Tình hình hồi phục của Hùng Dũng?
Trước tiên, chúng ta cần trả lời một câu hỏi mang tính bản lề. Hùng Dũng đã bình phục chấn thương hoàn toàn hay chưa? Cuối tháng 3/2021, Hùng Dũng bị gãy chân trong trận đấu giữa Hà Nội FC và TP.HCM tại V.League 2021. Theo đánh giá của bác sỹ Phạm Quốc Hùng, người trực tiếp phẫu thuật cho Hùng Dũng ở TP.HCM khi đó, cầu thủ của Hà Nội FC và ĐTQG Việt Nam bị gãy hai xương cẳng chân ở 1/3 phía dưới.
Theo bác sỹ Hùng, ca chấn thương của Hùng Dũng được xếp vào dạng nặng nhưng không quá nghiêm trọng. Bởi trường hợp mà anh gặp phải là gãy hai xương, chu không bị đứt dây chằng, dẫn đến khó hồi phục chơi thể thao. Ở thời điểm đó, Hùng Dũng được chẩn đoán sẽ mất 5-6 tháng mới có thể hồi phục tốt. Tức là bác sỹ Hùng nhận định, tiền vệ sinh năm 1993 sẽ trở lại trong giai đoạn tháng 8 và 9/2021.
Đỗ Hùng Dũng không vội vàng trở lại. Tính đến lúc này, tức là đầu tháng 11/2021, anh vẫn kiên trì tập luyện theo hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu ở trung tâm PVF trước khi quay về Hà Nội FC vào thời điểm hiện tại để tiếp tục lộ trình hồi phục chấn thương một cách hoàn hảo nhất. Thực tế, nhờ ca mổ thành công và quá trình tập hồi phục tốt, Hùng Dũng đã có thể sớm đi lại bình thường và bắt đầu tập nặng để sớm trở lại.
Cuối tháng 8/2021, trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên với báo giới xoay quanh giai đoạn cuối trong điều trị hồi phục chấn thương, Hùng Dũng cho biết anh thấy mình có sự tiến triển rất tốt và tiếp tục tập luyện theo giáo án của bác sĩ. Anh hy vọng trong vòng 4 tháng tới, mình sẽ bình phục hoàn toàn và trở lại sân cỏ đầu năm 2022. Tức là Hùng Dũng kỳ vọng sẽ góp mặt ở trận Việt Nam gặp Australia tại vòng loại World Cup 2022 vào ngày 27/1 hay gặp Trung Quốc vào ngày 1/2. Như vậy ở thời điểm ấy, tự bản thân Dũng cảm thấy thời điểm nào là mình sẵn sàng cho việc trở lại.
BHL ĐT Việt Nam có vội vàng với Hùng Dũng?
Ngày 25/10 vừa qua, Đỗ Hùng Dũng có lần thứ 2 trả lời phỏng vấn xoay quanh việc anh đã bình phục chấn thương hoàn toàn hay chưa. Thực tế, sau quãng thời gian hồi phục chấn thương ở PVF kéo dài hơn 3 tháng, tiền vệ này đã thực hiện trọn vẹn các giáo án bài tập về sức mạnh và tốc độ đoạn ngắn.
Đỗ Hùng Dũng cho biết: “Qua từng giai đoạn, các chuyên gia vật lý trị liệu đã giúp tôi cải thiện được cảm giác, khả năng vận động của cổ chân. Mỗi thời điểm đều có thuận lợi và khó khăn, nhưng tất cả đang ổn định hơn rất nhiều. Đây là giai đoạn cuối, lúc quan trọng nhất, tôi càng không thể vội vàng để dẫn đến việc tái phát chấn thương. Tôi tin rằng vẫn đúng lộ trình như bây giờ, tôi sẽ xuất hiện thi đấu vào mùa giải 2022.
Trong khoảng thời gian chấn thương kèm dịch bệnh, tôi có thời gian để xem lại bản thân mình, khám phá học hỏi thêm những kiến thức trước nay tôi chưa biết. Điều này có thể giúp ích cho tôi sau khi bình phục chấn thương và trở lại tốt nhất. Ngoài ra, tôi cũng tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian này với gia đình, vì khi thi đấu bình thường, công việc sẽ khiến tôi xa nhà nhiều hơn”.
Một nguồn tin mà Bongdaplus có được từ trung tâm PVF là Hùng Dũng đã hoàn thành việc tập hồi phục ở PVF. Anh đã nhận được hướng dẫn từ phía trung tâm khi ra Hà Nội FC để tiếp tục cho công đoạn tập luyện hồi phục cuối cùng. Và theo thông tin mới nhất có được, ĐT Việt Nam đã quyết định điền tên Đỗ Hùng Dũng vào danh sách bổ sung hướng tới 2 lượt trận tiếp theo ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 gặp Nhật Bản (11/11) và Saudi Arabia (16/11) tới đây. Nhưng chắc chắn, Hùng Dũng sẽ không thi đấu ở 2 trận này. Mục đích của ĐT Việt Nam gọi Hùng Dũng lần này là để chuẩn bị cho anh hướng tới AFF Cup 2020 vào tháng 12 tới.
PVF khuyến cáo Hùng Dũng thế nào?
Trung tâm PVF, nơi điều trị hồi phục chấn thương của Hùng Dũng cũng đã gửi thông cáo báo chí xoay quanh tiến trình hồi phục của Tiến Dũng. PVF thông báo như sau: “Quá trình đánh giá ban đầu ngày 12/7/2021, chúng tôi áp dụng cho cầu thủ một chương trình hồi phục chức năng tăng dần và quá trình quay trở lại tập luyện, thi đấu với bóng trong vòng 16 tuần.
Về tình trạng chấn thương của cầu thủ, ở thời điểm hiện tại Hùng Dũng đã hoàn toàn hết đau. Đồng thời cầu thủ cũng đã hồi phục sức mạnh cơ, độ linh hoạt, thăng bằng và sự tự tin ở phần chân chấn thương.
Bên cạnh quá trình phục hồi chức năng chuyên biệt, chúng tôi từng bước tăng dần lượng tải tập luyện toàn thân, đồng thời cho cầu thủ làm quen trở lại với các bài tập bóng đá chuyên biệt (chạy, bật nhảy, chuyền bóng, dứt điểm). Hiện tại cầu thủ có thể tham gia tập luyện cùng đội.
Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc “tăng dần”, chúng tôi khuyến nghị CLB và cầu thủ nên có một giai đoạn chuyển tiếp trong vòng 2 tuần để cầu thủ có thể làm quen trở lại với cường độ tập luyện của đội.
Ngoài ra cần cân nhắc một khoảng thời gian từ 3-4 tuần trước khi thi đấu ở một trận đấu chính thức. Khi rời PVF, Hùng Dũng được cung cấp một chương trình tập luyện cá nhân sau hồi phục và được khuyến cáo cần tuân thủ nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phát chấn thương”.
Hùng Dũng có như Văn Hậu, Đình Trọng, Thành Chung?
Việc ĐT Việt Nam triệu tập Hùng Dũng lên ĐTQG Việt Nam kể từ ngày 4/11, tức là vào ngày mai vừa đem đến cảm giác mừng lại đan xen sự lo âu. Bởi trước đó, nhiều trường hợp cầu thủ mới chỉ chớm bình phục chấn thương như Văn Hậu, Đình Trọng hay Thành Chung đã bị nặng hơn sau một quãng thời gian tập luyện và thi đấu. Đương nhiên nhìn từ những trường hợp như vậy, giới chuyên môn, truyền thông và người hâm mộ có lý do để lo lắng cho Hùng Dũng.
Tuy nhiên có hai góc độ cần phản ánh trong câu chuyện giữa ĐT Việt Nam và Hùng Dũng. Thứ nhất, chấn thương của Hùng Dũng khác với những gì mà Văn Hậu, Đình Trọng gặp phải. Như bác sỹ Hùng có nói, Hùng Dũng bị gãy xương chứ không bị đứt dây chằng như Văn Hậu, Đình Trọng. Vì vậy, tiến trình hồi phục chấn thương của Dũng là nhanh hơn so với hai đồng đội kể trên. Theo đánh giá, Hùng Dũng có thể trở lại vào tháng 8 hoặc tháng 9. Nhưng với sự cẩn thận từ ngay trong tính cách của mình, cho đến hiện tại, Hùng Dũng vẫn kiên trì tập luyện để chờ cảm giác sẵn sàng nhất, với mốc thời gian trở lại dự kiến mà anh đưa ra là vào tháng 1 năm sau.
Trong khi đó, trường hợp của Văn Hậu và Đình Trọng thì diễn ra sớm hơn so với mốc thời gian có thể trở lại sân cỏ. Với Đình Trọng, anh tái xuất sân cỏ chỉ sau 7 tháng gặp chấn thương dây chằng. Cần nói thêm với chấn thương này, một cầu thủ chuyên nghiệp tầm cỡ quốc tế cũng phải chờ tới hơn 9 tháng mới sẵn sàng tái xuất. Hay với Văn Hậu, trung tâm PVF có khuyến cáo rằng anh sẽ phải từng bước trở lại trong tháng 6/2021. Nhưng thực tế, cầu thủ của Hà Nội FC đã trở lại từ cuối tháng 5.
Nhìn từ những trường hợp này để chúng ta nhắc đến góc độ thứ hai. Đó là BHL ĐT Việt Nam và cá nhân Hùng Dũng sẽ cư xử thế nào trong thời gian tới. Câu chuyện sẽ là bình thường nếu BHL đội tuyển Việt Nam chỉ triệu tập Hùng Dũng lên tập trung và để anh tiếp tục tập riêng theo phác đồ hồi phục chấn thương một cách bình thường, để qua đó có sự chuẩn bị và chờ đợi Hùng Dũng tái xuất sân cỏ sau đây 1 tháng, tức là ở AFF Cup 2021. Quãng thời gian đó có thể xem là đủ để Hùng Dũng trở lại với thể trạng gần như tốt nhất của mình.
Nhưng nếu BHL đội tuyển Việt Nam đánh giá Hùng Dũng có thể trở lại tập luyện với cường độ gần hoặc ngang ngửa với những cầu thủ không gặp chấn thương hiện tại thì chúng ta cần một góc độ góp ý và đưa ra ý kiến thẳng thắn từ phía chính Hùng Dũng. Nếu anh cảm thấy mình đã sẵn sàng để tập luyện với khối lượng như cầu thủ bình phục chấn thương thì các công đoạn tiếp theo ở đội tuyển Việt Nam sẽ tiến hành như trao đổi giữa đôi bên. Nhưng nếu anh cảm thấy mình chưa ổn, việc đưa ra ý kiến trực tiếp với đội ngũ y tế của đội tuyển Việt Nam là điều cần thiết. Bởi suy cho cùng, Đỗ Hùng Dũng là người hiểu tình hình của bản thân của mình hơn ai hết.
Đỗ Hùng Dũng lo điều gì sau khi tái xuất sân cỏ?
Cách đây không lâu, khi chia sẻ trên kênh youtube của một người bạn thân, Đỗ Hùng Dũng có nói thế này: “Sau 6 tháng kể từ khi phẫu thuật, hiện tôi đã sẵn sàng lên đường đến trung tâm PVF để tập luyện hồi phục. Quả thực quãng thời gian vừa qua rất khó khăn đối với tôi, nhưng mọi thứ rồi cũng ổn và điều cần làm là hướng về tương lai phía trước, chăm chỉ tập luyện để sớm trở lại.
Thực sự, bây giờ tôi có một trăn trở là không phải không được chơi bóng nữa, mà khi trở lại sợ không đạt được kỳ vọng của mọi người dành cho mình. Hiện tại, bản thân tôi chỉ biết cố gắng hết sức có thể.
Tôi cũng đã xác định tư tưởng rằng, khi trở lại sân cỏ sẽ bắt đầu từ con số 0, như những ngày mới bắt đầu được lên đội 1. Việc mất vị trí chính thức ở CLB Hà Nội là điều dễ hiểu, còn việc được gọi trở lại đội tuyển thì vẫn là dấu hỏi. Đấy là những điều thực tế mà tôi đã nghĩ đến khi bình phục chấn thương và đều đã chuẩn bị tâm lý khi mọi việc xảy ra.
Với tôi khi đối diện với thử thách tôi không bao giờ e ngại, tôi chỉ ngại là không được tham gia thử thách thôi. Tôi rất thích câu nói “Niver give up – Không bao giờ bỏ cuộc”. Một câu nói tiếp động lực cho tôi rất nhiều trong quá trình tập hồi phục.
Hiện tại tôi đã bắt đầu hoàn thành được những bài tập sức mạnh cơ. Tiếp đến sắp tới tôi sẽ bắt đầu tập chạy và có thể làm quen dần với cảm giác bóng. Tất cả đều đang đi đúng lộ trình, nhưng tôi không vội vàng, mà muốn khi trở lại sẽ hoàn toàn bình phục 100% chấn thương để sớm lấy lại phong độ”.