Những ai quan tâm đến Man United đều đã quá quen với những drama sẵn sàng nổ ra bất cứ lúc nào tại CLB này. Nhưng đây là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu nhà Glazer theo chân Cristiano Ronaldo ra khỏi Old Trafford, điều mà dường như ngày càng có khả năng xảy ra, thì họ sẽ bỏ lại điều gì?
Nhà Glazer đã khởi đầu không suôn sẻ với khoản vay 790 triệu bảng để tiếp quản Man United vào năm 2005, và trong con mắt các CĐV, họ đã chẳng làm được gì nhiều trong suốt những năm tháng sắm vai ông chủ CLB. Thật khó để có thể đưa ra những lý lẽ bảo vệ nhà Glazer, ngay cả bằng lập luận họ đã chi ra số tiền nhiều hơn hầu hết những đối thủ, lên tới hơn 1 tỷ bảng để mua và trả lương cho các cầu thủ trong 17 năm qua.
Không, nhà Glazer là một thứ chất độc và không gì có thể thay đổi điều đó ở Man United. Những trục trặc ngay từ quá trình tiếp quản, nợ nần, cổ tức, tình trạng xuống cấp của sân Old Trafford và thất bại trên sân cỏ đồng nghĩa với việc không ai cho nhà Glazer một đường lùi hay cơ hội để tự biện hộ.
Tâm lý chống nhà Glazer đã lên đến mức chưa từng thấy kể từ khi giải European Super League sụp đổ vào tháng 4/2021 với các cuộc biểu tình bên trong và ngoài Old Trafford, ngay cả khi đội bóng đang thi đấu tốt với những chiến thắng liên tiếp. Việc những bài hát giễu nhại Joel Glazer vang lên trong suốt các trận đấu là điều quá bình thường.
Tất nhiên, không gì trong những yếu tố đó có thể làm phiền các ông chủ của Man Untied. Họ ở quá xa để phải chú ý hoặc quan tâm đến nó. Đó không phải là ngôi nhà của họ và những người bị đe dọa bởi đám đông biểu tình là cựu phó chủ tịch điều hành Ed Woodward và người kế nhiệm Richard Arnold.
Đối với nhà Glazer, vấn đề luôn là tiền. Nếu họ bán Man United, đó là vì họ muốn chứ không phải vì bị ép buộc. Việc Chelsea được bán với giá 4,25 tỷ bảng và môi trường kinh tế khá bi quan ở Anh đột nhiên khiến việc nhượng lại CLB có vẻ là một ý tưởng rất hay. Fenway Sports Group, chủ sở hữu của CLB Liverpool, cũng đã bị cám dỗ và quyết định thăm dò thị trường.
Không ai ở Old Trafford buồn khi thấy họ ra đi và đó là điểm khởi đầu lý tưởng cho bất kỳ chủ sở hữu mới nào. Tuy nhiên, NHM của Man United đều đang ôm ấp hy vọng rằng, dù chủ mới là ai thì đều tốt hơn nhà Glazer, nhất là khi ông chủ đó sẵn sàng bơm tiền để giúp CLB thoát khỏi nợ nần và trở lại vị trí hàng đầu tại Premier League.
Hiện tại, Man United là một đống đổ nát thực sự. Old Trafford, thánh đường của bóng đá Anh, đang rất cần một sự đổi mới. Man United đã mời các nhà quy hoạch tổng thể để đánh giá tính khả thi của việc nâng cấp SVĐ hiện tại, thậm chí có thể là phá bỏ và xây mới hoàn toàn. Nếu còn ở lại, nhà Glazer chắc chắn sẽ chọn phương án đầu tiên bởi nó rẻ hơn.
Ngay cả trung tâm huấn luyện Carrington của Man United, nơi từng được Sir Alex Ferguson ca ngợi là tốt nhất trong số các CLB hàng đầu, giờ đã tụt lại phía sau các đội bóng khác ở Premier League. Cần phải chi thêm hàng triệu bảng để nâng cấp Carrington và các kế hoạch đã được vạch ra bao gồm khả năng xây dựng một khách sạn của CLB để phục vụ cho các cầu thủ.
Tất cả những thứ đó đều đòi hỏi một nguồn tiền rót vào cực lớn và ai sẽ sẵn sàng làm việc đó sau khi đã phải bỏ một khoản chi phí khổng lồ để mua lại Man United từ nhà Glazer? Trong khi đó, hy vọng kiếm tiền từ việc ăn theo thành tích sân cỏ cũng không mấy sáng sủa như thời nhà Glazer thâu tóm đội bóng này.
Trên sân cỏ, Man United thực sự đang có phong độ tốt nhất trong vài năm qua nhưng vẫn chỉ ở mức y vọng mà thôi. Họ đã bổ nhiệm Erik ten Hag, một HLV có tư tưởng tiến bộ và nhanh chóng tạo ra ảnh hưởng đáng kể.
Rất nhiều cầu thủ không còn phù hợp đã được thanh lý hợp đồng vào mùa hè vừa qua, trong khi những bản hợp đồng mới của Ten Hag như Lisandro Martinez, Christian Eriksen, Casemiro, Antony và Tyrell Malacia đều đã góp phần cải thiện đội bóng.
Chướng ngại vật lớn nhất và cuối cùng của Ten Hag là Cristiano Ronaldo cũng đã được giải quyết trước khi World Cup 2022 diễn ra. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bao giờ Man United mới có thể thành công, trong khi Man City, Liverpool và nhiều CLB khác vẫn không ngừng tiến bộ một cách mạnh mẽ.
Một lĩnh vực mà những người chủ mới phải học hỏi từ những sai lầm của nhà Glazer là xây dựng mối quan hệ tốt hơn với NHM. Joel Glazer nhận ra điều đó quá muộn sau thất bại của ESL. Việc thành lập ban cố vấn của NHM và những lời hứa hẹn về việc nâng cao tiếng nói của NHM là những miếng băng hời hợt không bao giờ chữa lành được vết thương rất sâu trong lòng các CĐV.
Vai trò của các ông chủ Mỹ của Man United là quá nhạt nhòa, bởi họ thường xuyên cố thủ ở Florida và Washington DC và hiếm khi xuất hiện ở Old Trafford. Các chủ sở hữu mới cần phải cởi mở, các CĐV phải nhìn thấy bóng dáng của họ, và phải được tiếp cận họ. Trong thời đại ngày nay, đó là điều không cần phải bàn cãi.
Họ cần cho NHM nhiều tiếng nói hơn trong việc điều hành CLB. Họ cần chứng tỏ rằng vấn đề không chỉ là tiền. Bất kỳ chủ sở hữu mới nào xuất hiện tại Old Trafford cũng sẽ có khởi đầu thuận lợi vì một lý do rất đơn giản – họ không phải nhà Glazer. Vấn đề chỉ là, bao giờ thì ông chủ đó chính thức xuất hiện ở Old Trafford?