Từ người hùng trở thành kẻ nổi loạn
Mùa hè năm ngoái, Thomas Tuchel thuyết phục ban lãnh đạo Chelsea bỏ ra 98 triệu bảng chiêu mộ Romelu Lukaku từ Inter Milan. Sau những gì trình diễn tại Italia, Lukaku được xem là mảnh ghép hoàn hảo cho hệ thống 3-4-2-1 của Tuchel. Tiền đạo người Bỉ củng cố nhận định đó bằng màn ra mắt siêu hạng trước Arsenal. Anh khởi đầu như mơ trong lần trở lại Stamford Bridge khi ghi 3 bàn trong 3 trận đầu tiên cho Chelsea.
Thế nhưng, ít ai ngờ Lukaku và Chelsea lại nhanh chóng lạc mất nhau. Tiền đạo 28 tuổi này trải qua chuỗi 7 trận liên tiếp tịt ngòi trước khi dính chấn thương mắt cá chân ở trận đấu với Malmo vào tháng 10. Sau khi bình phục, Lukaku tiếp tục phải ngồi ngoài vì mắc COVID-19. Giai đoạn này, Chelsea thăng hoa nhờ phong độ xuất thần của các hậu vệ, đặc biệt là bộ đôi chạy cánh Recce James và Ben Chilwell. Chính vì vậy, Lukaku không còn là lựa chọn số 1 của Tuchel ngay cả khi đã bình phục hoàn toàn.
Từ chỗ là ngôi sao đắt giá nhất, là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng công Chelsea, Lukaku phải làm quen với ghế dự bị ngay cả khi ghi bàn trở lại. Ngôi sao người Bỉ không chấp nhận thực tế phũ phàng đó và công khai “nổi loạn” thông qua cuộc phỏng vấn với Sky Italia vào cuối tháng 12. Lukaku trở thành cái gai trong mắt người Chelsea khi tuyên bố anh không hạnh phúc tại Stamford Bridge và cảm thấy sai lầm khi rời Inter Milan.
Cho dù đứng ra xin lỗi toàn đội cũng như BHL và các CĐV, nhưng Lukaku vẫn không cách nào tìm lại vị thế của những ngày đầu mới trở lại Chelsea. Vấn đề nghiêm trọng nhất của tiền đạo này nằm ở chính bản thân anh khi thường xuyên gây thất vọng ở thời điểm The Blues cần Lukaku nhất.
Vô duyên đến phút cuối
Từ tháng Giêng đến nay, thống kê từ Stats Perform cho thấy Lukaku đã ra sân trong 18 trận và đá chính trong 12 trận, bằng số trận đấu của anh ấy từ tháng 8 đến tháng 12, và chơi số phút gần tương đương, 1.180 phút so với 1.120 phút. Tuy nhiên, tổng số bàn thắng Lukaku giảm sút so với giai đoạn đầu mùa, anh chỉ ghi được 5 bàn so với 7 bàn trước đó cho dù số bàn thắng kỳ vọng tăng từ 5,57 lên 6,69 bàn. Các con số này cho thấy hiệu suất của Lukaku vốn kém cỏi càng trở nên kém hơn.
Thực vậy, tỷ lệ chuyển đổi các pha dứt điểm thành bàn thắng của Lukaku cũng giảm đáng kể giữa 2 giai đoạn, từ 21,9% xuống còn 15,2%. Lukaku vẫn chưa có pha kiến tạo nào tại Chelsea, nhưng số kiến tạo kỳ vọng của anh cũng giảm mạnh, từ 1,95 xuống còn 0,96.
Không dừng lại ở các thông số chuyên môn quan trọng nhất của một tiền đạo săn bàn, Lukaku còn lao dốc ở nhiều yếu tố khác, khiến tầm ảnh hưởng của anh với Chelsea ngày càng mờ nhạt.
Khả năng tranh chấp vốn là điểm mạnh của Lukaku cũng không còn được phát huy kể từ sau vụ phỏng vấn tai tiếng với Sky Italia. Cụ thể, Lukaku chỉ tranh chấp bóng bổng tộng cổng 53 lần, thắng vỏn vẹn 40%, kém xa giai đoạn trước đó (tranh chấp 69 lần, thắng 57%). Số lần đi bóng qua người của anh giảm hơn một nửa, từ 11 xuống còn 5 lần. Số lần chạm bóng trung bình mỗi 90 phút của tiền đạo này cũng giảm từ 32,4 lần xuống 25,7 lần.
Với phong độ tệ hại đó, ngay cả khi kịp bình phục chấn thương gót chân, Lukaku cũng khó lòng tạo ra khác biệt cho Chelsea trong trận tái đấu với Real Madrid đêm nay.
Pha bỏ lỡ của Lukaku có thể khiến Chelsea bị loại
Ở trận lượt đi giữa Chelsea và Real Madrid, Lukaku đã bỏ lỡ cơ hội vàng để rút ngắn tỷ số xuống 2-3 cho đội nhà. Sau trận đấu, HLV Tuchel thừa nhận rằng, The Blues có thể phải trả giá đắt vì pha bỏ lỡ này. Ông nói: “Pha bỏ lỡ đó có thể quyết định cả trận đấu. Không có luật bàn thắng sân khách ở mùa này, cho nên khoảng cách thua 1 bàn hoặc 2 bàn có ý nghĩa rất khác nhau”.
0 – Lukaku cực kỳ vô duyên khi đối đầu với các CLB Tây Ban Nha tại Champions League. Đến thời điểm này, anh đã có tổng cộng 9 lần gặp các CLB Tây Ban Nha tại Champions League mà chưa có chiến thắng nào (hòa 2 và thua 7).