Sự đối nghịch của Trung Quốc và Việt Nam
Đội tuyển Trung Quốc và đội tuyển Việt Nam bước đến trận đấu diễn ra vào lúc 0h00 ngày 8/10 theo tâm thế đối nghịch. Nếu như ĐT Trung Quốc không thể hiện được sự thuyết phục ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 rồi kế đến là thua 2 trận thất vọng trước Australia và Nhật Bản thì ĐT Việt Nam trong lần đầu tiên vào đến vòng loại cuối cùng World Cup trong lịch sử lại có chuỗi trận đầy ấn tượng.
Ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, dù cùng bảng đấu với những Indonesia, Malaysia, Thái Lan và UAE nhưng Việt Nam đã giữ ngôi đầu bảng trong 7 trên 8 vòng đấu liên tiếp. Trong 7 vòng đó, ĐT Việt Nam bất bại liên tiếp và có tới 4 trận giữ sạch lưới. Ở 2 trận đầu của vòng loại thứ 3 World Cup 2022, ĐT Việt Nam dù cũng thua 2 đội tuyển mạnh của bảng B là Saudi Arabia và Australia nhưng người ta nhìn thấy ở thầy trò Park Hang Seo một sự tiến bộ và nỗ lực. Nếu như trước Saudi Arabia, Việt Nam chỉ có đúng 1 cơ hội và lập tức dẫn bàn trước thì ở trận gặp Australia, Việt Nam tạo ra tới 7 pha dứt điểm và 2 cơ hội có thể chuyển hoá thành bàn. Đó là điều mà đội tuyển Trung Quốc đã không thể có được trong 2 trận đầu tiên vốn dĩ đầy thất vọng của mình.
Báo Trung Quốc cho rằng vấn đề tâm lý và khủng hoảng niềm tin đang là gánh nặng của đội tuyển Trung Quốc hiện tại. HLV Li Tie đã đặt trạng thái cảnh giác lên đến cao độ trước trận đấu với Việt Nam. Một loạt các cầu thủ Trung Quốc đăng đàn với một từ phải thắng như một yêu cầu bắt buộc đặt ra với đội tuyển Việt Nam. Lẽ đương nhiên, ở tâm thế thua 2 trận đầu tiên dẫn đến bất lợi trong việc giành vé dự VCK World Cup 2022, ĐT Trung Quốc cần một thắng lợi để làm đòn bẩy. Song song với đó, ĐT Trung Quốc cũng cần phải chứng minh được rằng, mình không thể để thua Việt Nam, đội tuyển mà họ vẫn coi là kho điểm ở bảng B và cũng đã xếp sau họ suốt hàng thập kỷ.
Đội tuyển… U40 của Trung Quốc
Áp lực của đội tuyển Trung Quốc còn đến từ chính chiến lược phát triển bóng đá ở quốc gia này. Thực tế, dù sở hữu rất nhiều Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chất lượng cao nhưng quả thực, những gì trong lực lượng đội tuyển Trung Quốc mang sang UAE lần này đa phần là các cầu thủ đã 28 tuổi trở lên. Thậm chí trong đội hình này, Trung Quốc có tới 12 cầu thủ trên 30 tuổi. Trong khi đó, những gương mặt trẻ trong đội hình Trung Quốc là vô cùng hiếm hoi. Đếm trên đầu ngón tay, Trung Quốc chỉ có tiền đạo Guo Tianyu (22 tuổi), Zhang Yuning (24 tuổi), Ba Dun (26 tuổi) và tiền đạo Wei Shihao (26 tuổi) là thuộc thế hệ gen Z, tức là sinh năm 1997 trở về sau.
Đó cũng là mặt trái trong sự gấp gáp và thiếu căn cơ của bóng đá Trung Quốc. Bởi thay vì tập trung tối đa tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ, đội tuyển Trung Quốc hướng đến việc nhập tịch. Tyias Browning, Elkeson, Alan, Aloisio là những cái tên nhập tịch từ Brazil được chọn lựa với hy vọng có thể mang về tấm vé dự World Cup 2022. Nhưng sau cùng sau 2 trận đầu tiên, những cầu thủ nhập tịch này của Trung Quốc lại không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Đấy là chưa kể, 3 trong 4 cầu thủ nhập tịch này, ngoại trừ Tyias Browning là đều trên 30 tuổi. Tương lai của bóng đá Trung Quốc chẳng lẽ lại dựa trên những ông già nhập tịch chỉ còn vài năm nữa là chia tay nghiệp quần đùi áo số?
Marcelo Lippi, cựu HLV của ĐT Trung Quốc cũng chỉ ra vấn đề này: “Khi tôi đến, không có câu lạc bộ nào có đội trẻ. Tôi đã kêu gọi thành lập các CLB lập ra những đội trẻ dành cho các cầu thủ từ 12 đến 19 tuổi. Bóng đá đã đi từ một môn thể thao được xem trên TV thành một bộ môn được bước ra thực tế rộng rãi. Tuy nhiên, còn quá sớm để mong muốn thành công với đội tuyển quốc gia. Chừng nào tuyển Trung Quốc không đủ sức cạnh tranh thì sẽ không thể đăng cai World Cup, mặc dù về cơ sở vật chất họ đã có đầy đủ sân vận động đạt tiêu chuẩn”.
Có lẽ, trong sự loay hoay bởi chiến lược phát triển bóng đá ăn xổi, Trung Quốc chỉ có thể biết hy vọng vào Wu Lei, cầu thủ được xem là phát triển bài bản và thăng tiến đúng như kỳ vọng nhất của bóng đá Trung Quốc. Sự xuất hiện của tiền đạo chơi bóng cho Espanyol cũng là niềm tự hào mà bóng đá Trung Quốc có thể hãnh diện nếu so sánh với Việt Nam, nền bóng đá vẫn đang trầy trật trong việc có những đại diện khẳng định mình ở nước ngoài.
Cựu tiền đạo, HLV Đặng Phương Nam bình luận: “Wu Lei nhanh nhẹn, khéo léo. Anh ta thường hoạt động rất năng nổ ở cánh phải nên hậu vệ trái và trung vệ lệch trái của chúng ta là Hồng Duy, Tiến Dũng phải tuyệt đối lưu ý, không được để ra sai sót. Wu Lei đang thi đấu tại châu Âu và ở môi trường bóng đá tiên tiến bậc nhất thế giới là La Liga nên đẳng cấp chuyên môn sẽ rất cao. Do đó, chúng ta cần phải chăm sóc kỹ cầu thủ này. Dĩ nhiên, không thể bị hút vào một nhân tố mà để các nhân tố khác của đội Trung Quốc có cơ hội tung hoành”.
Việt Nam tiến lên nhờ trẻ hoá lực lượng
Chiến lược của Việt Nam, một nền bóng đá ở vị thế thấp hơn so với Trung Quốc lại có sự căn cơ và hợp lý hơn. Cuộc cách mạng đào tạo bóng đá trẻ, tính từ năm 2013 cho đến nay đã và đang giúp cho bóng đá Việt Nam thu về trái ngọt. Cụ thể hơn, trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, tức là cách đây 8 năm trước, bóng đá Việt Nam chưa dám nghĩ sẽ tranh tài ở VCK World Cup. Những gì mà chiến lược 2010 – 2020 mà VFF định hướng và được Chính phủ phê duyệt dừng lại ở việc có thể giành chức vô địch AFF Cup, đoạt huy chương vàng SEA Games, xây dựng các trung tâm bóng đá quy mô trên cả 3 miền.
Tính đến nay, ở năm 2021, về cơ bản 3 mục tiêu kể trên đã thành hiện thực. Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Sau đó 1 năm, U22 Việt Nam lần đầu tiên giành tấm huy chương vàng SEA Games trong lịch sử. Các trung tâm bóng đá hiện đại cũng đã được trải rộng trên 3 miền. Ở khu vực phía Bắc, Viettel, Hà Nội FC, PVF đầu tư bài bản. Ở miền Trung, Sông Lam Nghệ An – lò đào tạo trẻ nổi tiếng nhất Việt Nam đang được đại tu với nguồn tiền từ Tập đoàn Tân Long. Một trung tâm khác cũng nổi lên trong 3 năm trở lại đây chính là Học viện bóng đá Juventus tại Vũng Tàu. Ở Tây Nguyên, học viện của HAGL vẫn là nơi khơi nguồn cho giấc mơ bóng đá trẻ của nhiều tài năng cả nước suốt từ năm 2007 cho đến nay.
Tất nhiên như đã nói, chiến lược 2010 – 2020 và tầm nhìn 2030 được phê duyệt cách đây 8 năm. Ở thời điểm đó, bóng đá Việt Nam đang rơi xuống đáy của biểu đồ hình sin trong chu kỳ phát triển. Phải bắt đầu từ năm 2014, sự xuất hiện của HLV Toshiya Miura cùng thành quả ươm mầm thế hệ 1995 – 1997 và sau đó là 1997 – 1999 mới đưa đội tuyển Việt Nam đi theo chiều lên của đồ thị. Đỉnh cao của bóng đá Việt Nam gắn liền với giai đoạn 2018 – nay.
Trong bối cảnh hai thế hệ gen Z chủ lực (sinh năm 1995 trở về sau) với Công Phượng, Quang Hải, Tuấn Anh, Xuân Trường đạt được độ chín, cộng hưởng thêm khả năng cầm quân và tổ chức xây dựng bóng đá tài tình của HLV Park Hang Seo cùng ekip cộng sự, đội tuyển Việt Nam đã làm nên những chiến tích ấn tượng từ khu vực cho đến châu lục. Mới đây nhất là việc ĐT Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á, vốn dành cho 12 đội ưu tú nhất.
Một đội tuyển quốc gia không thể đi đường dài với các ông lão
Rõ ràng, một đội tuyển quốc gia không thể xây dựng trên những đôi chân của các ông lão. Sai lầm trong việc hối thúc phát triển bóng đá Trung Quốc còn dẫn đến hệ quả là những quả bong bóng ảo tưởng bởi giấc mộng kim tiền vỡ vụn trong giai đoạn vừa qua. Đỉnh điểm là Tập đoàn Evergrande, chủ sở hữu CLB Quảng Châu Evergrande nói chung và 4 cầu thủ nhập tịch của ĐT Trung Quốc nói riêng đang bên bờ vực phá sản do gánh một khoản nợ khổng lồ lên đến 300 tỷ USD. Trước đó nữa, một loạt CLB của Trung Quốc lâm vào cảnh nợ nần và đã phải ngừng hoạt động. Chiếc “bong bóng” bóng đá đã và đang tác động rất lớn đến ĐT Trung Quốc trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Trước đó, trong 1 thập kỷ đổ lại đây, bóng đá Trung Quốc trở thành mảnh đất màu mở kiếm tiền béo mở của các cầu thủ khắp nơi. Năm 2017, Thượng Hải SIPG từng bỏ ra 60 triệu bảng cho Chelsea để sở hữu chữ ký của Oscar, và trả cho cầu thủ người Brazil 20,8 triệu bảng/năm. Mức lương “khủng khiếp” này giúp Oscar trở thành một trong những cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới, nhưng anh vẫn bị “hít khói” trên bảng xếp hạng lương của cầu thủ. Không lâu sau đó, Thượng Hải Shenhua đã hiêu mộ thành công tiền đạo người Argentina Carlos Tevez với mức lương 615.000 bảng/tuần, số tiền lương của tiền đạo đã bên kia sườn dốc của sự nghiệp bằng cả lương của Wayne Rooney và Paul Pogba lúc bấy giờ ở Manchester United cộng lại.
Độ chịu chơi và chịu chi vẫn chưa dừng lại, các đội bóng ở Trung Quốc từng đánh tiếng “hốt” cả Messi và Ronaldo với những bản hợp đồng trị giá cả vài trăm triệu USD, cùng mức đãi ngộ như những ông hoàng bóng đá. Nhờ cơ chế mở, rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn nhảy vào làm bóng đá, các CLB của Trung Quốc không tiếc tiền mua sắm, trả lương khủng để thu hút nhân tài. Thông qua việc chiêu mộ những siêu sao, được coi là kênh quảng bá thương hiệu, hình ảnh cho các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc.
Việc có nhiều cầu thủ hàng đầu thế giới tham dự đã giúp cho chất lượng giải đấu cao nhất của bóng đá Trung Quốc được được cải thiện đáng kể. Các đội bóng “đại gia” Trung Quốc thực sự đã vẽ lại bản đồ bóng đá châu Á. Quảng Châu Evergrande (Quảng Châu Hằng Đại) là một trong những đội bóng thàng công bậc nhất nhờ chính sách “cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền”. Theo thống kê, trong 10 năm qua, họ đã tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD để giành 16 danh hiệu, trong đó có 8 chức vô địch QG và 2 lần đăng quang ở AFC Champions League.
Thượng Hải SIPG là đội tiêu tiền nhiều thứ hai của Trung Quốc trong 5 năm qua, với hơn 1,4 tỷ USD. Đổi lại, họ giành được 2 danh hiệu, trong đó có 1 chức vô địch QG. Shandong Luneng sau khi chi ra hơn 1 tỷ USD kể từ năm 2015 chỉ giành được một chức vô địch giải cúp. Giang Tô Tô Ninh “đốt” gần 800 triệu USD phải chờ đến khi chủ sở hữu ngừng đầu tư mới có thể vô địch Trung Quốc.
Nhưng mọi thứ đã đổi thay một cách chóng mặt khi Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) ra quy định cầu thủ nước ngoài chỉ được nhận lương tối đa 3,3 triệu USD mỗi năm. CFA cũng thông báo tăng số cầu thủ nước ngoài cùng vào sân trong một trận từ 3 lên 4 người. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo đó, mức lương cao nhất dành cho các cầu thủ bản địa là 572.000 bảng/năm. Còn mức lương trần dành cho các cầu thủ nước ngoài là 2,7 triệu bảng/năm. Với việc CFA quyết định áp dụng các biện pháp mới giảm mức lương trần của các cầu thủ từ mùa tới, các ngôi sao ngoại quốc đang đá thuê tại đây bị cắt giảm thu nhập rất nhiều so với hiện tại. Cho nên rất nhiều ngôi sao đã và đang tính đến con đường tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Hồi cuối tháng 2 năm nay, bóng đá Trung Quốc đã bị “chấn động” bởi thông tin CLB Jiangsu Suning ngừng hoạt động. Điều đáng nói, chỉ hơn 3 tháng trước, Jiangsu Suning đã đánh bại gã khổng lồ Quảng Châu Evergrande trong 2 lượt trận để lần đầu đăng quang China Super League. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, giống như phần lớn các CLB ở giải VĐQG Trung Quốc, Jiangsu phụ thuộc hoàn toàn vào bầu sữa tập đoàn. Và khi các ông chủ gặp khó khăn trong kinh doanh hoặc đơn giản là chán bóng đá, thảm kịch xảy ra.
Từ giữa năm ngoái, Jiangsu đã trở thành gánh nặng của Suning. Trong bối cảnh tài chính u ám, tập đoàn Suning tuyên bố sẽ cắt giảm các hoạt động kinh doanh phi bán lẻ, các hoạt động liên quan để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. Và thế là CLB Jiangsu Suning gần như đã bị… khai tử.
Shandong Luneng, nhà vô địch Cúp QG Trung Quốc đã bị tước quyền tham dự AFC Champions League 2021 vì các khoản nợ lương không chịu thanh toán khi đã quá hạn. Tianjin Tigers, đội bóng từng được dẫn dắt bởi HLV Fabio Cannavaro và sở hữu Luís Fabiano, Alexandre Pato và Axel Witsel, đã phá sản vào năm ngoái. Hulk đã rời Thượng Hải, trong khi Oscar phải cắt giảm 86% lương nếu muốn tiếp tục thi đấu ở Trung Quốc.
Mới đây nhất, như đã nói tập đoàn Evergrande, chủ sở hữu của CLB Quảng Châu Evergrande được cho là đang ôm quả “bom nợ” khổng lồ. Những ngày qua báo chí thế giới đưa tin, Evergrande dần lún sâu vào nợ nần vì liên tục vay mượn để chi trả và bù đắp cho tham vọng đầu tư ở nhiều lĩnh vực. Tờ The Guardian dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Evergrande hiện là tập đoàn phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, với tổng số nợ vượt ngưỡng 300 USD tỉ (tương đương 2% GDP Trung Quốc).
Evergrande cũng chính là tập đoàn đứng sau chính sách “Trung Quốc hoá” các ngoại binh nhằm phục vụ cho ĐTQG nước này. Theo báo giới Trung Quốc, tập đoàn này chi trả khoản tiền lương lên đến 49 triệu USD/năm cho 6 cầu thủ nhập tịch và ngoại binh trong đội hình. Quảng Châu Evergrande đang đóng góp 7 tuyển thủ quốc gia đang thi đấu tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 gồm Gao Zhunyi, Wei Shihao, Liu Dianzuo và 4 cầu thủ nhập tịch Aloisio, Alan, Tyias Browning, Elkeson.
Do vậy, người hâm mộ Trung Quốc đang nghi ngờ lòng trung thành của những “ngoại binh” của ĐT Trung Quốc. Trong số 4 cầu thủ nhập tịch, chỉ có Tyias Browning (tên Trung Quốc là Guangtai) có bà ngoại là người Trung Quốc. Anh tuyên bố sẽ cống hiến cho đội tuyển Trung Quốc, còn lại đều chưa đưa ra bất kỳ một phát ngôn nào.
Truyền thông Trung Quốc chỉ ra rằng chính Evergrande đã trả lương cao cho ngoại binh. Đổi lại, họ nhập tịch vì tiền. “Một câu hỏi rất thực tế được đặt ra, khi không thể nhận được mức lương cao, liệu họ có sẵn sàng trở thành tuyển thủ Trung Quốc? Khi trái tim của họ thay đổi, điều gì sẽ xảy ra với đội Trung Quốc?”, tờ PP Sport đã đặt câu hỏi như vậy trước thông tin tập đoàn Evergrande đứng bên bờ vực vỡ nợ.
Rõ ràng, ĐT Trung Quốc không thể “hoá rồng” như tham vọng vì các cầu thủ bản địa đã mất đi tiếng nói trong CLB, khi tất cả phụ thuộc quá nhiều vào chất lượng ngoại binh. Việc bị “át vía” trên sân lẫn thu nhập trước những siêu sao đã tạo ra những áp lực tâm lý lớn đối với cầu thủ Trung Quốc. Và họ mang tâm lý “tự ti” ấy lên ĐTQG.
Vĩ thanh
Đó cũng là những gì mà ở một góc độ tương phản, cho thấy sự khác biệt và đối lập trong phát triển bóng đá của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Để rồi khi Việt Nam mang đến sự kỳ vọng của thế hệ gen Z trẻ trung và giàu tương lai thì Trung Quốc bước vào áp lực gồng lên phải thắng với hy vọng kinh nghiệm của những ông lão đủ bù đắp cho những đôi chân đã mang dấu hiệu tuổi tác trên sân cỏ.