“Về mặt trận đấu, mọi thứ giống nhau. Nhưng bên ngoài, khác biệt rất to lớn. Sự chú ý của công chúng vào đội bóng này thật không thể tin được”, Christian Eriksen trả lời khi bị hỏi về sự khác biệt khi thi đấu cho MU và những đội bóng khác.
Và đó là sự thật. MU là một thương hiệu khổng lồ và nhất cử nhất động của bất cứ cá nhân nào trong tập thể này đều được chú ý. Thế nên, pha xoay bóng của Antony chắc chắn sẽ bị mổ xẻ rất nhiều lần.
Ở Ajax, Antony còn xoay nhiều hơn nhưng lúc đó, họa chăng tác động lớn nhất chỉ là tạo nên một cái tít thật kêu trên mặt báo mà thôi. Antony có xoay hay không xoay, ở Ajax, cũng như vậy mà thôi. Công chúng Hà Lan không đánh giá quá nhiều.
Nhưng đây là MU và Antony vừa thực hiện một động tác chưa từng xảy ra trong lịch sử. Phút 38 trận gặp Sheriff, Antony nhận bóng và xoay liền 2 vòng, tức là 720 độ. Sau cú xoay này là một đường chọc khe hỏng cho Casemiro. Đương nhiên, so sánh giữa 2 động tác thì đường chuyền rõ ràng là phụ. Nhưng đặt trong bức tranh lớn hơn, chính đường chuyền hỏng lại là nguyên nhân chính khiến Antony nhận “gạch đá”.
Nếu Antony xoay bóng, sau đó chọc khe mượt mà cho Casemiro, anh có nhận được sự tán thưởng không? Điều này không rõ, nhưng chắc chắn là những tiếng chỉ trích sẽ ít đi nhiều.
Vậy nên tự thân pha xoay bóng của Antony chẳng có vấn đề gì, chỉ là hành động tiếp theo lại không được như ý. Nhưng với những người đã có sẵn thành kiến, thì pha phô diễn kỹ thuật màu mè quá dư thừa, đặt trong một pha phối hợp hỏng trông lại càng lố bịch. Đó là nhận xét của Paul Scholes và Owen Hargreaves – 2 cựu danh thủ của MU.
Ý kiến của Scholes và Hargreaves cần được tôn trọng. Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là góc nhìn chủ quan của một thế hệ cầu thủ khác. Với họ, việc trêu tức đối phương là cần thiết, nhưng phải thông qua một đường chuyền dài, một cú sút búa bổ, một pha tắc bóng, vài câu cà khịa… chứ không phải một pha xoay vòng tròn đứng yên tại chỗ. Tất cả chỉ là quan điểm, góc nhìn, nói ai đúng ai sai là rất khó.
Như chính Ten Hag đã nói: “Tôi không có vấn đề gì với cú xoay của Antony miễn là nó có tác dụng. Tôi đòi hỏi nhiều hơn ở anh ấy, chạy không bóng nhiều hơn, đi bóng nhiều hơn, kiểm soát nhiều hơn. Một pha xử lý kỹ thuật như thế rất đẹp nếu nó hiệu quả và không mất bóng. Nếu đó là một pha phô diễn không mục đích, lúc đó tôi mới chấn chỉnh”.
Hơn cả Scholes hay Hargreaves, Ten Hag biết và hiểu rõ về Antony. Và như thế, ông không chỉ nhìn vào một pha xoay bóng này mà đánh giá. Cậu học trò kia không phải kẻ chỉ thích làm màu, anh rất nhiệt tình, lăn xả, chịu khó hỗ trợ phòng ngự, sẵn sàng kiến tạo cho đồng đội. Đó là lý do mà Ten Hag đòi bằng được BLĐ MU chiêu mộ Antony dù với cái giá cắt cổ.
Bây giờ, nhìn rộng ra, chúng ta liệu có quá khắt khe với Antony? Đó chỉ là một pha xử lý thương hiệu, không gây hại gì cho đội bóng, trong thế trận rất an toàn. Vậy tại sao lại không cười vui vẻ hưởng thụ nét giải trí của một môn thể thao, mà cứ đi trách cứ một hành động không đúng ý mình.
Bóng đá sẽ trở nên nhàm chán nếu cầu thủ Brazil cũng chơi vơi tư duy của người Anh, người Đức, rằng cứ nhận bóng ở biên thì sẽ lại áp dụng công thức, đi được thì đi, không thì chuyền ngược về nếu thấy bí. Quy trình đó lặp đi lặp lại, không có điểm bùng nổ khiến khán giả phải bật mình khỏi ghế. Nếu chúng ta bắt một nghệ sỹ phải chơi bóng đơn thuần như người thường, vậy anh ta có còn là nghệ sỹ không?
Antony khẳng định mình sẽ không thay đổi phong cách của mình. Ngược dòng thời gian trở lại thời điểm đầu năm nay, cầu thủ người Brazil cũng từng thừa nhận: “Một số người thích các pha biểu diễn của tôi, có người thì lại không. Tôi thấy nó vẫn hiệu quả và tôi thực hiện nó vì tôi muốn cho đối thủ thấy rằng tôi là ông chủ. Và nó vẫn thường xuyên mang về một pha kiến tạo hay một bàn thắng”.
“Tôi không quan tâm người khác nghĩ gì về nó. Dù mọi người nói gì, tôi vẫn tập trung vào cách chơi của mình. Ngay cả Chúa Jesus, một người hoàn hảo, cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vậy thì tôi là ai mà có thể làm hài lòng tất cả?”.