Phiên chợ hè 2021 đã khép lại với những thương vụ chuyển nhượng đột phá như của Leo Messi và Cristiano Ronaldo. Tuy nhiên, cũng có không ít vụ mua sắm hoảng loạn, đặc biệt là trong ngày cuối cùng.
Danh sách chuyển nhượng Hè 2021
Barca phải đợi đến buổi sáng hôm sau ngày cuối chuyển nhượng mới công bố số áo chính thức dùng trong mùa 2021/22. Vì sao? Vì họ chẳng hề có sự chắc chắn nào về mặt nhân sự ngay cả trước đó vài tiếng đồng hồ.
Trong ngày định mệnh đó, Barca đã trả Antoine Griezmann về lại Atletico Madrid theo dạng cho mượn, trước khi cũng mượn Luuk de Jong của Sevilla. Bộ mặt hàng công của đội chủ sân Camp Nou thay đổi chóng mặt theo chiều xoay của kim đồng hồ.
Cule chẳng bao giờ thích Griezmann nhưng họ cũng không hồ hởi hơn khi nhận ngược về một tiền đạo số 3 của Sevilla. Hay trước đó nữa, Barca mua Emerson đầu kỳ chuyển nhượng rồi lại bán hậu vệ phải này cho Tottenham chỉ sau chưa đầy 1 tháng. Cắt nghĩa thế nào cho những thương vụ này?
Ngành công nghiệp không dành cho tất cả
Ian Watmore, cựu giám đốc điều hành của FA, từng mô tả bóng đá là một ngành công nghiệp mà nhiều người nhạy bén, thành công trong các lĩnh vực khác thường bỏ quên sự khôn ngoan khi gia nhập.
Không lúc nào xu hướng này được minh họa tốt hơn trong những ngày và giờ cuối cùng trước khi kỳ chuyển nhượng khép lại. Khi thời hạn đến gần, các ông chủ, GĐĐH và HLV nhận thức rõ việc thỏa thuận mà họ quan tâm sẽ không xảy ra trừ khi có một động thái quyết liệt. Tại thời điểm đó, khi kim đồng hồ tạo thanh âm hối thúc, sự hoảng loạn sẽ chiếm quyền.
Những nhà môi giới gọi đó “giờ hạnh phúc” – không phải dành cho những bên mua mà là đối tác của họ. “Đòi hỏi điên rồ” từ bên bán và người đại diện chỉ thực sự “điên rồ” khi sự tuyệt vọng đẩy bên mua vào một cơn hoảng loạn. Sự lo lắng về “vung tay quá trán” bị chiếm lấy bởi sự lo lắng việc không mua được cầu thủ. Các quyết định kinh doanh hợp lý nhường chỗ cho sự bốc đồng. Và phần lớn, nó dẫn đến sự hối hận của bên mua.
Một tuyển trạch viên của Premier League từng đặt vấn đề với thuật ngữ “chuyển nhượng hoảng loạn”. “Nếu bạn đang nói về một CLB chấp nhận rủi ro một cách mù quáng để mua một cầu thủ họ chẳng biết tí gì thì tôi nghĩ việc đó không còn tồn tại nữa”, nhân vật trên chia sẻ. “Phần lớn các đội bóng, đặc biệt ở đẳng cấp Premier League, có bộ phận tuyển dụng chuyên trách”.
Bộ phận đó sẽ theo dõi cầu thủ mục tiêu, nghiên cứ số liệu, thảm khảo ý kiến các bên liên quan, tìm ra mọi chi tiết, nhìn chung là xây dựng một hệ thống thông tin không chỉ của 1 mà là hàng trăm người cùng lúc. Tất cả những điều đó nhằm giúp CLB đưa ra quyết định sáng suốt.
Nhưng tại một số đội bóng và vào một vài thời điểm, tất cả công sức đó bị ngó lơ vì những người có trách nhiệm cảm thấy họ không còn đủ thời gian để ra quyết định cần nhiều thông tin.
Một ví dụ vào cuối tháng 1/2011, tập đoàn Fenway Sports tiếp quản Liverpool và bổ nhiệm Damien Comolli làm giám đốc chiến lược bóng đá. Comolli trực tiếp đàm phán mua Luis Suarez từ Ajax và thương vụ này chắc chắn sẽ hoàn thành trước hạn chót phiên chợ Đông. Nhưng sự ra đi của Fernando Torres (sang Chelsea với giá 50 triệu bảng) khiến những người trong cuộc cảm thấy chỉ Suarez là chưa đủ.
“Buổi tối trước hạn chót, tôi nhận được một cuộc gọi từ một người chẳng liên quan gì tới giới chuyển nhượng, nói rằng chủ tịch Newcastle có hứng thú bán Andy Carroll”, Comolli nhớ lại. “Chúng tôi đang khá bối rối vào lúc vì Torres đã ra đi và chẳng ai có thể thay thế. Ngay tối hôm đó, tôi đã đạt thỏa thuận với phía Newcastle. Nhưng rồi ngày hôm áu, họ đọc được thông tin về số tiền chuyển nhượng của Torres, nên đã tăng giá bán Carroll thêm 5 triệu bảng (thành 35 triệu), điều khiến tôi điên người.
Nhưng tôi vẫn quyết định theo đến cùng. Trong lúc đợi các ông chủ người Mỹ ngủ dậy, tôi đã đến văn phòng của HLV Kenny Dalglish trong khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Chúng tôi cân nhắc liệu có nên mua Carroll không? Sau đó tôi đã gửi mail cho các ông chủ và nói tôi cần họp qua điện thoại với họ, HLV và GĐĐH. Tôi nói rõ thỏa thuận là đây, nguy cơ là đây”.
Newcastle đòi 35 triệu bảng cho một cầu thủ chỉ mới ghi 14 bàn ở Premier League (một nửa trong số đó đến ở 3 tháng gần nhất) và có vẻ không hợp với một Liverpool đang chơi kiểm soát và cũng chẳng có một cầu thủ chạy cánh đúng nghĩa. Liverpool biết mình đang “đánh bạc” nhưng họ tự thuyết phục bản thân sau những lời giải thích của Comolli: “Carroll còn trẻ, lại là người Anh. Tôi nói với các ông chủ rằng nếu thương vụ này không thành công, chúng ta vẫn có thể bán Carroll cho West Ham hay Aston Villa, hay trả ngược về Newcastle với giá 20 triệu bảng”.
Bất ngờ chưa, riêng mặt rủi ro thì Comolli tính đúng. Carroll chỉ đá chính 26 trận ở Premier League cho Liverpool trước khi gia nhập West Ham theo dạng mượn vào năm 2012, trước khi bị bán đứt với giá 15 triệu bảng vào năm sau.
Đúng, Liverpool đã cắt lỗ một phần nhưng đó chính xác là một vụ chuyển nhượng hoảng loạn thuần túy. Đây là kiểu mua sắm mà Liverpool đã cố tránh đi vào vết xe đổ kể từ thời điểm đó.
Câu chuyện ở Manchester
Đại kình địch của Liverpool, MU cũng có một trải nghiệm đắt giá. Ngày cuối chuyển nhượng mùa hè 2013, Quỷ đỏ chấp nhận chi tra 27,5 triệu bảng để mua Marouane Fellaini, dù rằng cầu thủ người Bỉ chỉ có giá 23 triệu theo hợp đồng giải phóng với Everton.
Một năm sau, cũng có một tân binh đến trong ngày cuối của phiên chợ hè là Radamel Falcao. Những gì mà phía Monaco và người đại diện của Falcao đòi hỏi, từ phí chuyển nhượng, đãi ngộ đến lót tay đều bị cả 2 CLB thành Manchester chế nhạo vào lúc đầu. Nhưng rồi đến ngày cuối cùng, với tư tưởng “đã đánh bại Man City”, MU nổ súng chiêu mộ Falcao. Phí mượn là 6 triệu bảng, kèm điều khoản mua đứt trị giá 43,5 triệu vào cuối mùa. Lương của “Mãnh hổ” là 265.000 bảng/tuần. Còn hoa hồng dành cho bên trung gian lên tới 8 chữ số.
“Chúng tôi lẽ ra không nên làm điều đó”, một nguồn tin từ Old Trafford nhớ lại. “Một vài ngày trước, chúng tôi khẳng định không bao giờ chấp nhận những đòi hỏi mà đại diện của Falcao nêu ra. Nhưng rồi ngày cuối cùng đến, đi kèm hoảng loạn, thế là thương vụ hoàn tất. Chỉ là mượn thôi nhưng chi phí vô cùng đắt đỏ. Một sai lầm thực sự”.
Cũng vào ngày cuối phiên chợ tháng 1/2019, MU tuyệt vọng đến mức đề nghị 25 triệu bảng cho Josh King, nói với Bournemouth rằng họ có “15 phút để chấp nhận, nếu không MU sẽ ký với một cầu thủ từ Trung Quốc”. May mắn cho MU là Bournemouth nói không, và Quỷ đỏ tiến tới Odion Ighalo. Ighalo được đánh giá là một thương vụ chữa cháy thành công khi ghi được 5 bàn cho MU, còn Josh King kể từ lúc đó đã chuyển CLB tới 2 lần, sang Everton rồi Watford, và ghi được… 3 bàn.
Có vẻ như những hậu bối không có được “may mắn” như Sir Alex khi bản hợp đồng thay đổi cả vận mệnh đế chế của ông – Eric Cantona – cũng được đánh giá là một thương vụ bốc đồng nhiều hơn là có tính toán. Nhưng thế mới có chuyện bản năng của Fergie là một thứ di sản, còn của David Moyes và Louis van Gaal thì…
Người khôn ngoan cũng có lúc lầm đường
Arsene Wenger là một trong những người từng thuyết giảng về việc tránh xa sự điên rồ của ngày cuối chuyển nhượng. Ông từng ví nó như hội chứng Black Friady: “Nếu họ cần 2 tivi thì ok thôi. Nhưng nếu họ chỉ cần 1 tivi, sao còn mua cái thứ 2?”.
Nhưng rồi đến mùa hè 2011, 2 công thần Cesc Fabregas và Samir Nasri đều ra đi khiến lòng người hâm mộ sôi sục. Câu hát đồng thanh “tiêu số tiền chết tiệt nào đó đi” được hét lớn trong thất bại 0-2 trên sân nhà trước Liverpool, rồi một lần nữa lặp lại khi Pháo thủ nổ tan nát 2-8 trước MU chỉ 3 ngày trước hạn chót chuyển nhượng.
Vì thế, Arsenal buộc phải “tiêu số tiền chết tiệt nào đó đi”. Khi đại diện Bắc London đưa ra lời đề nghị cho Park Chu-young vào ngày 30/8, tiền đạo người Hàn Quốc đang chuẩn bị kiểm tra y tế ở Lille. Đã rất muộn trong ngày hôm đó nhưng phía Park vẫn yêu cầu những cuộc gọi trực tiếp từ GĐĐH Ivan Gazidis và HLV Wenger để cho thấy sự chân thành. Họ đã làm, Park Chu-young thuộc về Arsenal.
Vào ngày hôm sau, Arsenal chốt đơn Per Mertesacker từ Werder Bremen, Andres Santos từ Fenerbahce, Mikel Arteta từ Everton và Yossi Benayoun mượn từ Chelsea. Những thương vụ này mang tính chất “chắp vá” thực dụng, đi ngược hoàn toàn với triết lý của Wenger.
Về mặt hiệu quả thì sao? Một thập kỷ sau, Mertesacker và Arteta – 2 hợp đồng đắt nhất, cũng chất lượng nhất. Họ có một sự nghiệp khá thành công ở Emirates, được mọi người kính trọng và giờ trở thành lần lượt Giám đốc học viện và HLV của Pháo thủ. Nhưng nói về phần còn lại, thì là một cái nhăn mặt.
Andre Santos chỉ xuất phát 13 trận ở Premier League trước khi bị thanh lý 2 năm sau đó. Benayoun có khi còn chẳng đọng lại trong tâm trí người hâm mộ. Nhưng dẫu sao Benayoun vẫn không phải tệ nhất, khi mà Park Chu-young chỉ ra sân có… 6 phút ở Ngoại hạng Anh.
Wenger có lý do để không thừa nhận mình mua sắm hoảng loạn nhưng Mertesacker đã “bóc mẽ” ông khi thừa nhận: “Tôi tự xem mình là một thương vụ hoảng loạn. Tôi chẳng có vấn đề gì với chuyện đó bởi vì đôi khi, thời gian rất cấp bách. Bóng đá là vậy, nhất là khi kỳ chuyển nhượng chuẩn bị đóng cửa”.
Sau 10 năm, Wenger đã rời đi nhưng Arsenal dường như đang lặp lại sai lầm của ông. Arteta – bản hợp đồng năm nào, giờ là HLV và hợp với GĐKT Edu tạo nên những thương vụ khó lý giải. Vào ngày cuối chuyển nhượng hè 2021, họ đón Takehiro Tomiyasu về từ Bologna với giá gần 17 triệu bảng. Areta thật sự nghĩ Tomiyasu sẽ làm tốt hơn Hector Bellerin – cầu thủ họ vừa cho Betis mượn, ở vị trí hậu vệ phải ư?
Trên thực tế, với những thương vụ trước, dù không gấp gáp về thời gian, Arsenal cũng cho thấy dấu hiệu “hoảng loạn”. Họ là đội mua sắm mạnh tay nhất nước Anh mùa hè này nhưng hỏi thử fan Pháo thủ xem, họ thích ai trong số 6 tân binh? Không cần nói quá nhiều, việc chi hơn 25 triệu bảng cho một thủ môn dự bị như Aaron Ramsdale trong thời buổi khó khăn như thế này đúng là việc chỉ có Arsenal mới dàm làm.
Kẻ dại đã đành, đến người khôn ngoan, hiểu rõ vấn đề, thậm chí còn ở bên trong vấn đề mà cũng hoảng loạn, chuyện chuyển nhượng vào những ngày cuối thật quá ly kỳ!