Ngày 23/12/2015, Nguyễn Công Phượng chính thức ký hợp đồng gia nhập Mito Hollyhock theo dạng cho mượn có thời hạn 1 năm từ HAGL. Buổi lễ được tổ chức hoành tráng trong một khách sạn 5 sao tại TP.HCM và Phượng xuất hiện như một minh tinh điện ảnh. Chuyến xuất ngoại ấy được đặt kỳ vọng lớn khi Phượng được đánh giá hội đủ mọi yếu tố để thành công J.League 2.
Rốt cuộc sau 1 năm, Công Phượng đã phải rời Mito Hollyhock. Hành trang tại J.League 2 của Phượng vẻn vẹn chỉ 5 lần ra sân và không ghi được bàn thắng nào. Tiền đạo người Nghệ An trở lại thi đấu cho HAGL. Tới năm 2019, Công Phượng lại có thêm 2 chuyến xuất ngoại tới Hàn Quốc và Bỉ khi khoác áo Incheon United và Sint-Truiden theo dạng cho mượn nhưng cũng không thành công.
Những ngày tháng ở Nhật, hình ảnh đáng nhớ nhất của Công Phượng không phải trên sân mà đấy là chuyện anh đi phát tờ rơi ở ga tàu điện ngầm. Công Phượng từng nói, đấy không phải là vấn đề với anh. Quan trọng nhất là quãng thời gian ấy giúp anh trưởng thành hơn rất nhiều.
“Tôi cảm thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều sau một thời gian ở Nhật. Chẳng hạn như về ý thực tập luyện và thi đấu. Đặc biệt, tôi nhận thấy thể lực của mình hiện nay tốt hơn rất nhiều so với trước đây, bởi cường độ tập luyện và thi đấu ở Nhật rất cao”, Công Phượng từng chia sẻ.
Mới đây trên trang cá nhân của mình, Công Phượng viết một dòng cảm xúc với nội dung: “Trở lại Nhật Bản sau 6 năm”. Cái “tút” của Công Phượng cũng nhắc nhiều người nhớ đến Tuấn Anh, người đồng nghiệp của Phượng cũng từng có thời gian khoác áo CLB Yokohama ở J.League 2. Là một trong những tiền vệ tài năng của bóng đá Việt Nam nhưng khi sang chơi bóng ở một giải đấu chất lượng, có tính cạnh tranh cao như J.League 2, Tuấn Anh cũng phải trở lại HAGL với nỗi buồn khó tả.
Bản thân Tuấn Anh từng tiết lộ rằng, các ngoại binh, kể cả đến từ châu Á, nếu trình độ chuyên môn chỉ bằng cầu thủ của Nhật Bản, thì các HLV sẽ dùng các cầu thủ bản địa. Thực tế, nhìn vào đội hình của Yokohama ở thời điểm đó, hàng tiền vệ quá chật chội với 8-10 cầu thủ có thể chơi ở các vị trí khác nhau ở tuyến giữa. Trong số ấy, có cả ngoại binh và những cầu thủ Nhật giàu kinh nghiệm lẫn đang bước vào độ chín. Cho nên Tuấn Anh thất bại là điều được dự báo từ trước.
Sau khi rời J.League 2, Công Phượng và Tuấn Anh đã gặt hái những thành công khác nhau. HAGL từng cho biết, đôi ba lần các đội bóng Nhật Bản muốn mời 2 cầu thủ này trở lại nhưng bầu Đức đã từ chối. Đấy cũng là điều dễ hiểu vì chẳng ai muốn tắm hai lần trên một dòng sông, Công Phượng và Tuấn Anh cũng thế.
Từ những cú vấp tại Nhật, Tuấn Anh và Công Phượng thực sự đã có những bước tiến trong chuyên môn. Ở khía cạnh nào đó, sự thất bại của 2 ngôi sao đang khoác áo HAGL đã giúp cho những đồng nghiệp có thêm những bài học trên con đường xuất ngoại chơi bóng. Tới đây, nếu ra nước ngoài, Quang Hải hẳn cũng sẽ nằm lòng bài học từ 2 người đàn anh để không đi lại vết xe đổ.
Công Phượng và Tuấn Anh trở lại Nhật Bản với những ký ức đáng nhớ chứ không phải đáng quên. Không ai khác, chính họ góp phần đặt nền móng cho chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại và chính họ giúp người ta có đánh giá khách quan về năng lực chuyên môn của cầu thủ của 2 nền bóng đá. Ngày 29/3 tới đây, trên sân Saitama, chắc chắn, Công Phượng và Tuấn Anh rất muốn cho người Nhật thấy, chuyện 6 năm trước đã xưa rồi diễm.
Người hùng của Nhật Bản muốn ghi bàn vào lưới Việt Nam
“Bất kỳ cầu thủ nào cũng muốn có tên trong đội hình xuất phát và tôi cũng vậy. Tôi muốn ghi bàn trong trận đấu cuối cùng gặp Việt Nam. Tất nhiên, đá chính hay dự bị thì phải đặt lợi ích đội tuyển lên hàng đầu”, tiền đạo Kaoru Mitoma nói với phóng viên của tờ Soccer King. Cũng nhắc lại, nhờ 2 bàn thắng của “siêu dự bị” Mitoma, Nhật Bản đánh bại Australia 2-0. Kết quả này đã giúp đội bóng xứ mặt trời mọc giành vé tham dự World Cup 2022 dù vòng loại vẫn còn 1 vòng chưa đấu.
– App FPT Play: https://fptplay.vn/ung-dung/download
– YouTube: https://youtube.com/playlist?list=PL19gf5ZottsromUH6DXSiWV9v9xuCLDEn
– Website: https://fptplay.vn
– Fanpage: https://www.facebook.com/truyenhinhfptplayofficial