Phải nói rõ, sự ảo tưởng về sức mạnh đã làm hại ĐT Việt Nam. Nói thế, bởi khi vượt qua vòng loại thứ 2, ĐT Việt Nam đã được sự tung hô quá tay từ giới truyền thông, khiến rất đông NHM ảo tưởng về sức mạnh của đội nhà, dẫn đến việc khó chấp nhận những thất bại.
Tuy nhiên, khi đối đầu với những “ông lớn” của châu lục ở vòng loại cuối hòng giành vé đến VCK World Cup, ĐT Việt Nam đã lộ ra nhiều vấn đề. Qua đó, có thể thấy rõ con đường đến World Cup chẳng hề đơn giản và cần phải có sự chuẩn bị thấu đáo về rất nhiều mặt cho một hành trình dài, chứ không thể theo kiểu duy ý chí “muốn là được”.
Bên cạnh đó, có vẻ như những thành viên của ĐT Việt Nam cũng chưa có sự chuẩn bị để đón nhận những thất bại. Mọi người thừa biết, ở một trận đấu thành tích sẽ quyết định tất cả và chẳng ai muốn đội bóng của mình sẽ thất bại. Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi lớn nhất hành tinh, chúng ta phải lường trước đối thủ của mình là ai và bản thân đang đứng ở đâu để có sự chuẩn bị tốt nhất theo kiểu “biết người, biết ta”.
Tuy nhiên, việc chạy theo thành tích, dẫu biết sân chơi ấy quá tầm đã khiến ĐT Việt Nam thiếu những thay đổi và thử nghiệm trong đội hình lẫn lối chơi, khiến đội hình gần như đóng khung suốt từ năm 2018 đến nay…
4 trận thua liên tiếp ở vòng loại cuối, có lẽ đã giúp cho mọi người thêm lần nữa có cái nhìn thực tế hơn về ĐT Việt Nam. Qua đó, hy vọng ĐT Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị ổn hơn ở chặng đường phía trước, thậm chí là những thay đổi để các tuyển thủ, trong đó có nhiều gương mặt trẻ được cọ xát và học hỏi kinh nghiệm. Đừng quên, bài học nào cũng có giá của nó, quan trọng là chúng ta có chấp nhận học hay không?