ĐT Việt Nam có thể tấn công tốt hơn
Ở 2 trận thua trước Trung Quốc và Oman, Việt Nam ghi 3 bàn. Trước Trung Quốc, Việt Nam có thời điểm gỡ hòa 2-2 trước đối phương, với 10 phút cuối đầy bùng nổ khi bị dồn vào thế chân tường. Trước Oman, sự chủ động hơn trong cách tấn công đã đến. Việt Nam dẫn bàn trước khi thua ngược chung cuộc 1-3.
Khoảng cách giữa hai trận đấu chỉ là 5 ngày. Nhưng cũng giống như 2 trận đấu liên tiếp gặp Saudi Arabia và Australia, thời điểm mà Việt Nam cũng chỉ cần thời gian tương tự để tiến bộ hơn hẳn trong tổ chức cự ly đội hình và bọc lót tuyến giữa, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực ở cách mạnh dạn và chủ động tấn công của đội tuyển Việt Nam trong một số thời điểm của trận đấu được thể hiện.
Lê Minh Dũng, cựu Giám đốc điều hành CLB Phố Hiến từng chia sẻ quan điểm sau trận đấu mà Việt Nam thua 2-3 trước Trung Quốc: “Tôi cho rằng đã đến lúc để Việt Nam tự tin hơn cầm bóng để chơi, tổ chức bài bản hơn về tấn công. Có thể, chúng ta không thể kiểm soát thế trận từ đầu chí cuối như các đội mạnh hàng đầu. Nhưng trước các đối thủ mạnh nhưng không chơi quá rát, đội tuyển Việt Nam có thể chủ động cầm bóng hiệu quả hơn”.
Quả thực là ở trận đấu với Oman, ĐT Việt Nam đã tấn công một cách chủ động hơn, dù tổ chức lên bóng vẫn chưa thật sự đồng bộ. Điều thể hiện rõ nhất là Hồ Tấn Tài, hậu vệ biên phải của Việt Nam ở trận gặp Oman đã tự tin dâng cao, đón lõng đối phương để rồi chính anh có pha đoạt bóng từ chính phần sân đối phương, qua đó châm ngòi cho bàn thắng của Tiến Linh sau đó. Những cầu thủ như Hoàng Đức, Công Phượng, Quang Hải hay Đức Huy cũng tự tin phối hợp với nhau trong một số tình huống nhất định. Thực tế, họ đã chơi như thế khi ở CLB, trong tâm thế mình ở diện cửa trên so với đối phương. Nhưng khi lên ĐT Việt Nam, tâm lý phải đá cửa dưới so với đối phương khiến cách triển khai của họ thiếu đi một sự mạnh dạn để tổ chức hình khối đồng bộ.
Vấp ngã để trưởng thành
Câu chuyện tấn công của đội tuyển Việt Nam sẽ còn nhắc nhiều hơn ở những ngày kế tiếp. Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tự tin triển khai tấn công. Bởi trình độ của Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia đương nhiên là hơn hẳn so với Oman, Trung Quốc. Vì vậy, bài toán mà HLV Park Hang Seo quan tâm nhất và ưu tiên nhất vẫn là phòng ngự.
Từ hệ thống phòng ngự cực kỳ vững vàng trước đó, hàng thủ Việt Nam thủng lưới 10 bàn sau 4 trận đã qua ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Riêng ở 2 trận đấu với Trung Quốc và Oman, Việt Nam thủng lưới 3 bàn/trận. Kịch bản mà người ta thường thấy chính là những quả bóng bổng. Trước Trung Quốc, Việt Nam thua 3 bàn từ những tình huống trực tiếp và gián tiếp từ bóng bổng. Trước Oman, 2 trong 3 bàn thua của Việt Nam đến từ những tình huống bóng bổng đến tình huống cố định.
Bài toán phán đoán điểm rơi của các trung vệ, tăng cường sức ép từ xa của các tiền vệ và hậu vệ biên là điều cấp thiết mà Việt Nam cần phải rút ra sau những lần vấp ngã. Đồng ý những đường chuyền của Trung Quốc hay dàn xếp đá phạt của Oman là bất ngờ và có trình độ. Nhưng nếu Việt Nam cải thiện hơn ở 2 khía cạnh kể trên, số bàn thua của Việt Nam từ bóng bổng cũng sẽ giảm đi đáng kể.
– App FPT Play: https://fptplay.vn/ung-dung/download
– YouTube: https://youtube.com/playlist?list=PL19gf5ZottsromUH6DXSiWV9v9xuCLDEn
– Website: https://fptplay.vn
– Fanpage: https://www.facebook.com/truyenhinhfptplayofficial