Bóng đá thực sự là một kênh quảng bá hữu hiệu về hình ảnh một quốc gia. Người ta biết đến Argentina đầu tiên bởi bóng đá, bởi Maradona và giờ là Messi. Người ta yêu và muốn đến Brazil bởi luôn bị mê hoặc bởi những lễ hội bóng đá sôi động và các ngôi sao thiên tài. Người ta nghĩ về nước Anh với nền công nghiệp bóng đá, về tinh thần Đức trong thi đấu… Bóng đá khiến con người ta gần nhau hơn và nó cũng khắc họa một cách rõ nét nhất bản sắc, thế mạnh của từng dân tộc.
Với bóng đá Việt Nam, chúng ta đã đi một hành trình dài trên con đường hội nhập. World Cup là cái đích rất dài, rất xa và tưởng chừng không thể đến. Thế nhưng, những giới hạn vốn bị đóng đinh trong nhận thức ấy đã bị xóa bỏ khi chúng ta có mặt tại Futsal World Cup hai lần, tại U20 thế giới và bây giờ, đến lượt các cô gái vàng khiến quốc kỳ Việt Nam tung bay ở ngày hội lớn nhất của bóng đá nữ nhân loại. Với nhiều đội tuyển, đến World Cup như một bữa tiệc thịnh soạn. Nhưng với bóng đá Việt Nam, đó là cột mốc lịch sử, là thành tựu của cả một quá trình dịch chuyển lâu dài, khó nhọc và tràn đầy hoài bão.
Bây giờ thì các tổ chức bóng đá lớn nhất châu lục và thế giới đã công nhận Việt Nam như một đối tác đầy tiềm năng. Các đội bóng hàng đầu đã bắt đầu nghĩ, luận bàn và đối mặt với chúng ta. Đó thực sự là một cảnh giới mà phải mất rất nhiều thời gian bóng đá Việt Nam mới đạt được. Kéo theo đó là sự quan tâm tìm hiểu và trân trọng về hành trình vượt khó của một nền bóng đá đang phát triển.
Bóng đá và World Cup là một kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh con người, đất nước. Các đội tuyển mạnh nhất, những nhà chính trị lão luyện nhất cũng sử dụng bóng đá thỏi nam châm thu hút sự quan tâm, ủng hộ. Và với chúng ta, một Việt Nam từng kiên cường trong khát vọng độc lập, thống nhất và tìm vị thế trong hòa bình sẽ được biết đến nhiều hơn vì nỗ lực vươn lên trong bóng đá. Chúng ta đã đi từ không đến có, từ vị thế một khán giả tại World Cup đến chủ nhân của bữa đại tiệc nhờ tinh thần, ý chí và trí tuệ Việt Nam.