Sở dĩ người ta cứ phải tranh cãi triền miên về đẳng cấp đích thực của thủ môn Hugo Lloris suốt nhiều năm qua, là vì một “căn bệnh” mà giới cầm bút hầu như không ai thoát khỏi: cãi bằng… số liệu. Con số không biết nói dối. Nhưng nhìn nhận số liệu thống kê ra sao, thì lại khác nhau tùy theo nhãn quan riêng của mỗi người. Khổ nỗi, tranh cãi xung quanh tài nghệ của Lloris mà không dẫn kèm số liệu thống kê, thì càng là quan điểm riêng, nếu không bao giờ có được điểm chung thì cũng chẳng lạ.
Lloris là như vậy. Anh có tỷ lệ cứu nguy 75%, khá ấn tượng. Anh có nhiều pha cứu nguy hơn bất cứ thủ môn nào khác ở Premier League, thậm chí là bỏ xa người kế tiếp đến một mức độ có thể nói là “vô đối”. Nhưng ngược lại, khó tìm ra thủ môn nào có số lần mắc lỗi trực tiếp dẫn đến bàn thua nhiều như Lloris.
Suy cho cùng, một thủ môn từng mắc lỗi cá nhân dẫn đến bàn thua ngay trong trận đấu quan trọng nhất trên đời (chung kết World Cup), thì làm sao có được tình trạng “đáng tin cậy” nữa. Phức tạp thay, vấn đề ở đây chẳng phải là “có đáng tin cậy” hay không. Bóng đá Pháp hiện không có thủ môn nào tiến được gần đến trình độ của Lloris.
Với Steve Mandanda, Benoit Costil và Alphonse Areola, đấy là khác biệt rõ ràng về đẳng cấp. Mike Maignan cũng chưa vươn được đến đẳng cấp cao, nhưng dù sao thì anh cũng đang tiến bộ và là niềm hy vọng tốt nhất, có thể thay thế Lloris trong tương lai. Nhưng khó có thể là tương lai gần.
Với Maignan đang chấn thương, thủ môn dự bị của Les Bleus trong loạt trận quốc tế tháng này là Areola và Costil. Họ đều đã lọt vào ĐTQG từ 3 hoặc 6 năm trước, nhưng chỉ mới ra sân 3 hoặc 1 lần. Dùng được thì đã dùng rồi! Chỉ cần theo dõi Premier League ở mức độ bình thường, người xem trung lập vẫn có thể nhớ không ít lần Tottenham thủng lưới vì sai sót riêng của Lloris.
Nhưng nếu cũng trong những trận mắc lỗi như thế, chính Lloris lại cũng xuất sắc cứu thua? Đỉnh điểm của tình trạng này chính là giải đấu mới đây nhất mà Lloris và Les Bleus đăng quang: UEFA Nations League 2020/21. Lloris liên tục cứu thua ở những thời điểm quan trọng, giúp Pháp thắng TBN 2-1 trong trận chung kết. Đấy lại cũng là giải đấu mà Lloris… bị chỉ trích, trong những lúc khác.
Tại EURO 2020, Pháp thua Thụy Sĩ ở loạt sút luân lưu, mà Lloris không bắt được quả nào. Nhưng nếu không nhờ Lloris bắt được một quả phạt đền trong giờ thi đấu chính thức, có khi Pháp còn không tiến được đến loạt sút luân lưu. Hành trình lên ngôi vô địch World Cup 2018 cũng là câu chuyện tương tự.
Tần suất cứu thua hoặc thói quen mắc lỗi cá nhân đều chỉ là những khía cạnh riêng rẽ. Ngoài ra còn có kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp, sự tập trung, nỗ lực… Tóm lại thì Lloris (mang băng thủ quân) vẫn đang là thủ môn số 1 của đội tuyển Pháp. Kể cũng lạ: Pháp luôn là ĐTQG có lực lượng hùng hậu, xuất sắc và đồng đều nhất thế giới suốt nhiều năm nay. Chỉ riêng vị trí thủ môn thì Les Bleus lại quá mỏng – rút cuộc vẫn chỉ có mỗi Hugo Lloris. Với vị trí thủ môn, thì tuổi 34 của Lloris chưa phải là một nỗi lo. Chỉ lo cho Les Bleus, là nếu ngay cả Lloris cũng rớt phong độ…
Dùng Lloris… đến bao giờ?
Đây không chỉ là vấn đề lâu dài của đội tuyển Pháp. Đây còn là vấn đề ngay trước mắt, nóng bỏng và sống còn hơn, của CLB Tottenham. Giới chuyên môn và các cây bình luận tranh cãi đến vô cùng, về chuyện Tottenham có nên mời Hugo Lloris ký tiếp họp đồng hay không, trong hoàn cảnh hợp đồng hiện thời của anh sẽ hết hạn ngay cuối mùa này. Khổ nỗi, chính Tottenham vừa thay HLV, nên “vấn đề Lloris” chưa thể có câu trả lời.
– Trong 7 mùa bóng liên tiếp, có đến 6 mùa thủ môn Hugo Lloris (Tottenham) thủng lưới ít hơn so với chỉ số xG tức “số bàn thua được chờ đợi” mà giới thống kê ở Premier League đưa ra. Anh chính là thủ môn số 1 Premier League trong thống kê này.