiền về VAR. Đúng là VAR không hề đứng về phía bóng đá Việt Nam, thậm chí có thể xem là một sự thiếu công bằng nhất định. Chúng ta đã lên tiếng phản kháng hay chưa, chúng ta cũng nói rồi, VFF cũng có động thái với FIFA và AFC rồi.
Trong lá thư sau trận đấu với tuyển Australia gửi AFC và FIFA, VFF viết: “VFF ủng hộ và đánh giá cao quyết định của FIFA và AFC đối với việc áp dụng VAR vào các trận đấu tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Mục đích của việc áp dụng VAR là giúp các trọng tài có thể đưa ra những quyết định chính xác đối với các tình huống theo quy định của Luật. Tuy nhiên, ở trận đấu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Australia, VFF nhận thấy trọng tài đã không đưa ra quyết định chính xác, gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.
VFF đề nghị FIFA và AFC tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác trọng tài để có giải pháp điều hành hiệu quả tại những vòng đấu tới nhằm đảm bảo hình ảnh và uy tín của Giải đấu”.
Nhưng kết quả thì cũng chẳng có gì thay đổi, thậm chí còn đi theo chiều hướng tồi tệ hơn với tuyển Việt Nam. Nhưng như thế không có nghĩa rằng tuyển Việt Nam có thể đổ hết trách nhiệm cho VAR. Chúng ta thua kém tất cả các đối thủ ở bảng đấu này và chưa trận nào tuyển Việt Nam mang đến hy vọng thực sự.
Ở trận đấu với tuyển Oman, thực ra tuyến giữa của tuyển Việt Nam đều chơi dưới sức. Người làm chủ cuộc chơi thực sự là tuyển Oman với khả năng cầm nhịp khá tốt. Oman của HLV Branko Ivankovic dễ tạo ra một cảm giác sai lệch từ đối thủ về họ. Các cầu thủ Oman không quá mềm mại nhưng chuẩn xác, mạnh mẽ, tốc độ và hiệu quả.
Nhiều pha phối hợp của họ dễ dàng bẻ gãy hàng thủ tuyển Việt Nam. Thêm vào đó, ông Ivankovic rất biết cách tự thay đổi để đưa đối thủ vào bẫy. Thay vì chơi phối hợp ngắn như thường lệ, tuyển Oman liên tục nhồi bóng bổng và bóng dài để khai thác sai sót ở hàng phòng ngự tuyển Việt Nam.
Quả thật, cả 3 tình huống dẫn đến các bàn thua của thầy trò HLV Park Hang Seo đều đến theo cùng một kịch bản như vậy. Văn Toản không thể chỉ huy hàng thủ và làm chủ không gian. Quế Ngọc Hải có thể chơi tròn vai nhưng không gánh vác được 2 đàn em Tiến Dũng và Duy Mạnh. Còn nhắc đến câu chuyện về trọng tài, rất nhiều cầu thủ trong đó có Tấn Tài và Duy Mạnh cần phải xem lại chính bản thân mình. Ở tình huống đầu tiên, Tấn Tài hoàn toàn xứng đáng bị thổi phạt bởi một động tác thừa. Nếu đó là bàn thua, tuyển Việt Nam có thể còn không kịp ca thán về trọng tài.
Trong pha bóng của Duy Mạnh, đây không phải lần đầu tiên mà các cầu thủ Việt Nam vung tay trong vô thức. Chúng ta rất hay mắc những lỗi mà vì nhiều lý do thường không bị thổi phạt tại V.League. Công bằng mà nói, hẳn nhiên Duy Mạnh không dại dột đến mức vung tay vào mặt đối phương đang lao về phía mình. Nhưng anh để mở cánh tay ra quá rộng và vung vào mặt đối phương, như thế là quá đủ để trọng tài và VAR “vẽ” ra thêm một quả phạt đền, qua đó giúp tuyển Oman kết liễu trận đấu.
Rõ ràng, 90 phút tại Muscat cho tuyển Việt Nam rất nhiều bài học về bóng đá đỉnh cao. VAR, trọng tài hay nhiều yếu tố có thể không đứng về phía một đội bóng. Nhưng bản thân đội bóng cũng cần phải có sức mạnh về nội lực cũng như sự chuẩn bị để tránh khỏi những rắc rối có thể xảy đến.