Mất một nửa đội hình mạnh nhất
Một thực tế phải thừa nhận rằng, đội hình mà ĐT Việt Nam sử dụng tại VCK Asian Cup 2019 là mạnh nhất dưới thời HLV Park Hang Seo. Khi đó, các cầu thủ đều đang điểm rơi phong độ, trạng thái tinh thần rất tốt sau chức vô địch AFF Cup 2018 cũng như không bị ảnh hưởng nặng nề bởi lịch thi đấu dồn dập và bão chấn thương.
Đội hình ĐT Việt Nam mà ông Park Hang Seo sử dụng trong trận tứ kết gặp ĐT Nhật Bản ở giải đấu đó là ví dụ tiêu biểu. Thủ môn Đặng Văn Lâm đã có hàng loạt pha cứu thua xuất sắc trước những đợt hãm thành của Nhật Bản. Hai hậu vệ biên Trọng Hoàng và Văn Hậu không chỉ cố gắng làm tròn vai ở nhiệm vụ ngăn cản các mũi tấn công bên phía Nhật Bản mà còn tích cực tham gia hỗ trợ tấn công. Ba trung vệ Ngọc Hải, Duy Mạnh và Tiến Dũng cũng đang ở phong độ rất tốt. Bên cạnh đó, hai tiền vệ trung tâm Huy Hùng và đặc biệt là Hùng Dũng đã đảm đương tốt nhiệm vụ giữa phòng ngự và phản công.
Trên hàng tiền đạo, bộ ba Công Phượng, Văn Đức, Quang Hải cũng chơi rất tốt. Quang Hải, Văn Đức tiếp tục giữ vững phong độ nổi trội từng thể hiện trong năm 2018. Trong khi đó, Công Phượng ở lần được HLV Park Hang Seo trao cơ hội đá tiền đạo cắm của ĐT Việt Nam đã có một VCK Asian Cup 2019 nói chung và trận đấu với Nhật Bản nói riêng đầy ấn tượng.
So với thời điểm đó thì ở giai đoạn hiện tại, cơn bão chấn thương cùng ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm xáo trộn kế hoạch thi đấu và tinh thần đã khiến lực lượng và phong độ của ĐT Việt Nam bị sứt mẻ nhiều. Riêng về đội hình, ĐT Việt Nam mất Văn Lâm, Trọng Hoàng, Văn Hậu, Hùng Dũng vì chấn thương. Các gương mặt thay thế họ, ngoại trừ Hoàng Đức (thay cho Hùng Dũng) chơi rất tốt thì những Tấn Trường, Tấn Tài, Hồng Duy hay Văn Thanh chỉ dừng lại ở diện tròn vai hoặc tạm chấp nhận được.
Xét về phong độ, Văn Đức đã xuống khá nhiều so với chính anh của năm 2018 và 2019. Bản thân Quang Hải cũng không còn tạo được sự bùng nổ như chính anh ở giai đoạn trước. Công Phượng cũng không là sự lựa chọn hàng đầu trên hàng tiền đạo. Đấy là chưa kể bộ ba trung vệ Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng cũng không tạo được sự chắc chắn trong phòng thủ. Nhiều sai lầm bộc lộ đã khiến ĐT Việt Nam thủng lưới tới 10 bàn sau 4 trận. Đấy là điều chưa từng xảy ra ở triều đại ông Park Hang Seo.
Liệu có tái hiện cách chơi ấn tượng trước Nhật Bản?
Khi nhắc đến ĐT Việt Nam, HLV Hajime Moriasu dè chừng: “Tôi từng chạm trán ĐT Việt Nam ở Asian Cup 2019. Đó là đội bóng khá mạnh. Chúng tôi đã có một trận đấu khó khăn. Nhiều cầu thủ Nhật Bản hiện tại cũng từng đối đầu với ĐT Việt Nam. Do đó, họ cũng cẩn trọng khi cho rằng chuyến hành quân đến sân của ĐT Việt Nam lần này sẽ không dễ dàng”. Bản thân hậu vệ trái kỳ cựu Yuya Nagatomo cảnh báo đồng đội: “Hãy tăng cường sự cảnh giác đối với ĐT Việt Nam. Sự thận trọng là không thừa”.
Vậy ĐT Việt Nam đã thể hiện được điều gì ở Asian Cup 2019, đặc biệt là trước ĐT Nhật Bản? Thống kê sau trận đã phản ánh được một chi tiết đáng chú ý. ĐT Việt Nam dứt điểm tới 12 lần, thậm chí còn nhiều hơn Nhật Bản. Dù rằng, tỷ lệ kiểm soát bóng, số lần chuyền bóng đều kém từ 2-3 lần so với đối phương.
Con số ấy thể hiện rằng, ĐT Việt Nam đã tạo ra những tình huống tấn công hoặc phản công trong từng thời điểm đủ tốt để khiến cầu môn ĐT Nhật Bản rơi vào cảnh nguy hiểm. Thực tế trận đấu đó đã chứng minh rằng, chúng ta thực hiện ý tưởng tấn công một cách mạnh dạn thế nào trước đối phương. Công Phượng có không dưới hai lần cầm bóng đột phá từ giữa sân và khuấy đảo hàng thủ đội bạn. Chúng ta đã có đôi lần gây sức ép tầm cao lên thẳng vòng cấm để buộc hàng thủ Nhật Bản lúng túng. Thậm chí, những pha phối hợp ở biên trước khi có những đường chuyền vào trung lộ được ĐT Việt Nam thực hiện thuần thục trong 3-4 tình huống ngon ăn. Chỉ tiếc rằng, ĐT Việt Nam thiếu chính xác trong những pha dứt điểm quyết định.
Tuy nhiên ở 4 trận đấu đã qua, dù ghi đến 4 bàn thắng vào lưới Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman nhưng ĐT Việt Nam lại không tạo được cách phản công hiệu quả đó. Các cầu thủ tỏ ra khá bối rối trong việc kiểm soát thế trận hay tạo ra những pha phản đòn chí mạng dựa trên tính đồng bộ của cả một tập thể. Khả năng phản công dựa trên cá nhân cũng diễn ra không thường xuyên và thiếu đi sự bùng nổ cần thiết. Nên nhớ, trước Nhật Bản, Công Phượng từng một mình cầm bóng từ giữa sân trước khi tả xung hữu đột với các hậu vệ Nhật Bản trước vòng cấm địa. Song ở giai đoạn hiện nay, những pha phản công ấy là hiếm thấy với ĐT Việt Nam.
Lời kết
Rõ ràng, cùng là ở đấu trường châu Á nhưng ĐT Việt Nam đã thể hiện bộ mặt tốt hơn ở Asian Cup 2019, so với giai đoạn hiện tại là vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Nhưng sự yếu đi của Việt Nam cũng có thể hiểu được khi về mặt chủ quan, cơn bão chấn thương và dịch Covid-19 đã tàn phá ghê gớm lực lượng mạnh nhất của chúng ta, cả về mặt con người lẫn lực lượng Song song với đó, những ý tưởng tấn công hay phòng ngự phản công của HLV Park Hang Seo cũng đã bị đối thủ nghiên cứu kỹ lưỡng.
Còn về mặt khách quan mà nói, “độ máu” của những đội tuyển châu Á trong mục tiêu dự World Cup cũng đào sâu cách biệt về trình độ giữa những đối thủ máu mặt với “lính mới” lần đầu vào vòng loại cuối cùng như Việt Nam.