20 năm trước, Công an Hà Nội chuyển tên cho Hàng không Việt Nam. Một năm sau, đội bóng ấy cũng không còn. Nó được sáp nhập với ACB Hà Nội của bầu Kiên. Hai thập kỷ những người yêu mến bóng đá CAHN mất đi ngôi nhà thân thương của mình. Hai thập kỷ khán đài B sân Hàng Đẫy dù vẫn đông đúc nhưng không có được bầu không khí sục sôi, đặc sắc như khi cổ động viên CAHN xuất trận.
Hai thập kỷ, những chàng trai từng khóc, từng cười, từng vật vã với mầu áo CAHN đã trở thành các ông bố có tuổi. Có điều, sau hai thập kỷ, biết bao biến cố, thăng trầm, nhưng họ vẫn không thay đổi tình yêu, không chuyển đến đội bóng khác và khi có lệnh, cả khán đài đã được nhuộm đỏ như chưa từng có cuộc chia ly.
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”. Hôm qua, sân Hàng Đẫy đã bật bài hát đó của cố nhạc sỹ Trần Lập. Những ca từ dường như được viết ra dành cho CAHN và những người yêu mến họ. Hơn 20 năm sóng gió, tưởng chừng đã đánh mất giấc mơ của mình thì nay, những ai vẫn còn tin, vẫn còn yêu, vẫn còn đau đáu với màu áo CAHN thì đã có thể khóc, khóc vì hạnh phúc vì tình yêu của họ đã được đáp đền một cách hoàn hảo.
Sẽ còn mất nhiều thời gian, nhiều giấy mực để nói về ngày trở lại của biểu tượng một thời CAHN cũng như chiến công trong mùa giải này. Nhưng có một điều mà tất cả phải thừa nhận, để CAHN trở lại, để bóng đá Việt Nam có thêm một đội bóng có truyền thống, bản sắc, tham vọng là cả một chiến lược đầy tham vọng.
Có CAHN, bóng đá Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn. Có CAHN, các đội bóng Việt Nam sẽ áp lực hơn trong việc phải hoàn thiện chính mình. Hơn lúc nào hết, bóng đá cần những phép cộng, cần sự nỗ lực và hoàn thiện của cả hệ thống. Thêm một đội bóng mạnh là thêm hy vọng về động lực cho sự phát triển. Nhưng đó là câu chuyện của ngày mai, còn hôm nay, chủ nhân của chiếc Cúp vô địch chính là CAHN.
Một hành trình đáng nhớ đã khép lại với chính họ và cả V.League.