Theo điều lệ, 6 đội đứng nhất nhì ở 3 bảng cùng 2 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất sẽ giành quyền vào tứ kết. Rơi vào bảng C với các đối thủ mạnh là Hàn Quốc và Nhật Bản, ĐT nữ Việt Nam chỉ hy vọng cạnh tranh vị trí thứ ba với Myanmar. Tuy nhiên, trước giờ xung trận giới chuyên môn đều có chung nhận định rằng ngay cả khi thầy trò ông Mai Đức Chung chiến thắng trước đối thủ cùng khu vực thì việc giành vé vào vòng knock-out vẫn không dễ dàng, bởi còn một lực cản nữa là hiệu số bàn thắng-bại. Với 2 đối thủ mạnh trên nên ĐT nữ Việt Nam khó tránh những trận thua đậm và tất nhiên, chúng ta cũng không dễ thắng đậm Myanmar.
Tuy nhiên, cục diện cuộc đua tranh 2 suất vé vớt của nhóm 3 đội đứng thứ ba đang rộng mở hơn cho ĐT Việt Nam. Lý do là ở lượt trận đầu tiên, Ấn Độ và Iran tại bảng A bất phân thắng bại. Ở bảng này, Trung Quốc đánh bại Đài Bắc Trung Hoa với tỷ số 4-0. Theo phân tích, Trung Quốc chắc chắn nhất bảng A. Vé nhì bảng khó vuột khỏi tay Đài Bắc Trung Hoa. Với trình độ và đẳng cấp vượt trội nên cả Trung Quốc lẫn Đài Bắc Trung Hoa nhiều khả năng sẽ giành trọn 6 điểm trước Ấn Độ và Iran trong 2 lượt trận tới. Nếu điều này xảy ra, đội đứng thứ ba bảng A sẽ chỉ có 1 điểm. Cũng cần nói thêm, ĐT nữ Việt Nam chỉ trông chờ vào bảng A, bởi đội đứng thứ ba ở bảng B (nhiều khả năng là Thái Lan) sẽ có 3 điểm và gần như chắc chắn có hiệu số bàn thắng-bại rất lớn khi trong bảng có một Indonesia quá yếu nếu nhìn vào thất bại 0-18 của họ trước Australia.
Do VCK Asian Cup 2022 chỉ có 3 bảng, nhưng có 2 suất cho đội đứng thứ ba có thành tích tốt đi tiếp nên sau khi Ấn Độ và Iran tự triệt tiêu điểm của nhau ở bảng A, cơ hội lớn hơn đã mở ra cho ĐT nữ Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ nữa là ĐT nữ Việt Nam giành ít nhất một trận thắng. Hẳn nhiên, thầy trò ông Mai Đức Chung không thể đặt mục tiêu ấy trước Nhật Bản, bởi đây là đội bóng hàng đầu châu lục, mạnh hơn cả Hàn Quốc và từng vô địch World Cup. Mục tiêu của ĐT nữ Việt Nam là quyết chiến với Myanmar trong lượt trận cuối để hướng đến 3 điểm. Như đã phân tích, một khi đội đứng thứ ba bảng A chỉ có 1 điểm sau vòng bảng thì đoàn quân ông Mai Đức Chung cũng chỉ cần thắng Myanmar là đủ mà không cần phải thắng đậm.
Với cục diện ấy nên BHL ĐT nữ Việt Nam chắc chắc phải tính toán. Như đã biết, khoảng 2/3 cầu thủ của chúng ta vừa dính Covid-19 nên không thể tập luyện trong một thời gian dài. Thế nên, việc cân nhắc để không phải bung sức trước Nhật Bản mà cần dưỡng sức cho trận gặp Myanmar ở lượt cuối là hết sức cần thiết. Thuận lợi cho ĐT nữ Việt Nam là thi đấu sau bảng A (và cả bảng B) nên cho phép những tính toán có lợi cho mình. Chắc chắn, Myanmar cũng có những tính toán riêng sau khi nhận thấy cơ hội cho đội đứng thứ ba ở bảng C đã hé mở hơn.
Khó có bất ngờ ở bảng A
ĐT nữ Iran đã ít nhiều tạo cảm giác bất ngờ khi cầm chân Ấn Độ ở lượt trận đầu của bảng A. Tuy nhiên, đội bóng Tây Á khó lòng tránh khỏi trận thua đậm trước một Trung Quốc có trình độ và đẳng cấp vượt trội. Trong lúc đó, Ấn Độ chắc chắn phải tận dụng lợi thế sân nhà để hy vọng giành chiến thắng trước Đài Bắc Trung Hoa. Dù vậy, năng lực của đội chủ nhà không thể sánh bằng một Đài Bắc Trung Hoa có truyền thống bóng đá nữ từ lâu và là đội bóng trung bình khá của châu Á. Nói cách khác, Đài Bắc Trung Hoa được đánh giá nhỉnh hơn so với Ấn Độ nên không nhiều hy vọng cho chủ nhà có điểm.
LỊCH THI ĐẤU NGÀY 23/1
17h00: Iran – Trung Quốc
21h00: Ấn Độ – Đài Bắc Trung Hoa