ĐT Việt Nam cần phải thật tỉnh táo trong giai đoạn vô cùng khó khăn này để không đi vào vết xe đổ của Thái Lan năm 2017. Bài học của bóng đá Thái Lan vẫn còn tác dụng đến hiện tại.
Năm 2017, Thái Lan là vua Đông Nam Á, chơi ấn tượng hơn đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World Cup, sau đó lọt vào vòng loại cuối cùng với kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, những kết quả tệ hại sau đó đã khiến HLV Senamuang Kiatisak bị sa thải.
Từ đó, Thái Lan liên tục có sự thay đổi trên băng ghế huấn luyện, kéo theo sự đi xuống của cả nền bóng đá. Họ thất bại ở vòng loại World Cup 2018, thua tiếp tại vòng loại 2022 và còn rất lâu mới trở lại với vị thế của năm 2017.
Viễn cảnh này hoàn toàn có thể đến với chính ĐT Việt Nam trong tương lai nếu chúng ta không có cái nhìn tỉnh táo hơn. Bởi giống hệ Thái Lan của năm 2017, ĐT Việt Nam cũng đang là vua Đông Nam Á. Đoàn quân của HLV Park Hang Seo cũng nhận về loạt thất bại sau nhiều chiến công liên tiếp. Bản thân HLV Park cũng nhận chỉ trích từ các nhân vật có quyền lực và cảm nhận được áp lực từ chiếc ghế nóng.
Vế đầu tiên của bóng đá Việt Nam đang giống hệt người Thái. Nhưng nửa còn lại, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn không đi vào vết xe đổ.
Thái Lan đang phải trả giá đắt cho những sai lầm
Các chiến thắng liên tiếp của HLV Kiatisak trong quá khứ và HLV Park ở hiện tại tạo ra những ảo tương. Không chỉ người hâm mộ, giới chuyên môn mà cả những nhà lãnh đạo cũng kỳ vọng và đặt nhiều áp lực hơn lên đội tuyển. Tất cả tin rằng chiến thắng đẻ ra chiến thắng và đội tuyển có thể “chung mâm” với những ông lớn hàng đầu châu lục.
Nhưng vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á chưa bao giờ dễ dàng như vậy. Nó khốc liệt hơn mọi giải đấu mà bóng đá Việt Nam từng kinh qua. Đây là nơi hội tụ 12 đội tuyển xuất sắc nhất với quyết tâm cao nhất. 4,5 suất tham dự WCK World Cup 2022 vào năm sau cũng được lấy từ đây.
Những ai chỉ trích lối chơi của ĐT Việt Nam hẳn đã quên Thái Lan từng đá đẹp, chơi cống hiến thế nào tại vòng loại World Cup 4 năm trước. Thế nhưng, kết quả là thất bại, thậm chí còn nặng nề hơn ĐT Việt Nam. Vậy thì mọi người đang đòi hỏi điều gì từ việc điều chỉnh lối chơi của ĐT Việt Nam? Chưa kể, nhìn nhận một cách công bằng, ĐT Việt Nam thiếu đi rất nhiều may mắn ở cả 3 trận vừa qua.
Người Thái đã lựa chọn cách quên đi những vinh quang đã có, quyên đi nền tảng vững chắc được HLV Kiatisak gây dựng và cả những vấn đề nội tại, để mải miết chạy theo những ảo mộng phù phiếm. Để rồi, giờ đây, Thái Lan phải trả giá quá đắt. Không tự nhiên mà HLV Kiatisak nằm trong số ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế nóng tuyển Thái Lan lúc này.
Kiatisak từng đối mặt với áp lực như HLV Park hiện tại
Vậy người Việt chọn gì? Nếu nhìn một cách tích cực, chúng ta có thể thấy được ĐT Việt Nam vẫn có nhiều tiến bộ thông qua những thất bại.
3 trận đầu vòng loại thứ 3 World Cup, ĐT Việt Nam lần lượt thất bại với tỷ số 1-3, 0-1 và 2-3. Từ chỗ thua cách biệt Saudi Arabia, thầy trò HLV Park thua sát nút Australia trước khi cầm chân Trung Quốc trước phút 90+4.
Từ chỗ không ghi bàn, Quang Hải và đồng đội hai lần phá lưới đối thủ. Tỷ lệ kiểm soát bóng của ĐT Việt Nam tăng tiến liên tục sau 3 trận, lần lượt là 28%, 30% và 51%. Quan trọng nhất, từ chỗ bị áp đảo toàn diện, ĐT Việt Nam đã từng bước chơi ngang ngửa đối thủ, có thời điểm bừng sáng hy vọng giành điểm như trước Australia hay Trung Quốc.
So với Thái Lan năm 2017, ĐT Việt Nam đang có thành tích tốt hơn tại vòng loại 3 World Cup. Thái Lan khi đó tham dự lần thứ 2 nhưng vẫn thua 3 trận đầu, hiệu số bàn thắng bại là 1-6. ĐT Việt Nam cũng có kết quả tương tự, nhưng thông số 3-7 ấn tượng hơn, chưa kể còn là lần đầu tới với sân chơi này.
ĐT Việt Nam có nhiều tiến bộ
Những tiến bộ kể trên có thể nhỏ bé so với những đối thủ mà ĐT Việt Nam phải đối đầu, nhưng chắc chắn ĐT Việt Nam không giậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Đoàn quân áo đỏ vẫn tiến về phía trước và nỗ lực hết mình để có thể mang về những điểm số đầu tiên.
23h đêm nay 12/10, Oman chính là niềm hy vọng có điểm của ĐT Việt Nam.