Kể cả khi ĐT Pháp bị đánh giá là tầm thường qua kết quả hòa 1-1 trên sân nhà với Bosnia, Paul Pogba vẫn cứ tỏa sáng – ít ra là sáng nhất trong ĐT Pháp. Vì sao Pogba hầu như không bao giờ làm HLV Didier Deschamps phải thất vọng?
Như một đứa trẻ trấn an bố mẹ trước một chuyến đi chơi xa, Paul Pogba nói với HLV trưởng Didier Deschamps khi ĐT Pháp chấm dứt hành trình tại EURO 2020 và các thành viên chia tay, mỗi người một ngả: “Em sẽ gọi ngay cho thầy, khi đến nơi”. Pogba khi ấy dĩ nhiên đang chuẩn bị đi du lịch.
Họ giống như là bố con vậy, ngoài quan hệ thầy trò trong ĐT Pháp. “Thầy trò” cũng đã là đặc biệt rồi. Bởi trong làng bóng đá đỉnh cao, HLV trưởng và các cầu thủ đôi khi chỉ có quan hệ lạnh lùng, mỗi người mỗi việc, chỉ cần làm việc sao cho chuyên nghiệp.
Pogba trong ĐT Pháp thường phát huy năng lực tốt hơn Pogba ở CLB MU, cũng vì điều này. Một phần nguyên nhân còn liên quan đến vấn đề lực lượng, mỗi đội mỗi khác. Và những lối chơi khác nhau, liên quan đến những lực lượng khác nhau, làm cho mọi sự so sánh trở nên khập khiễng.
Dù sao đi nữa, với lực lượng nào, lối chơi nào, thì mấu chốt của thành công vẫn nằm ở chỗ, Deschamps nói sao để Pogba luôn tin tưởng và cố thực hiện đến mức tốt nhất những gì HLV trưởng muốn có.
Quan sát trận Pháp – Bosnia ở vòng loại World Cup vừa qua, người ta thấy rõ một điều: Deschamps nói với Pogba nhiều nhất. Đặc biệt là các vấn đề phải nói “direct” – tức Deschamps phải truyền đạt ý tưởng ngay khi trận đấu đang diễn ra, để các cầu thủ trên sân kịp điều chỉnh cách chơi.
Các thành viên trong BHL Les Bleus thừa nhận: “Ngược lại, Pogba luôn muốn nghe thật kỹ, để thật sự hiểu rõ các ý đồ chiến thuật của Deschamps”. Tất cả nói lên rằng Deschamps và Pogba tin tưởng lẫn nhau, đến mức tuyệt đối.
Đây là mối quan hệ đã bén rễ từ rất nhiều năm trước. Deschamps luôn bảo vệ Pogba, nhất là từ khi Pogba bị đuổi trong trận gặp ĐT Tây Ban Nha, cách đây đã hơn 8 năm. Hồi ấy, Pogba còn rất trẻ.
Một mặt, Deschamps không làm lớn chuyện đối với một cầu thủ bị đuổi khỏi sân. Ông cố bình thường hóa mọi chuyện, mổ xẻ kinh nghiệm thuần túy, như mọi tình huống hay hoặc dở khác trong trận đấu.
Mặt khác, Deschamps cũng nhanh chóng nhận ra rằng Pogba thuộc mẫu cầu thủ dễ “làm mồi” cho báo giới. Nói chung, quan hệ với giới truyền thông là một môi trường mà Pogba có thể gặp rủi ro, thua thiệt, nếu không được bảo vệ.
Deschamps luôn bảo vệ Pogba trong khía cạnh này. Ngược lại, Pogba cũng cảm nhận được như thế. Vấn đề không chỉ là HLV và cầu thủ có mối quan hệ tốt đẹp, thân thiết với nhau. Ở đây còn có vấn đề chuyên môn nữa. Trong bóng đá đỉnh cao, ai cũng biết chỉ cần thêm 1% nỗ lực, hoặc tin tưởng nhau đến mức độ tuyệt đối, khác biệt to lớn về mặt hiệu quả có thể sẽ xuất hiện.
Đường chuyền tuyệt vời của Pogba, từ khu 16m50 của chính đội mình, đặt bóng vào đúng tầm chạy của Kylian Mbappe trên sân đối phương, làm toát lên sự xuất sắc của Pogba trong trận gặp Bosnia. Nhưng thật ra, cái ý thức “đáp lễ” của Pogba đối với những gì anh đã nhận được từ HLV Deschamps, không chỉ nằm ở lối chơi trên sân.
Trong hàng ngũ Les Bleus bây giờ, Pogba cũng bảo vệ các cầu thủ trẻ như Aurelien Tchouameni, Eduardo Camavinga, như anh từng được Deschamps bảo vệ trong những ngày đầu khoác áo đội Pháp.
Man United có thể tham khảo điều này
Paul Pogba là cầu thủ đa năng, chơi được ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau. Anh có thể chuyền kiến tạo, chuyền dài hoặc bổng… Vấn đề của những đường chuyền như vậy nằm ở cự ly và vị trí chuyền bóng.
Không chỉ là vị trí của mình, Pogba còn phải quan tâm đến vị trí của đồng đội, đối phương nữa. Trong ĐT Pháp, dù đá ở đâu, vai trò gì, Pogba cũng chỉ tập trung, cố chơi tốt nhất có thể. Vì anh đã tin chắc vào sự sắp xếp của HLV. Còn ở Man United?