Các CLB, người đại diện lẫn cổ động viên đều mất hàng tuần ngóng đợi thông tin chi tiết trong bản hợp đồng với cầu thủ. Vậy hợp đồng ở Premier League có những gì bên cạnh những thứ như tiền lương, tiền thưởng và phí lót tay? Mọi thứ đều được liệt kê rõ ràng và cụ thể.
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Cấu trúc
Về cơ bản, hợp đồng cầu thủ ở Premier League sử dụng một mẫu chung và không có gì khác biệt giữa các cá nhân. Một siêu sao trị giá hàng chục triệu bảng Anh đầu quân cho CLB mới trong ngày cuối kỳ chuyển nhượng cũng có giao kèo tương tự những cầu thủ mới nổi ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu đời. Mẫu hợp đồng này được gọi bằng thuật ngữ “mẫu 15”, dài 14 trang.
Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, hợp đồng cầu thủ Premier League đều là những bản in được chuẩn bị sẵn. Những con số như tiền lương, tiền thưởng… đều được đánh máy và chỉ cần đôi bên ký tên thỏa thuận. Đính kèm “mẫu 15” là hàng loạt các tài liệu phụ lục liên quan đến các khoản phụ phí. Đó chủ yếu là các điều kiện được cầu thủ và người đại diện thêm vào.
Phần quan trọng nhất
Trong quá trình mua bán cầu thủ, đặc biệt với những bản hợp đồng bom tấn, hợp đồng thường chỉ mang tính chất thủ tục cuối cùng sau khi các bên đã đạt được thỏa thuận chung. Vì thế, phần quan trọng nhất của hợp đồng đã được chốt trước khi cầu thủ ký vào: Tiền lương theo tuần. Một yếu tố khác được giới đại diện cầu thủ lưu ý tới là độ dài của bản hợp đồng.
“Trên cương vị những người đảm bảo quyền lợi cho thân chủ, chúng tôi muốn hợp đồng có càng nhiều điều khoản thêm vào càng tốt”, một người đại diện có tiếng ở Premier League chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, những điều khoản này còn được thỏa thuận trước cả mức tiền lương cơ bản của cầu thủ. Gần đây, những người đại diện muốn đưa vào điều khoản “thưởng trung thành”.
Các CLB cho và nhận gì?
20 đội bóng ở Premier League đều dư dả nguồn thu, thế nên họ không ngại đưa vào hợp đồng mọi tiện ích cho cầu thủ trong thời gian họ đang thi đấu. Bù lại, cầu thủ phải phục vụ các hoạt động cộng đồng, quảng cáo… của CLB khoảng 6 giờ mỗi tuần. Một tiện ích khác CLB cam kết dành cho cầu thủ trong hợp đồng là cấp xe ô tô riêng.
Phức tạp ở đâu?
Trong thời buổi những tay “cò” cầu thủ lên ngôi, hợp đồng cầu thủ còn có thêm một điều khoản liên quan đến phí người đại diện. Khoản phí này thường tương đương 5% phí chuyển nhượng hoặc tiền lương cầu thủ, nhưng tùy vào từng thời điểm, con số sẽ tăng lên. Bù lại, CLB sẽ thêm vào điều khoản cho phép họ thanh lý hợp đồng nếu cầu thủ vi phạm pháp luật và ngồi tù quá 3 tháng.
Một trong những xu hướng được CLB sử dụng gần đây khi ký hợp đồng là quyền lựa chọn gia hạn hợp đồng thêm 1 năm. Người đại diện không thích điều này, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Ở chiều ngược lại, cầu thủ lại muốn có điều khoản này nếu họ thi đấu thường xuyên ở Premier League từ 2 mùa giải liên tiếp trở lên.
Lót tay và thưởng
Ngoài tiền lương, người đại diện còn gài thêm nhiều điều khoản thưởng nếu cầu thủ thi đấu đủ số trận như cam kết, ghi nhiều bàn thắng, hoặc có lần đầu khoác áo đội tuyển quốc gia. Đây thực chất chỉ là khoản tiền nhỏ bên cạnh mức lương cầu thủ được nhận, nhưng với bản chất “thêm bao nhiêu hay bấy nhiêu” của người đại diện, họ muốn thu về càng nhiều càng tốt.
Với những cầu thủ mới nổi đầu quân cho các CLB nhỏ hoặc tầm trung, người đại diện còn muốn có thêm điều khoản phá vỡ hợp đồng. Điều này cho phép một CLB muốn mua cầu thủ đó trả tiền chiêu mộ ngay cả khi đội bóng chủ quản không đồng ý. Đó là cách MU đã dùng để chiêu mộ Ander Herrera từ Bilbao trong hè 2014.
Một khoản phí khác CLB không thích đưa vào là tiền lót tay cho cầu thủ. Nếu làm việc này, đội bóng sẽ phải trả trước tiền thay vì trả dần vào tiền lương cho ngôi sao họ chiêu mộ. Thế nên CLB thích bỏ phí lót tay và thay bằng phí trung thành, bởi họ chỉ cần trả vào cuối mùa giải.