Trận cầu đinh vòng đấu giữa Viettel và HAGL được rất nhiều người kỳ vọng. Chỉ nhắc tên thôi cũng tạo ra nhiều cảm xúc, động lực để đợi chờ. Một HAGL nhiều ngôi sao và trên lý thuyết rất muốn thắng, buộc phải thắng để khép lại loạt trận đáng quên. Và đối thủ của họ, đội chủ nhà Viettel phải thắng để theo đuổi cuộc đua danh vọng. Lúc này, chỉ có họ mới đủ sức, đủ bản lĩnh để tạo ra sự thay đổi trong cuộc chơi vốn mang đến vị thế độc tôn cho Hà Nội.
Những tính toán của giới chuyên môn dựa rất nhiều vào thế cục của giải đấu, của từng đội bóng. Thế nhưng, HAGL có vẻ như khủng hoảng trầm trọng hơn dư luận và chính họ đã đoán định. Họ không còn đủ sức tạo ra một cuộc đại chiến trước đối thủ xứng tầm Viettel. Và ngay cả khi đối thủ của họ dùng rất nhiều cầu thủ trẻ thì dàn sao của bầu Đức cũng không thể hiện được sự lấn lướt về chuyên môn.
Bất lực, mất phương hướng và thiếu sáng tạo trong thi đấu đã khiến HAGL tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Lúc này, mục tiêu giành huy chương đang ngày một xa vời và kịch bản không ai dám nghĩ tới là HAGL bị đẩy xuống nhóm trụ hạng đang ngày một có cơ sở. Tất nhiên, để HAGL lâm vào bức đường cùng ấy là điều khó xảy ra nhưng khoảng cách về điểm số với nhóm có nguy cơ ngày một thu hẹp cũng được coi là thất bại mang tính biểu tượng của đội bóng này.
Lúc này, câu hỏi “vì sao, thế nào” để một đội bóng như HAGL đánh mất cả cơ đồ có lẽ đã là quá muộn. Mọi thứ đã trở nên không thể cứu vãn khi mà cuộc khủng hoảng về phong độ, niềm tin và cảm hứng đã vượt qua giới hạn cho phép. Thế nhưng, nếu không giải quyết một cách ngọn ngành, có chiến lược, chiến thuật thì chắc chắn, đội bóng của bầu Đức sẽ khép lại giải đấu với thành tích đáng thất vọng. Khi ấy, sự sụp đổ có hệ thống sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực và điều dễ nhận thấy nhất chính là việc, đội bóng sẽ đánh mất thiện cảm với nhà tài trợ, dư luận, điều vô cùng quan trọng với HAGL thời điểm này.