Từ chỗ là đội bóng mạnh về phòng ngự, HLV Park Hang Seo sẽ đi tìm diện mạo mới giúp ĐT Việt Nam hoàn thiện hơn để đấu Trung Quốc và Oman.
Dưới thời HLV Park Hang Seo, phòng ngự là điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam. Tại vòng loại thứ 2 World Cup, ĐT Việt Nam chỉ lọt lưới 5 bàn thắng trong 8 trận đấu. Thậm chí trước trận cuối cùng gặp UAE, nơi hậu tuyến của HLV Park Hang Seo ấn tượng bậc nhất châu lục – chỉ thủng lưới 2 bàn.
Nhìn rộng hơn, trước tháng 6/2021, các cấp độ đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park chỉ thua 1 trận với nhiều hơn 2 bàn là thất bại trước Olympic Hàn Quốc của Son Heung-min ở bán kết ASIAD 2018. Ngoại trừ Asian Cup 2019 và U23 châu Á 2018, tỷ lệ sạch lưới của tuyển Việt Nam ở các giải lớn nhỏ còn lại là trên 50%.
ĐT Việt Nam không thể đi vào lối mòn trong lối chơi phòng ngự
Trước trận đấu với Saudi Arabia, HLV trưởng Herve Renard cũng khẳng định ông đánh giá rất cao hàng thủ của ĐT Việt Nam: “Chúng tôi đã xem băng về một số trận đấu của họ. Đội tuyển Việt Nam chơi kỷ luật, đặc biệt là ở hàng thủ”. Trong khi đó, báo Australia cũng đánh giá hàng thủ mạnh và là nền tảng của tuyển Việt Nam và nhận xét thầy trò HLV Park Hang Seo “đội bóng trưởng thành nhanh nhất châu Á thời gian qua”.
Tuy có điểm mạnh về phòng ngự tuy nhiên 2 trận đấu đã qua, trước các đối thủ hàng đầu châu lục các cầu thủ vẫn không thể giữ sạch lưới. Thậm chí ở trận gặp Saudi Arabia chúng ta phải nhận đến 3 bàn thua và đều đến từ những sai lầm ở hàng thủ.
Sẽ có những lời giải thích cho trận thua này là do tấm thẻ đỏ tiếc nuối của trung vệ Đỗ Duy Mạnh. Tuy nhiên thất bại ấy cũng chỉ ra điểm yếu của tuyển Việt Nam. Cũng với sơ đồ 5-4-1 như trận gặp UAE, tuyển Việt Nam đã cầm bóng tốt hơn và có hiệp đấu sạch lưới.
3 bàn thua trong hiệp 2 phô bày điểm yếu giữa các tiền vệ và hậu vệ. Họ không có sự phối hợp đồng nhất. Phòng ngự không chỉ là đổ bê tông trước khung thành và phá bóng mà cần chủ động áp sát, đọc tình huống, cắt đường chuyền và gây áp lực ngay khu có cơ hội. Điều quan trọng nhất tuyển Việt Nam phải có nhịp trong lối chơi của mình để giảm sức ép từ đối thủ.
Những điều tích cực ấy nhen nhóm trong trận đấu gặp Australia. Chúng ta chủ động trong cả phòng ngự lẫn tấn công. Điều này giúp ĐT Việt Nam ngang ngửa với đối thủ về thế trận, thậm chí là vượt trội về số tình huống dứt điểm.
Bài toán đặt ra là HLV Park Hang Seo có chịu thay đổi lối chơi phòng ngự đã làm nên thành công của bóng đá Việt Nam trong những năm qua hay không. Khi chiến lược gia người Hàn Quốc chịu thay đổi, trong tay ông cũng phải có những nhân sự đủ tốt.
Trước đây ĐT Việt Nam chỉ có những sự thay đổi về mặt nhân sự khi hoàn cảnh bắt buộc phải thay đổi do chấn thương và thẻ phạt. Đơn cử như Nguyễn Trọng Hoàng chỉ được dùng ở cánh phải khi Vũ Văn Thanh chấn thương, Bùi Tấn Trường được ưu tiên khi Đặng Văn Lâm, Hoàng Đức chỉ được trao cơ hội khi Hùng Dũng chấn thương.
ĐT Việt Nam có thể tự tin chơi tấn công trước Trung Quốc, Oman
Những sự thay đổi tưởng chừng là bất đắc dĩ này lại mang đến những hiệu quả không ngờ. Vậy tại sao tuyển Việt Nam không chủ động có những sự đổi mới thay vì đợi vào những yếu tố khách quan.
Trong thời gian qua, HLV Park Hang Seo đang có những sự chuẩn bị đầu tiên cho cuộc cách mạng ở đội tuyển Việt Nam. Mới đây ông đã gọi 5 cầu thủ U22 lên tuyển Việt Nam kèm theo vài sự bổ sung trước đó với mong muốn về sự đổi khác. Đó là hậu vệ Liễu Quang Vinh (Đà Nẵng), Đặng Văn Tới (Hà Nội) cùng 3 tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng (Viettel), Lê Xuân Tú (Hà Nội), Trần Văn Đạt (Công An Nhân dân).
Triệu tập các nhân tố mới lên tuyển, có thể HLV Park sẽ chưa sử dụng ngay nhưng đó là sự lựa chọn cho tương lai. Tuy nhiên có một sự thật phải cùng nhau thừa nhận rằng việc các tân binh lên tuyển không phải để đủ quân hay “làm màu” như trước.
Trước Trung Quốc và Oman, ĐT Việt Nam cần gia tăng sức mạnh tấn công thay vì chăm chăm giữ chắc hàng thủ. Thay đổi lối chơi quen thuộc dưới thời HLV Park Hang Seo là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên sau 2 trận đấu vừa qua cho thầy các cầu thủ đang thích nghi rất nhanh trước các đối thủ hơn hẳn về mặt trình độ. Vì vậy ông Park ngại gì không thay đổi khi chúng ta xác định vòng loại 3 World Cup 2022 là sân chơi tích lũy kinh nghiệm cho tương lai?