Làn sóng tẩy chay
Nhà Glazer từng bị phản đối, tẩy chay khi thâu tóm M.U vào năm 2005 bằng cách thế chấp chính CLB này để vay nợ ngân hàng. Tuy nhiên, M.U ở thời điểm đó nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và gặt hái thành công vang dội trên mọi đấu trường. Đỉnh cao của họ là cú đúp Premier League và Champions League 2008.
Với hàng loạt danh hiệu lớn cùng các tân binh đắt giá liên tục tìm về Old Trafford, nhà Glazer nhanh chóng đẩy lùi sự bức xúc của người hâm mộ M.U. Sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013, M.U sa sút không phanh. Dù vậy, nhà Glazer vẫn đứng vững bằng cách rót tiền mua sắm không tiếc tay. Họ chứng minh mong muốn đưa CLB này trở lại đỉnh cao bằng các hợp đồng kỷ lục. Điều đó ít nhiều giữ vững vị trí của gia đình này, đặc biệt khi họ hiếm khi xuất hiện tại Old Trafford.
Vấn đề nằm ở chỗ, nhà Glazer không thể cứ chi tiền trong khi M.U vẫn chìm sâu vào khủng hoảng từ đời HLV này sang đời HLV khác. Sự quản lý kém cỏi, thờ ơ của các tỷ phú Mỹ dần dần được lột trần. Người hâm mộ M.U đã có sự dịch chuyển quan trọng về tâm lý. Từ chỗ đổi lỗi cho các HLV như David Moyes, Van Gaal, Mourinho hay Solskjaer, họ từng bước nhận ra sự tồi tệ của các cầu thủ, những kẻ tài năng không tương xứng với mức lương thưởng cao chót vót tại Old Trafford.
Dàn cầu thủ tồi tệ năm này qua năm khác là sản phẩm của hệ thống điều hành CLB không giống ai. Sau cùng, tất cả nhận ra rằng, nguyên nhân chính khiến M.U ngày càng vô vọng chính là các ông chủ người Mỹ.
Các cổ động viên M.U đã lên kế hoạch biểu tình ngoài Old Trafford trước trận đại chiến với Liverpool vào đầu tuần tới. Đây dự kiến chỉ là bước đầu cho làn sóng tẩy chay nhà Glazer, bắt đầu từ Anh và có thể lan rộng ra toàn cầu. Người hâm mộ M.U tin rằng đã đến lúc họ phải hành động quyết liệt để hất cẳng người Mỹ.
Đã đến lúc rút lui an toàn
Không rõ vô tình hay cố ý, nhà Glazer đã tung tin bán một phần cổ phiếu tối thiểu của M.U cho các nhà đầu tư khác. Một số thành viên của gia đình này bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với sức ép từ cộng đồng hâm mộ M.U và muốn dừng lại.
Vấn đề nằm ở chỗ, 2 anh em Joel và Avram Glazer không có ý định ra đi. Bộ đôi này vốn là những người trực tiếp điều hành M.U từ Mỹ, và không dễ để họ từ bỏ quyền lực, trừ khi một đề nghị khổng lồ xuất hiện.
Nếu các thành viên khác trong các anh em nhà Glazer quyết liệt, các nhà đầu tư lớn sẽ lập tức xuất hiện. Người giàu nhất nước Anh, Sir Jim Ratcliffe đã nhanh chóng bắn tin khi cảm nhận được sự lưỡng lự từ Mỹ.
Jim Ratcliffe sở hữu khối tài sản hơn 15 tỷ bảng. Ông từng hỏi mua Chelsea với 4 tỷ bảng nhưng không thành công. Tỷ phú 69 tuổi này sẵn sàng trả nhiều hơn 5 tỷ bảng – định giá của các chuyên gia tài chính để mua lại M.U, đội bóng ông vốn hâm mộ từ nhỏ.
Đàm phán với Jim Ratcliffe sẽ là lối thoát hoàn hảo cho nhà Glazer trong mớ bòng bong mà họ tạo ra. Bởi lẽ một lý do rất đơn giản, Jim Ratcliffe là người rất được lòng cộng đồng yêu mến M.U. Nhà Glazer sẽ không gây ra bất cứ điều tiếng nào khác nếu chấp nhận chuyển giao Quỷ đỏ cho tỷ phú người gốc Manchester này.
3 tập đoàn lớn sẵn sàng thâu tóm M.U
Danh tiếng khổng lồ giúp M.U được các đại gia săn đón. Trong những năm qua, rất nhiều tập đoàn chỉ chờ nhà Glazers rao bán M.U để đưa ra đề nghị chính thức. Theo nguồn tin của Independent, nhà Glazers đang trong quá trình tháo lui khỏi Old Trafford. Trong vòng 1 đến 2 năm tới, thương vụ mua bán lớn nhất lịch sử thể thao thế giới sẽ xảy ra, với ít nhất 3 tập đoàn lớn đang sẵn sàng đấu thầu giành quyền sở hữu M.U.