Khi Dragan Solak mua Royal Bled, một sân gôn ở Julian Alps của Slovenia, vào năm 2013 với giá được báo cáo là 11 triệu euro (9,2 triệu bảng Anh), ông đã ấp ủ tham vọng biến nó trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn nhất với giới thượng lưu ở châu Âu.
Cuộc cải tạo kéo dài hai năm của sân golf chính King’s Course ghi dấu ấn khi Công chúa Serbia – Jelisaveta Karadordevic thực hiện cú vụt gậy khai trương sân golf vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, Solak vẫn chưa hài lòng.
Không định dừng lại với việc sở hữu một trong những sân golf chất lượng, ông trùm truyền thông người Serbia muốn làm cho nó tuyệt vời hơn nữa. Ông đã tuyển dụng Steve Chappell, trưởng bộ phận chăm sóc mặt cỏ của 1 trong 3 sân golf tại khu nghỉ mát Gleneagles nổi tiếng ở Scotland vào vị trí quản lý sân Royal Bled. Khá thú vị khi biết rằng sân Gleneangles là nơi đã tổ chức Ryder Cup 2014.
Solak là cổ đông hàng đầu tại Sport Republic, công ty gần đây đã mua lại 80% cổ phần của Gao Jisheng tại Southampton. HLV Ralph Hasenhuttl nói đùa rằng ông muốn tận dụng mối quan hệ với ông chủ người Serbia để thử cảm giác chơi golf tại Royal Bled. “Tôi phải thử mới được”, thuyền trưởng của Southampton nói, “Nó không xa quê hương Graz (Áo) của tôi. Bạn tôi đã chơi ở đó một vài lần. Tôi đã sẵn sàng vung gậy rồi!”.
Cùng với những người đồng sở hữu Rasmus Ankersen và Henrik Kraft, Solak đã mặt tại St Mary’s để xem đội bóng mới của họ đương đầu với các nhà đương kim vô địch Premier League Man City. Và ông đã chứng kiến màn thi đấu tuyệt vời của đội nhà khi chỉ để đội đang dẫn đầu BXH gỡ hoà 1-1 đầy may mắn.
Đó là lần đầu tiên bộ ba này cùng đến sân xem một trận đấu với Southampton, vì Ankersen đã vắng mặt trong chiến thắng 4-1 của The Saints trên sân nhà trước Brentford hồi đầu tháng.
Solak xuất thân trong một gia đình khá giả ở Serbia. Cha của ông là giáo sư kinh tế nhưng cũng từng thuộc ban giám sát của nhà sản xuất lớn Nam Tư cũ – Zastava, hãng sản xuất dòng xe Yugo nổi tiếng – công ty liên doanh với hãng Fiat và nắm giữ 80% thị trường xe hơi Nam Tư.
Tuy nhiên, Zastava cũng là một tay tổ trong ngành công nghiệp vũ khí và theo danh sách 100 người Serbia giàu nhất do tạp chí hàng tuần Nedeljnik công bố vào tháng 12/2021, Solak vững vàng nắm vị trí thứ ba với khối tài sản lên tới 1,4 tỷ bảng Anh.
Solak vừa bước sang tuổi 57, và ông không kiếm tiền bằng cách tư nhân hoá một công ty đại chúng, như cách của hai tỷ phú Serbia khác xếp trên ông trong bảng danh sách. Công ty đầu tiên ông mua hoạt động bằng cách mua và bán lại bản quyền các bộ phim và chương trình truyền hình.
Sau đó vào năm 2000, Solak thành lập công ty truyền hình cáp và viễn thông SSB ở Serbia, một trong số các nhà khai thác quy mô nhỏ xuất hiện trong khu vực. Đến năm 2005, SBB đã nắm giữ 45% thị trường trong nước, bắt đầu thâu tóm các đối thủ của mình và mở rộng quy mô sang các quốc gia thuộc Liên bang Nam Tư trước đây.
Vào năm 2014, những công ty này hợp nhất thành United Group, và một công ty đầu tư của Mỹ mang tên KKR trở thành chủ sở hữu mới của nó. Đây là nơi mà Kraff tạo nên mối liên kết giữa Solak và Southampton. Người đàn ông 48 tuổi này từng làm việc cho KKR, sau đó ngồi trong hội đồng quản trị của United Group trong hai năm trước khi rời công ty vào năm 2016. Solak là chủ tịch của United Group.
Tiến sĩ Marko Milosavljevic, giáo sư báo chí tại Đại học Ljubljana của Slovenia cho biết: “Solak là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng trong khu vực – đặc biệt là ở Serbia. Tuy nhiên, ông ấy không phải là một người nổi tiếng và cũng không quá cởi mở với công chúng như Elon Musk.
Nhưng do sở hữu các hãng truyền thông trên khắp lãnh thổ Nam Tư trước đây và ở Bulgaria, Solak là một đối thủ có các công ty nhà nước ở các quốc gia đó, và điều này khiến ông ấy cũng trở thành một nhân vật thường bị các chính trị gia cầm quyền nhắm tới. Các tờ báo lá cải ủng hộ chính phủ ở Serbia ghét ông ấy, bởi vì nếu bạn không tích cực ủng hộ chính phủ, bạn sẽ bị coi là kẻ thù. Đó là điều phổ biến trong khu vực”.
Năm ngoái, một mặt trận mới đã mở ra trong cuộc tranh chấp gay gắt giữa Solak và chính phủ Serbia: bóng đá. Một trong những kênh phổ biến nhất của United Group là SportKlub và nó đã nắm giữ bản quyền truyền hình trực tiếp của hầu hết các giải đấu hàng đầu châu Âu.
Cán cân chỉ thay đổi vào năm ngoái khi đối thủ chính của United Group, Telekom Srbija, bắt đầu trả những khoản tiền khổng lồ để giành được bản quyền của Champions League, La Liga, Serie A và cuối cùng là Premier League cho kênh Arena Sports của họ.
Telekom Srbija là một công ty thuộc sở hữu nhà nước và ban lãnh đạo của nó có quan hệ mật thiết với tổng thống ngày càng độc tài của Serbia – Aleksandar Vucic và đảng Serbia Cấp Tiến của ông.
Lý do Telekom Srbija ném quá nhiều tiền công vào lĩnh vực truyền hình bóng đá không phải vì tình yêu với môn thể thao vua hay nhằm thu lợi nhuận từ khoản đầu tư này, mà đó là một động thái chính trị nhằm làm tổn hại đến United Group và làm giảm lượng khán giả theo dõi kênh tin tức N1 của công ty này.
Cuối năm ngoái, các học giả, nhà vận động truyền thông tự do và các chính trị giá đã phản đối lời đề nghị trị giá 500 triệu bảng của Telekom Srbija để sở hữu bản quyền Premier League trong 5 năm (2023-2028). LĐBĐ Serbia phớt lờ và những tấm séc đã được ký.
Tiến sĩ Milosavljevic nói: “N1 được quốc tế tôn trọng. Đây là một trong những nguồn tin tức độc lập và đáng tin cậy nhất ở Nam Tư trước đây, và đó là một vấn đề ở Serbia hiện đại. Không ủng hộ đồng nghĩa với chống lại chính phủ”.
Telekom Srbija thậm chí còn không thèm che dấu mục đích của mình. Một năm trước, kế hoạch đì SportKlub để huỷ hoại N1 đã được giải thích trong một bài thuyết trình Power Point được rò rỉ cho giới truyền thông. Mưu đồ làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Solak là rất rõ ràng.
“Rất khó để lý giải về khía cạnh kinh tế cho việc trả nhiều tiền đến như vậy để sở hữu bản quyền Premier League. Tại Serbia, có một câu nói nổi tiếng về lòng đố kỵ: Có hai người nông dân sống gần nhau. Khi một người được hỏi anh ta sẽ làm gì để con dê của người hàng xóm chết, anh ta nói rằng sẽ từ bỏ con bò của mình.
Đó chính xác là những gì Telekom Srbija đã sử dụng tiền công để đạt được mục đích của mình. Nên liệu việc mua Southampton có phải là cách Solak giơ ngón tay thối với Telekom Srbija? Có thể, mặc dù tôi khá chắc chắn rằng ông ta cũng đã có những tính toán về lợi nhuận kinh tế nhất định với thương vụ này”.
Tiến sĩ Milosavljevic không phải là người duy nhất tự hỏi liệu thời điểm Solak nắm quyền sở hữu một CLB ở Premier League có phải là tình cờ hay không. Chúng ta hãy gặp Peter Horrocks là cựu sếp của BBC’s World Service, người hiện đóng vai trò cố vấn biên tập cho United Group.
Horrocks nói: “Solak có hiểu biết sâu rộng và rất kiên định. Là một doanh nhân nhưng ông ta cũng quan tâm đến đất nước của mình. Solak ủng hộ nền báo chí độc lập, khách quan ở Serbia. Không có tham vọng tranh cử hay dấn thân vào con đường chính trị, nhưng Solak luôn mong muốn đất nước được điều hành tốt.
Ông ta bị hầu hết các phương tiện ở Serbia trù dập, nhưng đó là vì các cơ quan báo chí, truyền thông bị kiểm soát bởi chính phủ. Solak rất lo ngại về sự quay trở lại của chủ nghĩa độc tài ở Serbia. Điều đó khiến ông ta bị đưa vào tầm ngắm, là cái gai trong mắt chính phủ, bị coi là không yêu nước. Tuy nhiên, Solak luôn coi mình là một người Serbia chân chính và sẽ không lùi bước trước cường quyền”.
Không giống như các doanh nhân nước ngoài khác đã mua các CLB bóng đá Anh, Solak không nhận được bất kỳ sự ca ngợi nào khi trở về Serbia sau khi tiếp quản Southampton.
Tiến sĩ Milosavljevic nói: “United Group đang chịu áp lực chính trị ở Serbia, nhưng vẫn lớn mạnh bất chấp những trở ngại. Rất khó để hạ gục nó và đó là một trong những lý do khiến các chính phủ ở Serbia hay thậm chí cả ở Slovenia không thể yên tâm. Họ không thể kiểm soát nó.”
Trong khi rất nhiều người trong ngành biết về Solak, Kraft vẫn là một ẩn số. Một người có liên hệ với Kraft trong một thời gian ngắn vài năm trước nói rằng ông “là một người tốt tính” và “hiểu biết sâu rộng”, nhưng những thông tin về người đàn ông này vẫn là rất ít ỏi.
Kraft nhận được công việc của mình tại United Group vì ông là người đứng đầu bộ phận công nghệ truyền thông và công nghệ châu Âu của KKR, và việc mua lại mảng kinh doanh truyền thông và cáp của Solak vào năm 2014 là một vở kịch kinh điển của KKR.
Được thành lập vào những năm 1970, công ty cổ phần tư nhân này đã trở thành điển hình của mô hình mua lại bằng đòn bẩy (LBO – mua lại một công ty khác bằng cách sử dụng một lượng vốn vay đáng kể).
Thương vụ nổi tiếng nhất của KKR là thương vụ mua lại công ty thực phẩm và thuốc lá khổng lồ RJR Nabisco năm 1988, cuộc đột kích mang tính lịch sử này đã được thuật lại trong cuốn sách bán chạy nhất và bộ phim cùng tên Barbarians At The Gate (tạm dịch: Lũ man rợ rình trước cổng) ra mắt năm 1993.
Tuy nhiên, Kraft không man rợ – ông ta có bằng kỹ sư, kinh tế và quản lý hạng nhất của Đại học Oxford Sau khi rời Oxford, công việc đầu tiên của Kraft là gia nhập một công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại London, trước khi đầu quân cho Apax, một công ty cổ phần tư nhân toàn cầu. Việc chuyển đến KKR là một bước tiến và ông đã cống hiến cho công ty này trong suốt một thập kỷ.
Nhưng sau đó ông đã rời khỏi chốn gắn bó quen thuộc này để bước ra thế giới với tư cách một nhà đầu tư thiên thần (một cá nhân có trình độ cao, cung cấp sự trợ trợ giúp cho các doanh nghiệp non trẻ) trong lĩnh vực thể thao, công nghệ và viễn thông.
Theo bản CV của Kraft trên LinkedIn, ông đã cung cấp vốn “hạt giống” cho hơn 40 công ty khởi nghiệp, bao gồm tựa game bóng đá giả lập dựa trên blockchain Sorare, hệ thống theo dõi vận động viên Sportlight và ứng dụng do thám cơ sở Tonsser. Công ty sau này dường như thuộc sở hữu đa số của Sport Republic, phương tiện đầu tư mà Kraft và Ankersen thành lập với sự hậu thuẫn của Solak.
Dù đã nhúng tay vào rất nhiều phi vụ, Kraft vẫn là một nhân vật kín tiếng đối với những người am hiểu bóng đá Anh. Có lẽ nếu muốn hiểu rõ hơn về Kraft, ta nên mượn một chai rượu vang thật ngon trong bộ sưu tập của Sir Alex Ferguson và trò chuyện cùng ông ấy. Kraft là một người khá sành sỏi về rượu, gần đây ông đã được cấp bằng chuyên gia từ Tổ chức giáo dục Rượu và Tinh thần.
Ankersen, 38 tuổi, đã rời khỏi vai trò đồng giám đốc bóng đá của CLB Brentford vào tháng 12/2021, sau hơn 6 năm làm việc và chưa đầy một tuần trước khi việc tiếp quản Southampton được công bố.
Mối quan hệ của ông với đội bóng phía tây London bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với Matthew Benham, chủ sở hữu của họ, vào năm 2013. Hai người nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và Ankersen được bổ nhiệm làm chủ tịch của FC Midtjylland sau khi Benham mua lại đội bóng của Đan Mạch. Midtjylland đã lần đầu tiên vô địch giải đấu ở mùa 2014/15, và Ankersen sau đó chuyển đến Brentford.
Ankersen đóng một vai trò quan trọng trong việc cách mạng hóa cách thức hoạt động của Brentford về mặt tuyển dụng khi họ bắt đầu sử dụng các mô hình phân tích thống kê để mang về những cầu thủ trẻ tiềm năng và sau đó bán kiếm lời.
Cách tiếp cận này đã giúp họ bán được Neal Maupay (16 triệu bảng cho Brighton hồi Hè 2019), Ollie Watkins (28 triệu bảng cho Aston Villa một năm sau đó) và Said Benrahma (21 triệu bảng, cộng với 5 triệu bảng từ các điều khoản bổ sung cho West Ham vào tháng 1/2021).
Ankersen giữ vai trò chủ đạo trong các cuộc đàm phán với những người đại diện và các CLB khác. Một tay cò cầu thủ cho biết: “Ông ta rất rắn khi thương lượng, nhưng rất công bằng. Không bao giờ Ankersen chịu thiệt, dù chỉ một xu. Ông ta làm việc rất chuyên nghiệp và cũng là một nhà đàm phán siêu khó tính”.
Ankersen được cho là sẽ không đóng góp nhiều trong các hoạt động thường nhật của Southampton, nhưng thật khó để tưởng tượng rằng ông sẽ không là trung tâm trong các phi vụ mua bán cầu thủ. Tuy nhiên, trọng trách lớn nhất dành cho Ankersen sẽ là Sport Republic – công ty đầu tư mà ông muốn nhân rộng thành một mô hình thành công tại nhiều CLB trong những năm tới.
Song song với lĩnh vực bóng đá, Ankersen đã viết hai cuốn sách kinh doanh có tựa “Hiệu ứng mỏ vàng” và “Đói khát ở thiên đường”. Điều này đã mở ra những cánh cửa khác và ông trở thành một nhân vật được kính trọng trong giới kinh doanh. Ankersen đã có những bài phát biểu quan trọng cho Coca-Cola, Google, AstraZeneca, Tui, McDonald’s và Lego cùng với những nhân vật tên tuổi khác.
“Nếu tôi có một công ty, vị trí giám đốc điều hành phải thuộc về Ankersen. Ở Midtjylland và Brentford, ông luôn lo lắng cho túi tiền của Matthew như thể đó là tiền của mình. Ông làm việc chăm chỉ và là một doanh nhân vĩ đại. Ông biết cách tạo ra giá trị. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi thấy ông ấy liên tục thăng tiến trong sự nghiệp”, một người thân của Ankersen chia sẻ.
Còn quá sớm để nói liệu Sport Republic có trở thành một điển hình thành công trong bóng đá Anh hay không, nhưng hiện tại thì những cổ động viên Southampton bắt đầu cảm thấy có niềm tin hơn vào câu lạc bộ so với triều đại của Gao Jiseng.
Ông chủ mới của The Saints cùng các cộng sự đang mang đến cho đội bóng áo đỏ trắng sự kết hợp giữa chuyên môn bóng đá và lợi nhuận, sự nhạy bén trong kinh doanh và những bí quyết trên sân cỏ. Nếu mọi thứ đi đúng hướng, cơ hội để Southampton leo cao tại Premier League thay vì đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng như hiện tại hoàn toàn có thể xảy ra.