Từ việc bị quật cho tơi tả
Gary Neville, một cựu danh thủ MU, đã quan sát đống đổ nát điêu tàn ở trận thua nhục nhã 0-7 của MU trước Liverpool và không ngần ngại đổ lỗi tất lên đầu Bruno. “Tôi đã chán ngấy cái cảnh cậu ta vung tay vung chân vào các đồng đội của mình rồi. Cậu ta không chạy lại là đủ rồi, còn nhõng nhẽo với mọi người. Mắc mệt!”, Neville không kìm nén được cơn giận dữ tại trường quat Sky Sports, nơi phát sóng trực tiếp trận derby nước Anh một tuần trước.
->> Nhận định bóng đá MU vs Southampton, 21h00 ngày 12/3
Một biểu tượng khác của Quỷ đỏ thành Manchester, Roy Keane, cũng gật đầu đồng tình với quan điểm của người đồng đội cũ: “Ngôn ngữ cơ thể của Fernandes hôm nay thật đáng hổ thẹn… Nó chẳng biết thể hiện đúng chỗ chút nào”. Trên tờ Daily Mail, Chris Sutton hay gắt không kém: “Bruno Fernandes, hãy cúi đầu trước một trong những màn trình diễn tồi tệ nhất mà chúng ta từng chứng kiến từ một cầu thủ chơi bóng tại Premier League, mà lại còn từ một thủ quân… Thái độ này phù hợp hơn với một cậu nhóc”.
Có cả một danh sách dài về những “ngôn ngữ cơ thể” của Bruno, cho thấy tính nóng nẩy, hung hăng của tiền vệ người Bồ Đào Nha không chỉ mỗi khi MU thủng lưới, mà bất cứ khi nào một trong những pha tấn công của họ bị hỏng ăn.
Trận gặp Liverpool, hình ảnh Bruno ngã xuống ôm mặt một cách đáng xấu hổ khi bị hậu vệ Ibrakima Konate đẩy vào ngực là thí dụ điển hình. Hay pha huých lưng vào một trong những trợ lý trọng tài khi anh cố gắng lấy bóng để thực hiện quả ném biên. Nhiều người cho rằng, hai hành động này của Bruno xứng đáng bị thẻ phạt.
Hay thái độ của Bruno khi anh được yêu cầu ra nghỉ sau bàn thua thứ 6. Rồi chính các đồng đội của Bruno cũng đang đặt ra câu hỏi liệu anh có thực sự xứng đáng với tấm băng thủ quân của Quỷ đỏ hay không và những hoài nghi này đã xuất hiện trước cả khi anh thi đấu tồi tệ ở Anfield.
Đến “nguồn cảm hứng của toàn đội”
Rõ ràng, trận thua tồi tệ nhất mọi thời đại của MU trước Liverpool là thất bại của cả một tập thể. Nhưng, Bruno lại trở thành vật tế thần. Bất cứ ai, bất cứ nhân vật nào cũng chỉ nêu ra một cái tên mà họ cho rằng tệ nhất trên sân-Bruno. Trừ một người. Ông chính là Erik Ten Hag, người duy nhất không chỉ trích bất cứ cá nhân nào, không nhắm vào bất cứ ai.
–> Xem trực tiếp trận MU vs Southampton ở đâu?
Bởi nhà cầm quân người Hà Lan hiểu rằng Bruno không phải một “bad boy”, mà là một “con ngựa hoang” nếu thuần phục được thì nó sẽ trở thành một chiến thần đích thực trên sân. Ten Hag công khai xác nhận rằng Bruno tiếp tục mang băng đội trưởng MU khi Harry Maguire không thi đấu trên sân. Thậm chí, còn nhất mạnh rằng chính anh là nguồn cảm hứng cho toàn đội.
Ở tuổi 28, Bruno là một trong những người thi đấu xuất sắc nhất cho MU kể từ sau khi chia tay Sporting Lisbon với giá 67 triệu bảng để đến Old Trafford vào tháng 1/2020. Anh đã ghi 58 bàn và kiến tạo 51 lần sau 167 trận và là một trong những ánh sáng chói lọi trong những ngày đen tối nhất dưới thời của HLV tiền nhiệm Ole Gunnar Solskjaer.
Ten Hag nhanh chóng đánh giá cao những phẩm chất của anh với tư cách là một cầu thủ cũng như một thủ lĩnh trên sân khi tiếp quản chiếc ghế nóng của MU vào Hè 2022. Trong con mắt nhà cầm quân người Hà Lan, không ai sáng giá hơn Bruno trong vai trò của một thủ quân khi Maguire rời Nhà hát của những giấc mơ trong mùa Hè này.
Tất nhiên, tài năng của Bruno là không thể phủ nhận. Nhưng song hành với nó là một cầu thủ nóng nảy, hung hăng và những biểu hiện tiêu cực ấy lại diễn ra quá thường xuyên, đôi khi vượt quá sự cho phép đối với một thủ lĩnh. Giống như ông thầy, Bruno cũng thẳng tính, không ngại chỉ thẳng vào sai lầm của các đồng đội để tìm ra hướng đi đúng đắn nhất cho cả đội.
“Tôi thích chơi cạnh Bruno. Với một tiền đạo như tôi, anh ấy là một cầu thủ hoàn hảo để song hành. Bruno là một thủ lĩnh của chung tôi ngay cả khi anh ấy không mang băng đội trưởng. Anh ấy giúp các cầu thủ khác trở thành những thủ lĩnh tốt trên sân”, tiền đạo Marcus Rashford ca ngợi người đồng đội.
Và nguyên nhân của cá tính nóng nảy, hung hăng
Người ta vẫn chưa thể quên pha va chạm trên sân với Antony của Bruno trong trận hòa Crystal Palace. Anh dùng tay ra hiệu về nơi lẽ ra Antony phải chạy, làm dấy lên một cuộc tranh cãi nảy lửa, mà đỉnh điểm là việc cầu thủ người Brazil gọi Bruno là “kẻ khốn nạn” bằng tiếng Bồ Đào Nha. Lúc còn chơi cho Sporting Lisbon, anh từng là trung tâm của cuộc tranh cãi khi một đoạn ghi âm WhatsApp của anh nói về đồng đội bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
“Một số cầu thủ không muốn chiến đấu và không muốn ở đây nữa. Vậy, họ có thể biến đi”, Bruno nói trong đoạn ghi âm đó. Nhưng hầu hết các thành viên của Sporting Lisbon lại ủng hộ anh. Sau đó còn có một đoạn băng ghi hình cho thấy Bruno đập phá hai cánh cửa phòng thay đồ ở đội bóng cũ Boavista sau khi anh bị đuổi khỏi sân trong một trận đấu.
Khi một nhân viên an ninh can thiệp, anh hét lớn: “Tôi sẽ trả tiền cho những cánh cửa chết tiệt này!”. Đó cũng là thời điểm anh thất vọng vì không thể đến MU hoặc Tottenham (Hè 2019).
Song, sự tức giận, nóng nảy và hung hăng của Bruno có thể bắt nguồn từ quá trình được nuôi dạy rất hà khắc ở Bồ Đào Nha. Trong mắt các HLV của Bruno từng làm việc với anh khi còn nhỏ, anh đích thực là một “chú ngựa hoang”. Xuất thân nghèo khó ở thành phố công nghiệp Maia có cha làm việc trong nhà máy dệt, mẹ làm công việc nội trợ; ba anh chị em Bruno lớn lên trong hoàn cảnh tiền bạc eo hẹp.
Là một người nhút nhát bên ngoài sân cỏ, nhưng Bruno lại nóng nảy, máu lửa trên sân, là ngựa hoang, là một kẻ nổi loạn. “Cậu ấy học chơi bóng trên đường phố. Cách đá, tính cách, ngôn ngữ của Bruno đều đến từ đường phố”, Antonio Peres, HLV U15 của anh tại Pasteleira cho biết trên Sportsmail vào năm 2020.
Tinh thần không bỏ cuộc
Vì phải cạnh tranh khốc liệt cho các vị trí, nên Bruno ra sức tập luyện để có thể vượt lên dẫn đầu. “Đôi khi Bruno đánh nhau với các đồng đội khi họ có thái độ tập luyện không đúng nên tôi phải đuổi cậu ấy ra khỏi buổi tập để hạ hỏa. Bruno muốn trở thành cầu thủ hàng đầu để có cuộc sống tốt hơn vì gia đình nghèo. Cậu ấy gặp khó khăn đến mấy cũng không bao giờ bỏ cuộc”, ông Peres chia sẻ thêm.
Cũng ít ai biết được rằng khi đến Novara (Italia) năm 2012 ở tuổi 17, Bruno không hề biết một chữ tiếng Ý nào. Vì không biết tiếng, nên hợp đồng cũng không đọc được khiến anh không nhận được bất cứ khoản lương nào trong hơn nửa mùa giải đầu tại đây.
“Từ tháng 6/2012 đến tháng 2/2013, tôi chỉ có vỏn vẹn 50 euro mà mẹ cho khi tôi rời Bồ Đào Nha. Đến Novara, không quen biết bất cứ ai, không nói được ngôn ngữ, không ai có thể dịch cho mình hiểu những gì phải làm, điều đó thật khó khăn”, Bruno nhớ lại trên tờ Record của Bồ Đào Nha.
Nhưng thật ấn tượng, Bruno học tiếng Ý rất nhanh. Trong vòng một tháng anh đã giao tiếp thông thường bằng cách dán các mẩu giấy ghi chú trong khắp căn hộ của mình. Bruno không chấp nhận thất bại ngay cả trong các trận đấu tập. Đôi khi, người ta phải kéo anh ra khỏi sân tập, không phải vì bản thân anh, mà để ngăn cản anh khiến các đồng đội kiệt sức.
Bruno là một người mạnh mẽ, luôn hướng bản thân tới những tiêu chuẩn cao hơn, để đi đến cái đích cuối cùng: cầu thủ xuất sắc. Vì vậy, tâm lý chiến thắng bằng mọi giá đã ăn sâu vào tiềm thức. Chính Bruno từng giải thích về tâm lý chiến thắng của mình trong trận derby Manchester hồi tháng 1/2023.
“Ngay cả tôi cũng đi quá giới hạn. Đó là cách đôi khi tôi cảm thấy mình sống sót trong trận đấu. Chính niềm đam mê của tôi với trận đấu đã khiến tôi đi quá giới hạn. Đôi khi tôi không thể kiểm soát được điều đó”, Bruno chia sẻ. Rõ ràng, xuất thân nghèo khó và những năm tháng được trui rèn khổ cực ở Bồ Đào Nha đã hình thành cá tính và sự hung hăng của Bruno cũng như nghị lực vượt lên nghịch cảnh.