Khép lại để mở ra
10 trận đấu với 5 đội tuyển mạnh hàng đầu châu Á tại lần đầu tiên tham dự vòng loại thứ 3 World Cup trong lịch sử chứng kiến một đội tuyển Việt Nam tiến bộ và trưởng thành theo thời gian. 4 điểm giành được trong năm 2022 là một minh chứng rõ nét cho sự tiến bộ về cách chơi và cả kết quả mà Việt Nam của HLV Park Hang Seo giành được. Từ chỗ tâm lý có phần não nề khi loay hoay tìm kiếm 1 điểm đầy khó khăn ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trong giai đoạn đầu, ông Park cùng các học trò sau đó không chỉ có điểm mà thậm chí còn giành được chiến thắng đáng khen trước Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sự thích ứng với VAR cũng thể hiện bản lĩnh và tiến bộ của đội tuyển Việt Nam. Nếu như ở 4 trận đấu đầu tiên, Việt Nam bị VAR quyết định bất lợi tới 7 lần thì trong 6 trận còn lại, Việt Nam hiếm khi bị VAR xử ép. Thậm chí ngược lại, chúng ta còn được VAR ủng hộ khi có tới 4 lần thoát những tình huống ghi bàn của Saudi Arabia, Nhật Bản hay Australia.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Những bài học lớn về kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu được thầy trò Park Hang Seo đúc rút ra và từng bước thích nghi, tiến bộ trong và sau vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Nhưng cần phải nhấn mạnh, đây không phải là hành trình diệu kỳ đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Như HLV Park Hang Seo từng nói, nếu Việt Nam muốn hiện thực hoá giấc mơ World Cup trong tương lai, không có con đường nào khác là các thế hệ tiếp theo phải tiếp diễn những lần góp mặt ở vòng loại World Cup cuối dùng dành cho các đội mạnh nhất châu Á.
Nhật Bản là ví dụ tiêu biểu. Để đội tuyển này có lần đầu tiên tham dự World Cup năm 1998, họ đã trải qua 9 lần liên tiếp góp mặt ở vòng loại cuối cùng. Trong giai đoạn ấy, Nhật Bản không ngừng nâng cấp hệ thống bóng đá, tích cực ươm mầm các thế hệ cầu thủ, sẵn sàng cho các cầu thủ trẻ tiềm năng sang nước ngoài cũng như đẩy mạnh hệ thống chuyên gia.
Trẻ hoá lực lượng và sẵn sàng cho bước tiếp
Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, HLV Park Hang Seo sử dụng 37 cầu thủ. Độ tuổi chiếm phần lớn trong số lượng cầu thủ kể trên dao động ở mức từ 20 cho đến 27 tuổi. Vòng loại World Cup 2026 sẽ được kích hoạt vào giai đoạn cuối năm 2024. Điều đó đồng nghĩa, những cầu thủ sinh năm 1995 trở về sau như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải, Hoàng Đức, Thành Chung, Đình Trọng hay Tiến Dũng vẫn còn ở độ tuổi sung sức của sự nghiệp để hướng tới việc góp mặt một lần nữa ở vòng loại thứ 3 World Cup.
Tất nhiên, trong nỗ lực trẻ hoá không ngừng, bóng đá Việt Nam không chỉ dừng lại ở hai thế hệ vàng 1995-1997 và 1997-1999 từng làm nên tiếng tăm tại VCK U23 châu Á 2018. Ngay từ hiện tại, những cầu thủ sinh năm 2000 trở về sau như Quang Nho, Văn Tới, Quang Thịnh, Hữu Thắng, Hai Long… cũng đã được ươm mầm ở hệ thống các giải thuộc cấp độ U23 như U23 Đông Nam Á, U23 Quốc tế – Dubai Cup 2022.
Thậm chí, các cầu thủ nổi bật ở lứa này như Văn Xuân, Hoàng Anh, Thanh Bình đã liên tục được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam rèn luyện và thi đấu một số trận. Hình ảnh Thanh Bình chơi chững chạc và lập công trong trận hoà lịch sử 1-1 trước Nhật Bản là một tín hiệu đáng khen dành cho lực lượng trẻ kế cận tương lai của đội tuyển Việt Nam.
Đội hình Việt Nam có thể tranh tài ở vòng loại World Cup 2026
Vòng loại World Cup 2026 sẽ được bắt đầu ngay từ thời điểm cuối năm 2024. Điều đó giúp cho lứa cầu thủ sinh năm 1997 trở về sau vẫn có thể tranh tài. Tất nhiên, trong giai đoạn từ nay đến cuối 2024, bóng đá Việt Nam không chỉ cần phát triển nguồn lực từ bóng đá trẻ mà còn phải tích cực hướng đến “xuất khẩu” những cầu thủ có khả năng sang nước ngoài chơi bóng để tăng cường thêm trình độ, bản lĩnh. Quang Hải, Hoàng Đức là những ví dụ điển hình như vậy.
– App FPT Play: https://fptplay.vn/ung-dung/download
– YouTube: https://youtube.com/playlist?list=PL19gf5ZottsromUH6DXSiWV9v9xuCLDEn
– Website: https://fptplay.vn
– Fanpage: https://www.facebook.com/truyenhinhfptplayofficial