Khi giành vé thăng hạng V.League 2017, TP.HCM gây sốc khi quyết định bổ nhiệm cựu cầu thủ Lê Công Vinh làm Chủ tịch CLB. Giới thạo tin cho rằng lúc đó, Công Vinh đã nhận được lời mời “nặng ký” nên anh quyết định treo giày ở tuổi 32 để chuyển sang làm công tác quản lý. Trên thực tế, thời điểm đó, Công Vinh cũng đứng trước nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp nhưng anh vẫn dấn thân, quyết theo đuổi cái ghế Chủ tịch mà đội bóng TP.HCM dành cho anh. Việc Công Vinh trở thành Chủ tịch CLB là điều khá sốc trong giới bóng đá bởi rất ít khi các ông chủ của các đội bóng Việt Nam lại đi thuê người làm Chủ tịch CLB.
Nói thế là bởi thông thường, các ông bầu chỉ thuê HLV trưởng, GĐĐH chứ ít khi thuê người về làm Chủ tịch đội bóng. Đội TP.HCM bắt đầu có những thay đổi lớn, sau mùa giải đầu tiên trụ hạng ở V.League và sau khi Lê Công Vinh rời ghế Chủ tịch, đội bóng này đã bổ nhiệm cựu HLV ĐT Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng về làm người đứng đầu đội bóng.
Đặc biệt trước mùa giải 2020, GĐĐH mới của TP.HCM lại là 1 gương mặt quá quen thuộc của của thị trường chuyển nhượng cầu thủ ngoại tại V.League. Và đặc biệt, vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng được giao thêm nhiệm vụ ngồi ghế GĐ ĐH và giọt nước tràn ly là sau trận thua 0-2 trước Sài Gòn, ông Thắng và HLV Trương Việt Hoàng đồng loạt chia tay đội bóng.
Tính ra từ lúc trở lại V.League từ 2017 đến nay thì họ đã có 2 lần thay vị trí Chủ tịch CLB, GĐĐH. Đây là sự bất ổn lớn và tới đây sẽ có người thay thế ông Nguyễn Hữu Thắng. Ở môi trường V.League, thường thì các đội chỉ thay HLV trưởng chứ ít khi đổi vị trí đứng đầu ở CLB, nhưng TP.HCM lại làm điều ngược lại.
Đó là chưa kể, trong 5 năm qua, TP.HCM đã có đến 5 HLV trưởng cứ đến rồi đi từ Toshiya Miura, Chung Hae Seong, Alexandre Polking, Trần Minh Chiến, Trương Việt Hoàng. Thậm chí HLV Chung Hae Seong còn có đến 2 lần từ chức rồi lại được bổ nhiệm để dẫn dắt TP.HCM. Việc thay đổi HLV trưởng liên tục khiến cho TP.HCM không có sự ổn định về lối chơi và gần như mùa giải nào họ cũng phải bắt đầu lại từ đầu việc làm quen với giáo án, chiến thuật mới của các tân HLV trưởng.
Đặc biệt, ở V.League, TP.HCM là cái tên quen thuộc trong mỗi kỳ chuyển nhượng cầu thủ. Tính ra, trung bình mỗi mùa giải, TP.HCM thay đổi đến 6-7 ngoại binh nhưng đều có mẫu số chung đó là sự kém hiệu quả. Thậm chí, mùa 2020, TP.HCM đưa 2 cầu thủ được giới thiệu là tuyển thủ của ĐTQG Costa Rica là Jose Ortiz và Ariel Rodriguez nhưng đều không thể thi đấu đem lại hiệu quả cao. Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM quá phí phạm về việc chi tiêu, mua sắm các ngoại binh, thậm chí còn đặt dấu hỏi lớn về khả năng thẩm định năng lực các “ông Tây” từ các bộ phận “săn đầu người” của đội bóng chủ sân Thống Nhất.
TP.HCM bất ổn từ khâu tổ chức, quản trị, đến ghế lái trưởng cũng như việc mua sắm ngoại binh và bây giờ cái giá họ phải trả đó là sự thụt lùi về thành tích. Nguy hiểm hơn, lúc này TP.HCM còn đối mặt với khả năng rớt hạng sau 5 năm “sinh sống” ở V.League.