Nhìn thấy tôi mặc chiếc áo khoác có logo Inter, Luca thốt lên: “Gli Interisti siamo noi” – (Chúng ta là CĐV Inter). Luca rất ngạc nhiên và đầy thích thú khi tình cờ bắt gặp một người Việt Nam với rất nhiều đồ dùng mang hình ảnh của Inter (áo khoác, khăn quàng, móc chìa khóa, khẩu trang, thẻ thành viên Inter club do CLB cấp…) tại một nơi cách Milano gần 9.000 km. Vì thế, câu chuyện giữa chúng tôi ngay từ đầu đã hết sức cởi mở.
Luca đã chứng kiến không biết bao nhiêu trận derby Milan, cả trên khán đài, truyền hình cũng như màn hình lớn ở trung tâm thành phố. Trước khi ra nước ngoài làm việc tại nhiều nơi trên thế giới bao gồm Việt Nam, trận derby gần nhất mà Luca dự khán là cuộc đọ sức ở Coppa Italia vào cuối năm 2017, Milan thắng 1-0 nhờ bàn thắng trong hiệp phụ của Patrick Cutrone. Vì thế tôi tin rằng góc nhìn về trận derby của một người Milano chính gốc như Luca đáng để những fan đích thực của Milan và Inter suy ngẫm.
“Nhiều người tin rằng Milan và Inter luôn căm ghét nhau, điều ấy thực sai lầm. Trên thành phố hơn 3 triệu dân ấy, mỗi fan đều sẽ phải lựa chọn cổ vũ Milan hoặc Inter, điều này còn tùy thuộc vào khu vực bạn sinh sống. Thời xa xưa, ở trung tâm của Milano người ta thích Inter, còn ngoại ô thành phố, tầng lớp lao động nói chung chuộng Milan. Bạn bè tôi không ít người là Milanista. Người dân Milano cũng không có sự chia rẽ vì hai màu áo, Milanista và Interista kết hôn với nhau là chuyện rất phổ biến. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình kiểu ấy sẽ luôn phải lựa chọn về phe của cha hoặc mẹ, tức yêu Inter hoặc Milan, thường là vào độ tuổi từ 3 đến 6”, Luca nói.
Luca kể rằng sự chia rẽ thấy rõ nhất giữa những nhóm bạn bè ở Milano là khi trận derby diễn ra, CĐV Inter và CĐV Milan luôn bị tách ra ngồi ở những khu vực khán đài riêng rẽ. Nếu là cặp vợ chồng mà mỗi người thích một đội, họ cũng sẽ phải ngồi xa nhau tại San Siro. Nhưng khi tan trận, bất kể kết quả như thế nào, vẫn những con người đó lại ngồi ăn tối chung với nhau, trên mình là hai màu áo khác nhau, còn chủ đề đương nhiên là trận derby vừa chấm dứt.
Ở Italia tồn tại rất nhiều trận derby (bao gồm cả derby vùng) đầy căng thẳng, giàu bạo lực cả trên sân và khán đài. Đó là Palermo – Catania ở đảo Sicilia, Vicenza – Venezia của vùng Veneto (2 thành phố chỉ cách nhau 60km), Atalanta – Brescia ở vùng Lombardy hay Napoli – Salernitana tại vùng Campania… Cũng có những cặp đấu mà sự đối địch không đến từ nguyên nhân địa lý, mà do CĐV thực sự không thích nhau và rất dễ xảy ra bạo động như Inter – Roma, Inter – Juve, Napoli – Juve hay Juve – Fiorentina…
Thỉnh thoảng derby Milan cũng xảy ra sự cố đáng tiếc như trận tứ kết lượt về Champions League 2004/05 mà thủ môn Dida đã dính một trái pháo sáng vào vai, nhưng nó rất hãn hữu trong lịch sử 114 năm các trận derby. Luca cũng so sánh với trận derby ở Buenos Aires mà anh từng được trải nghiệm bầu không khí đầy thù địch cả trên khán đài lẫn bên ngoài sân bóng giữa những người đồng hương, chỉ vì họ cổ vũ Boca Juniors hay River Plate.
“Derby Milan là ngày hội của thành phố. Trên sân, cầu thủ hai đội có thể “tẩn” nhau nhưng các CĐV thì hầu như không. Milan gặp Inter là trận derby thành phố vào loại hòa bình nhất ở Italia, CĐV hai đội dắt tay nhau đến SVĐ, chỉ bị tách ra khi bước vào bên trong San Siro. Dù Milanista không thích Inter, các Interista cũng luôn hân hoan cổ vũ cho hầu hết đối thủ của Milan trừ Juventus. Nhưng theo tôi, sự ganh đua và thù ghét ắt phải có ở những thành phố có tối thiểu hai đội bóng mạnh. Nếu ở Milano đủ lâu, bạn sẽ hiểu sự ganh đua hay thù ghét giữa hai màu áo ấy theo hướng rất tích cực”, Luca nói.
Mỗi fan ở Milano hay tại Italia nói chung sẽ lựa chọn giữa Milan và Inter từ khi còn nhỏ, và màu áo ấy họ sẽ tôn thờ cho tới khi nhắm mắt. “Nếu Arrigo Sacchi và Carlo Ancelotti không “trót” trở thành huyền thoại của Milan, họ cũng sẽ là những Interista suốt đời, giống như tôi”, Luca chia sẻ về tình yêu bất tử của anh và một nửa thành Milan cho màu áo xanh-đen.
Vì sao Interista gọi Milan là “BBilan”?
CĐV Inter nói chung không gọi người anh em cùng thành phố là Milan, tên chính thức mà người Italia sử dụng. Thay vào đó, họ gọi Milan là BBilan một cách châm chọc. Hai chữ “B” hàm ý Milan đã 2 lần phải xuống chơi ở Serie B vào đầu thập niên 1980, trong khi Inter là đội bóng Italia duy nhất chưa bao giờ phải rớt hạng.