Có thể chia sự nghiệp của Mauricio Pochettino làm hai thời kỳ, giai đoạn thành công ở Southampton, Tottenham và giai đoạn khó khăn ở PSG và Chelsea. Đó rõ ràng là hai thế giới khác nhau. Southampton và Tottenham không phải môi trường tạo ra áp lực khổng lồ như tại PSG, Chelsea.
Trong 18 tháng dẫn dắt PSG, Pochettino giành 1 chức vô địch Ligue 1, 1 cúp Cuốc gia Pháp và 1 Siêu cúp Pháp. Song vị HLV người Argentina vẫn phải cúi đầu ra đi với tư cách của một kẻ thất bại. Pochettino đã không quản lý được phòng thay đồ của PSG, không tạo được dấu ấn lên lối chơi phụ thuộc vào Messi, Mbappe. Và khi nỗi bất lực lên cao trước dàn sao PSG, Pochettino chỉ có thể than phiền về tinh thần thi đấu của các cầu thủ như sau thảm bại 0-3 trước Monaco vào tháng 3/2022.
Còn tại Chelsea, Pochettino phản ứng với thất bại ra sao? Ông nói “chúng tôi cần sự kiên nhẫn” sau trận thua West Ham tại vòng 2 Premier League. Khi Chelsea thua tiếp Nottingham Forest tại vòng 4, Pochettino nhắc lại điệp khúc “cần kiên nhẫn” vì “chúng tôi đang trong quá trình gây dựng”. Vị HLV 51 tuổi dường như không muốn đối mặt với những vấn đề cụ thể của The Blues. Nếu nói rằng đó là dấu hiệu của sự bất lực thì cũng không sai.
Điểm mạnh trong phong cách cầm quân của Pochettino là gì? Nếu nhìn từ thời dẫn dắt Tottenham thì đó là lối chơi tấn công ở cường độ cao, khả năng phát triển cầu thủ trẻ, cách quản lý nhân sự khôn khéo giúp cầu thủ tự phát huy nội lực và phát triển bản thân. Ngoài ra kỷ luật nghiêm ngặt và giáo án tập luyện độc đáo cũng là những đặc điểm của Pochettino. Về mặt lý thuyết, đó đều là những phẩm chất của một HLV giỏi.
Nhưng thực tế thì giỏi hay không phải xét đến môi trường làm việc. PSG toàn những cái tôi lớn với một chủ nhân của 7 Quả bóng vàng, HLV không đủ bản lĩnh thì chỉ làm “bù nhìn”. Chelsea thì lại khó kiểu khác với 419 triệu bảng làm mới đội hình, đặt vào tay HLV trưởng một đội ngũ đắt giá nhưng ô hợp. Từ PSG tới Chelsea toàn là những “đề toán” cực khó đòi hỏi một chiến lược gia tầm cỡ mới có thể tìm thấy lời giải.
Todd Boehly đã tin vào sự “tầm cỡ” đó của Pochettino khi trao vào tay HLV người Argentina công trình ngổn ngang tại Stamford Bridge. Sau một tháng nhận việc, Pochettino không cho thấy ông là một kiến trúc sư tính toán được từng viên gạch. Xem Chelsea đá rất khó nhìn ra tín hiệu nào đó của một dự án đang được khởi động. Tất cả đều lộn xộn, chắp vá và Pochettino đang chỉ làm công việc của một anh thợ xây lúi húi từng góc công trường.
Vẫn là một công trường tương tự nhưng ở Tottenham cách đây gần thập kỷ, Pochettino từng bước nhào nặn thành một thế lực đáng gờm tại Premier League. Giá mà Pochettino vẫn ở Tottenham thì người ta còn nghĩ ông là một HLV có thể vươn lên tầm cỡ khác, cũng như Moises Caicedo cứ ở Brighton trong nỗi thèm thuồng của các ông lớn thì có khi lại hay hơn.