Khi Oliver Bierhoff (giám đốc ĐT Đức) giới thiệu HLV trưởng mới vào tháng Tám vừa qua, ông đã chọn một nơi mang ý nghĩa biểu tượng lớn lao: công trường xây dựng của học viện DFB tại Frankfurt. Hansi Flick được ra mắt giữa những ngổn ngang sắt thép, nơi được kỳ vọng là học viện tiên phong tạo nên nền tảng mới cho bóng đá Đức. Một thông điệp ý nghĩa của DFB khi chính Flick cũng tiếp quản một “công trường” từ tay Joachim Loew.
Sau gần ba tháng Flick nắm quyền, Bierhoff đã nhìn thấy những tiến bộ đáng kể của ĐT Đức. Die Mannschaft toàn thắng cả 3 trận tại vòng loại World Cup, ghi 12 bàn thắng và không thủng lưới lần nào. Trên hết là một “bầu không khí lạc quan, tinh thần tích cực lan tỏa cả tập thể, các cầu thủ làm việc với niềm vui và niềm tin cao độ”, Giám đốc ĐT Đức nhận xét về đội bóng của Flick trong cuộc trả lời tờ Bild hôm thứ Tư.
Khi được hỏi Flick khác với người tiền nhiệm Joachim Loew ra sao, Bierhoff cố tình né tránh câu trả lời. Vị giám đốc ĐT Đức hiểu rằng bất kỳ điều gì ông nói ra cũng có thể bị hiểu là chỉ trích Loew. “Mỗi HLV đều có thế mạnh riêng của mình”, cựu tiền đạo 53 tuổi trả lời chung chung. Dù vậy Bierhoff vẫn không giấu được thái độ khen ngợi dành cho Flick: “Ông ấy trao nhiều tự do cho các cộng sự, họ được làm việc và sáng tạo tối đa”.
Đấy chính là một trong những khác biệt lớn giữa Hansi Flick và Joachim Loew. Nhà cầm quân 56 tuổi luôn nhấn mạnh rằng ông chỉ là “một trong nhiều huấn luyện của ĐT Đức”. Dù là người đưa ra quyết định cuối cùng nhưng Flick luôn tham khảo kỹ càng ý kiến của đội ngũ trợ lý đông đảo về mọi vấn đề nhân sự, chiến thuật. Nếu như Loew chỉ bàn thảo với hai trợ lý tin cẩn thì Flick dựa vào ý kiến đóng góp từ 6 cộng sự trong ban huấn luyện. Nói cách khác, Flick tạo ra tiếng nói dân chủ trong ban huấn luyện nhằm huy động tối đa chất xám từ đội ngũ mà ông tin cậy.
Khác với Loew, Flick làm việc vô cùng tỉ mỉ. Cựu HLV Bayern muốn mọi thứ chính xác tới từng chi tiết nhỏ. Trong khi, Loew coi thường các cuộc họp chiến thuật. Thậm chí trước trận gặp Anh tại vòng 1/8 EURO 2020, Loew còn tuyên bố các trận đấu lớn không được quyết định bởi hệ thống mà bởi phẩm chất cá nhân.
Cách làm việc kỳ quặc của Loew trái ngược với chủ nghĩa thực dụng của Flick. Vị tân HLV trưởng ĐT Đức thích tìm tòi điểm yếu để khắc phục. Ông đã mang về Mads Buttgereit, một chuyên gia tình huống cố định người Đan Mạch, để giúp mài sắc vũ khí đá phạt cho ĐT Đức. Ông cũng mang theo Danny Rohl từ Bayern, một chuyên gia phân tích với công việc là xem trận đấu như một ván cờ để tính trước hàng chục nước đi.
Còn quá sớm để khẳng định phương pháp thực dụng của Flick sẽ tạo nên thành công cho ĐT Đức. Nhưng có một điều chắc chắn là sự tỉ mỉ, tâm huyết của Flick đang được các cầu thủ đón nhận. Nói vậy không có nghĩa phủ nhận phương pháp “trọng dụng nhân tài” của Joachim Loew, nhưng ai cũng chỉ có một thời. Và bây giờ là thời của Flick.
Flick “cưng” nhất Werner
Dưới thời HLV Hansi Flick, Timo Werner là cầu thủ duy nhất chưa nghỉ phút nào tại ĐT Đức. Tiền đạo của Chelsea đã chơi trọn vẹn 270 phút trước Liechtenstein, Armenia và Iceland. Thi đấu nhiều thứ hai dưới thời Flick là hậu vệ Thilo Kehrer với 263 phút. Về khoản ghi bàn, Werner và Serge Gnabry hiện là những tay săn bàn hiệu quả nhất dưới thời Flick với 3 bàn thắng mỗi người. Trong khi Leon Goretzka là chân chuyền số một với 4 đường kiến tạo.
100 – Hansi Flick hiện có tỷ lệ chiến thắng 100% khi dẫn dắt ĐT Đức (toàn thắng cả 3 trận). Trước đó tại Bayern, Flick cũng có tỷ lệ thắng lên tới 81% (70 thắng/86 trận).