Cuối năm 2022, làng bóng đá Việt Nam xôn xao khi Công ty CP Bình Định – nơi quản lý CLB bóng đá Bình Định có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết đang gánh khoản nợ lên đến 38,5 tỷ đồng, trong đó có 20 tỷ đồng là nợ các khoản phí và thưởng các trận thắng, cũng như các khoản thưởng thành tích cuối mùa giải 2022. Đồng thời phía Công ty này đề nghị lãnh đạo tỉnh hỗ trợ 15 tỷ đồng từ ngân sách hoặc kêu gọi các đơn vị tài trợ khác để chi khen thưởng. Chưa kể, Công ty CP Bình Định còn đề nghị tỉnh Bình Định vận động thêm các nhà tài trợ khác chung tay hỗ trợ 50% kinh phí hoạt động đội bóng trong mùa giải 2023. Trong trường hợp đội bóng không nhận được sự hỗ trợ từ phía tỉnh thì khả năng xấu nhất trong mùa tới có thể xảy ra, tức rơi vào giải thể.
Tuy nhiên, ngay sau đó đơn vị tài trợ lại có công văn cam kết: “Trong bối cảnh khó khăn chung, chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì nguồn kinh phí cho đội bóng, đảm bảo thu nhập cho các cầu thủ và ban huấn luyện, giúp đội bóng an tâm cống hiến xuyên suốt mùa giải 2023. Với tư cách là nhà tài trợ chính cho CLB bóng đá Bình Định, TopenLand và các nhà tài trợ khác khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tài trợ theo đúng cam kết”.
Chỉ trong thời gian ngắn mà có đến 2 văn bản theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khiến những người làm bóng đá hoang mang. Ngay chính các cầu thủ Bình Định cũng chưa biết tương lai ra sao khi nhiều khoản tiền lương, thưởng và cả phí lót tay của mùa giải 2022 chưa được giải quyết ổn thoả. Dẫu vậy, vấn đề này không làm những người hiểu chuyện của bóng đá Việt Nam bất ngờ, bởi thời gian qua những khó khăn về kinh tế đã khiến nhiều nhà tài trợ của bóng đá Việt Nam lao đao, đặc biệt là những nhà tài trợ thuộc lĩnh vực bất động sản.
Vậy nên, những người yêu bóng đá nước nhà không thể không lo lắng, đặc biệt là từ một đội bóng nhà giàu và từng làm mưa làm gió trên thị trường chuyển nhượng như Bình Định, giờ lâm vào cảnh khó, thậm chí có nguy cơ phải giải thể. Tuy nhiên, trước cam kết của nhà tài trợ nên sau khi tham dự giải Tứ hùng từ Đà Lạt trở về, lãnh đạo CLB Bình Định đã có buổi họp với tất cả các thành viên của đội. Theo đó, những khoản nợ lương, thưởng cùng phí lót tay (nếu có) sẽ được giải quyết trước Tết Nguyên đán 2023, nhằm giúp thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng có thể yên tâm bước vào mùa giải mới. Chưa kể, ngay trước khi di chuyển vào Bình Dương tham dự giải giao hữu Thiên Long, tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ mừng công tấm HCĐ V.League và HCB Cúp QG 2022 cho đội bóng đất Võ.
Sau mùa giải 2022 tạo địa chấn trên thị trường chuyển nhượng, hướng đến mùa giải 2023, Bình Định cho khá nhiều cầu thủ ra đi như Xuân Nam, Văn Trung, Ngọc Mạnh, Hữu An, Tiến Anh, Hữu Quý, Viết Triều, Văn Trâm, nhưng chỉ lấy về 3 cái tên đáng chú ý là tiền vệ Cao Văn Triền, hậu vệ Nguyễn Công Thành và chân sút ngoại Omladic Nik. Sở dĩ thế, vì đội hình Bình Định hiện đang ổn, nên họ chỉ lấy thêm những gương mặt cần thiết. “Điều quan trọng tôi hướng đến là một đội bóng với lối chơi xuyên suốt và ổn định, Bình Định đang hướng đến điều ấy”, HLV Đức Thắng chia sẻ.
Giành HCĐ ở V.League 2022, lẽ đương nhiên mục tiêu của CLB Bình Định là thứ hạng cao hơn, thậm chí hướng đến chức vô địch của mùa giải 2023. Vì như chính lãnh đạo CLB Bình Định chia sẻ: “Dẫu đội bóng có khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn luôn nỗ lực hết sức để giành được thành tích tốt nhất. Đấy cũng là cách chúng tôi chia sẻ và đồng hành cùng những nhà tài trợ”.
Tấn Sinh đầu quân cho CAHN
Cựu tuyển thủ U23 Việt Nam là Huỳnh Tấn Sinh (ảnh) đã đầu quân cho CAHN, tân binh ở V.League. Để khoác áo CAHN, Tấn Sinh đã chấp nhận đền bù 500 triệu đồng cho Quảng Nam, vì hợp đồng đào tạo trẻ của anh ở đội bóng này đến tháng 4/2023 mới kết thúc. Hợp đồng của Tấn Sinh với CAHN được ký 2 năm, với khoản thù lao khá hậu hĩnh. Tuy nhiên, quan trọng là Tấn Sinh muốn được ra sân và chơi bóng ở V.League, điều mà Quảng Nam hiện không thể giúp anh khi đang đá ở giải hạng Nhất.