Vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua, tập đoàn Elliott Management đã hoàn tất việc sang nhượng quyền sở hữu Milan cho quỹ đầu tư RedBird của Mỹ. Cái giá được đưa ra là 1,2 tỉ euro. Trước đó, con số mà nhà tài phiệt người Mỹ Todd Boehly và các đối tác bỏ ra để trở thành chủ sở hữu mới của Chelsea là 4,9 tỷ euro – gấp 4 lần con số RedBird mua Milan. Ở đây nếu dùng tiền bạc mà đánh giá thì Chelsea đang hơn hẳn Milan lúc này về tầm vóc, sức hút, tiền bạc và cả thương hiệu. Họ chỉ thua Milan cái mà ai cũng biết là cái gì đấy – lịch sử.
Gerry Cardinale, ông chủ mới của Milan cũng hiểu điều đó, và khi mua lại CLB này, Cardinale đã miêu tả Milan là “gã khổng lồ đang say giấc”. Bản thân ông cũng nhận ra vấn đề của Milan nói riêng và tất cả các CLB Ý nói chung khiến cho doanh thu các CLB Serie A thấp hơn của Premier League hơn 3 tỷ euro, đó chính là hệ thống hạ tầng. Làm gì có chuyện một CLB lớn như Milan lại đi chung sân với Inter (một CLB cũng lớn không kém), và sân thì thuộc quyền sở hữu của địa phương? Đấy là thứ mô hình của thập niên 80 và của bao cấp, không phải nền kinh tế thị trường và một nền bóng đá công nghiệp thay đổi và nhanh nhạy như lúc này. “AC Milan cần có cơ sở hạ tầng thể hiện đẳng cấp CLB. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm với các dự án sân vận động ở Mỹ. Milan và Italy xứng đáng có một sân vận động mới, là nơi có thể tổ chức những sự kiện thể thao và giải trí quy mô toàn cầu” (lời CEO Cardinale).
Xây dựng cơ sở hạ tầng là tư duy của người Mỹ. Bản thân Boehly khi mua LA Dodgers vào năm 2012 cũng vậy, ngoài số tiền bỏ ra để sở hữu, ông còn bỏ thêm 1 tỷ USD để nâng cấp sân vận động, hoàn thiện trung tâm huấn luyện và các cơ sở vật chất khác, kể cả bãi đỗ xe. Bộ mặt có thay đổi thì dòng tiền mới tìm đến. Hệ thống có hoàn thiện, thì các vấn đề khác mới dễ dàng chạy. Đấy là cách làm của người Mỹ. Ở Chelsea, Roman Abramovich đã làm gần như toàn bộ nên Boehly không cần phải bỏ nhiều tiền cho hạ tầng, thay vào đó ông tập trung ở thượng tầng với một loạt sự thay đổi nhân sự, đi kèm đó là tiêu tốn hơn 300 triệu euro cho mua sắm cầu thủ. Tuy nhiên không phải vì vậy mà Boehly quên cái cần làm, cụ thể là cam kết sẽ phát triển công nghệ và khoa học thể thao để hỗ trợ các cầu thủ cũng như bộ phận thương mại của CLB Chelsea.
Châu Âu hôm nay đang bắt đầu chứng kiến cuộc chơi của những ông chủ Mỹ. Những người với kinh nghiệm trong việc điều hành và xây dựng các doanh nghiệp thể thao toàn cầu, đang lấn sân và đảm bảo những bước tiến đặc biệt của bóng đá tại châu Âu. Hình như tôi thấy thấp thoáng Super League?