Bạn có ấn tượng gì về lối chơi của Chelsea xuyên suốt chiều dài tỷ phú Abramovich nắm quyền? Những cổ động viên trung niên có thể nghĩ ngay đến tập thể The Blues đoạt chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên dưới sự dẫn dắt của Jose Mourinho. Đó là một đội bóng được xây dựng với trục xương sống mạnh mẽ cùng một hàng thủ vững chãi, làm nền tảng cho thành công của CLB.
Nhưng, những cổ động viên trẻ trung hơn có thể lại ấn tượng với Chelsea của Antonio Conte – đội đã lên đỉnh Premier League 2016/17. Điểm nhận dạng của tập thể này là cặp hậu vệ cánh tốc độ, khả năng đoạt bóng vô song của N’Golo Kante cùng các pha kiến tạo đỉnh cao của Eden Hazard.
Vài năm trở lại đây, Chelsea theo đuổi phong cách thi đấu thiên về hướng kiểm soát thay vì phòng ngự phản công như trước. Maurizio Sarri, Frank Lampard và hiện tại là Thomas Tuchel đã và đang thực hiện điều này.
Vậy trong mắt các cổ động viên đối thủ thì sao? Điểm nhận dạng khó phai nhất về phong cách của Chelsea dưới kỷ nguyên Abramovich có lẽ được phô diễn qua hành trình đăng quang Champions League 2011/12: phòng ngự kiên cường, hàng tiền vệ thi đấu chăm chỉ và một hàng công sắc sảo được dẫn dắt bởi một trung phong lỳ lợm, giỏi tận dụng những cơ hội ít ỏi.
Nhìn chung, thành công của Chelsea dưới kỷ nguyên Abramovich được nhớ đến dưới nền tảng hàng thủ chắc chắn, kỷ luật. Dù vậy, đằng sau những vinh quang ấy không thể thiếu sự tiến hóa của hệ thống chiến thuật – một phần do các HLV và nhóm cầu thủ khác nhau thúc đẩy, một phần là do xu hướng phát triển, vận động không ngừng của môn thể thao vua.
Hãy bắt đầu với Chelsea của Mourinho. Cấu trúc tấn công của Mourinho đã thay đổi trong nửa đầu mùa 2004/05, chuyển từ sơ đồ 4-4-2 kim cương sang 4-3-3 khi Arjen Robben và Damien Duff lấy lại thể trạng tốt nhất vào mùa thu. Tuy nhiên, bộ khung phòng ngự vẫn không thay đổi: John Terry đá cặp với Ricardo Carvalho trong một khối thấp trước cầu môn của Petr Cech. Paulo Ferreira đảm nhận vai trò hậu vệ phải còn phía đối diện thường xuyên là sự hiện diện của William Gallas. Đôi cánh của Chelsea được Mourinho yêu cầu giữ vị trí thay vì dâng cao quá vạch giữa sân.
Dịch lên hàng tiền vệ, Claude Makelele đóng vai trò như tấm khiên che chắn cho bộ tứ vệ. Cựu danh thủ người Pháp thường là người đá tự do ở khu trung tuyến với sự phổ biến của sơ đồ 4-4-2 tại Ngoại hạng Anh thời điểm đó. Mourinho muốn 5 tiền vệ của mình luôn đứng sau trái bóng gần như mọi lúc trong tình huống mở, và khối này đã tạo nền tảng cho hệ thống phòng ngự siêu việt ở mùa giải vô địch Premier League đầu tiên của Chelsea, với kỷ lục chỉ thủng 15 bàn. 1 năm sau, số bàn thua của The Blues chỉ tăng chút ít, lên 22.
Phòng ngự chắc là vậy nhưng thành tích tấn công của Chelsea trong mùa đầu tiên dưới trướng Mourinho tương đối tẻ nhạt. Họ ghi 72 bàn ở mùa giải vô địch và chỉ 64 bàn ở mùa 2006/07 – mùa giải về nhì sau Man United. Nhìn chung, những khoảnh khắc ấn tượng nhất của Chelsea là kết quả của các pha chuyển đổi nhanh từ phòng ngự sang phản công, đặc biệt đến bởi những bước chạy thần tốc của Robben và Duff. Frank Lampard, người đá tiền vệ lệch trái – được Mourinho cho phép dâng cao tấn công đe dọa vòng 16m50 đối phương. Trong khi đó, Eidur Gudjohnsen thậm chí còn được bố trí đá tiền vệ lệch phải nhằm tăng thêm sự sáng tạo ở 1/3 cuối sân đối phương.
Dưới bàn tay của Mourinho, Chelsea đã biến thành một tập thể đặc biệt vững chắc, ùng nổ về mặt thể chất, có khả năng chịu áp lực từ đối thủ và chọn đúng thời điểm để hạ sát con mồi. Đây là phong cách đã được những người kế nhiệm Mourinho sau đó gồm Avram Grant, Luiz Felipe Scolari và Guus Hiddink duy trì, dẫu cho độ hiệu quả đã giảm sút đi đáng kể so với thời của “Người đặc biệt”.
Carlo Ancelotti được bổ nhiệm vào hè 2009 để xây dựng một đội chủ động hơn. Ông ưa thích sử dụng sơ đồ 4-4-2 kim cương trong nửa đầu mùa giải ra mắt The Blues song đã có một số điều chỉnh đáng kể, với Ashley Cole và Jose Bosingwa luôn trong tâm thế sẵn sàng dâng cao tấn công từ 2 biên, trong khi Florent Malouda được chơi tự do ở bên trái, hỗ trợ cho bộ ba Didier Drogba, Nicolas Anelka và Lampard phía trên.
Sự vắng mặt của Drogba vì AFCON trong hơn 1 tháng từ cuối tháng 12, cùng chấn thương nặng của Bosingwa, đã khiến Ancelotti chuyển sang sơ đồ lai tạp giữa 4-3-3 và 4-3-2-1 trong giai đoạn hai của mùa giải ấy. Joe Cole và Malouda thường xuyên dạt cánh, còn Lampard dâng cao từ vai trò truyền thống hơn của ông khi đá lệch trái ở hàng tiền vệ 3 người. Kết quả mà Chelsea thu về là ngoạn mục. Đội bóng của Ancelotti trở thành nhà vô địch Ngoại hạng Anh với kỷ lục 103 bàn thắng. Drogba và Lampard có mùa giải ghi bàn xuất sắc nhất sự nghiệp với lần lượt 29 và 22 pha lập công.
Ngoài ra, Ancelotti cũng đã thành công trong việc thay đổi khả năng kiểm soát bóng của Chelsea. Trái ngược với những gì xảy ra trước đó dưới kỷ nguyên Abramovich, Chelsea của mùa 2009/10 đã bắt đầu chơi với hàng thủ dâng cao hơn. Một phần nguyên nhân giải thích cho điều này là đội bóng của Ancelotti nói riêng và Chelsea nói chung từ năm 2008 đến 2013 có xu hướng bắt đầu kiểm soát bóng ở gần cầu môn của họ hơn thay vì các pha phất bóng dài truyền thống.
Khi được tái bổ nhiệm làm HLV trưởng Chelsea năm 2013, Jose Mourinho yêu thích sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với Cesar Azpilicueta và Branislav Ivanovic đảm nhận vai trò hậu vệ cánh mang thiên hướng phòng ngự. Ở hàng tiền vệ, Nemanja Matic gánh vác vai trò đánh chặn, dọn dẹp cho Cesc Fabregas. Hazard và Willian lần lượt ở hai cánh. Oscar được tin dùng hơn Juan Mata ở vị trí số 10 khi tiền vệ người Brazil có ý thức hỗ trợ phòng ngự. Trên hàng công, Diego Costa là mẫu trung phong có khả năng hoạt động độc lập tốt và tự tạo ra cơ hội cho mình.
Sau cú trượt dài ở cuộc thử nghiệm với Andre Villas-Boas, nhiệm kỳ có vinh quang nhưng ngắn ngủi của Roberto Di Matteo hay giai đoạn độc hại dưới thời Rafa Benitez, Mourinho đã giúp Chelsea khôi phục lại vị thế cũ, đó là CLB sở hữu hàng thủ tốt nhất Ngoại hạng Anh. Lối chơi của Chelsea thời kỳ này rất đặc trưng, đó là sử dụng các đường chuyền dọc sân nhằm tận dụng tốc độ và các pha xử lý khéo léo của Hazard cùng Willian.
Hàng công của Chelsea ghi nhận thành tích tương tự so với nhiệm kỳ đầu tiên Mourinho nắm quyền, đó là 71 bàn ở mùa 2013/14 và tăng lên 73 bàn ở hành trình tiến đến chức vô địch Premier League 2014/15. Costa là mối đe dọa đáng tin cậy nhất, song Hazard cũng có được sự tự do để phô diễn khả năng ở 1/3 cuối sân đối phương. Mỗi khi Hazard tấn công, Matic thường xuyên lui về bọc lót cho khoảng trống bên cánh trái mà ngôi sao người Bỉ bỏ lại.
Cấu trúc phòng ngự của Chelsea ở nhiệm kỳ hai của Mourinho tương tự cấu trúc mà Benitez xây dựng khi ông làm HLV tạm quyền trong phần lớn mùa 2012/13. Cụ thể, The Blues phòng ngự thấp, bó hẹp khi không có bóng, cho phép đối thủ thoải mái cầm bóng bên phần sân của mình lẫn ở cánh. Chelsea tự tin có thể hóa giải bất kỳ đường chuyền nào rót vào vòng cấm của họ. Sự tự tin ấy đã biến mất ở cơn ác mộng mùa giải 2015/16, khi Chelsea ghi nhận thành tích tệ thứ hai ở cả khâu ghi bàn (59 bàn) lẫn phòng ngự (53 bàn thua) trong kỷ nguyên Abramovich.
Conte là người được giao nhiệm vụ tái sinh Chelsea vào hè 2016, ông đã thành công khi đại tu cách tiếp cận chiến thuật của họ. Conte chọn sử dụng sơ đồ 4-3-3 cho The Blues, song thất bại bẽ bàng 0-3 dưới tay Arsenal hồi tháng 9 đã khiến chiến lược gia này đưa ra một quyết định thay đổi định mệnh: chuyển sang sơ đồ 3-4-3.
Hệ thống mới đã giúp Victor Moses lột xác ở vai trò hậu vệ phải. Phía dưới anh, Cesar Azpilicueta cũng bùng nổ ở vị trí trung vệ lệch phải. Ba bản hợp đồng quan trọng ở hè năm ấy cũng được tối đa hóa, với Marcos Alonso đá hậu vệ trái, Kante trở thành chiếc máy quét không biết mệt mỏi ở tuyến giữa, còn David Luiz năng động ở hàng thủ 3 người, được giao nhiệm vụ thực hiện các đường chuyền dài nhiều đột phá.
Chelsea dưới thời Conte đặt ra nhiều cạm bẫy khi đối thủ không kiểm soát bóng. Họ cố gắng đoạt bóng ngay bên phần sân đối thủ trước khi lùi xuống siết chặt phòng ngự thành một khối 5 người vững chãi. Khi có bóng, Chelsea tạo ra sự áp đảo về mặt quân số cho hàng thủ đối phương bằng cách đẩy Alonso và Moses lên 1/3 cuối sân để tạo ra hàng công 5 người, cho phép Hazard, Willian hoặc Pedro hoạt động nhiều hơn trong vai trò tiền đạo bên cạnh trung phong Costa thay vì dạt cánh.
Hiệu quả thu được là ngay tức thì và ngoạn mục. Chelsea thắng 13 trận Ngoại hạng Anh liên tiếp từ tháng 9 đến tháng 1, trong đó có thắng lợi 3-1 ấn tượng trước Man City của Pep Guardiola trên sân Etihad, và thực tế chốt hạ cuộc đua vô địch ngay trong mùa xuân năm 2017. Chelsea của Conte mùa 2016/17 ghi được 87 bàn, thành tích tốt nhất kể từ thời Ancelotti cách đó 7 năm, trong khi Costa và Hazard tìm lại mức phong độ đỉnh cao của mình thời Mourinho.
Sự hồi sinh của Hazard là một thành công đặc biệt quan trọng với Conte. Tuyển thủ Bỉ đã trải qua mùa giải 2015/16 thảm họa, khi anh phải vật lộn với chấn thương hông dai dẳng và không ghi nổi bàn nào tại Ngoại hạng Anh đến tận tháng 4. Nhìn chung, sự thịnh suy của Chelsea gắn liền với phong độ của Hazard trong suốt quãng thời gian tiền vệ tài hoa này cống hiến tại Stamford Bridge. Mourinho biến Hazard thành một cầu thủ chạy cánh và giảm gánh nặng phòng ngự, trong khi Conte tái sử dụng anh như một tiền đạo bởi phía sau anh đã có sự hậu thuẫn của hậu vệ cánh.
Maurizio Sarri đến, cố gắng gò bó Hazard vào hệ thống như thời ông dẫn dắt Napoli để rồi chuốc lấy thất bại. Nhiệm kỳ của Lampard khép lại với không ít dấu ấn nổi bật, song Chelsea chỉ thực sự lột xác dưới thời Tuchel. Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Tuchel trong 13 tháng qua là chuyển sự cân bằng sáng tạo của Chelsea từ cánh trái sang cánh phải, nơi mà phần lớn gánh nặng giờ đây thuộc về Reece James, khi hậu vệ này kết hợp với những Mason Mount, Callum Hudson-Odoi, Christian Pulisic và Hakim Ziyech để tạo ra các cơ hội cho đồng đội ở giữa sân.
Tuchel cũng biến Chelsea từ một đội bóng sở hữu hàng thủ lỏng lẻo thời Lampard thành một trong những CLB khó bị xuyên phá nhất châu Âu chỉ trong một đêm. Tuchel làm được điều đó bằng cách kết hợp nguyên tắc của Mourinho, đó là luôn giữ 5 cầu thủ phía sau bóng với lối chơi kiểm soát và áp sát hiện đại hơn, sử dụng các hậu vệ cánh dâng cao để tạo ra sự áp đảo về quân số cho hàng thủ đối phương theo cách tương tự Conte. Nếu không có sự xuất sắc chưng từng có và duy trì lâu dài của Man City, Chelsea có thể một lần nữa đã tiến gần tới chức vô địch Premier League.