Tỷ phú người Mỹ không giấu ý định biến Chelsea trở thành một CLB thể thao kiểu Mỹ, giàu tính giải trí từ trong ra ngoài sân cỏ. Đó là lý do quan trọng thúc đẩy ông và các nhà đầu tư vung tiền cho The Blues mua sắm trong mùa hè vừa qua, và sẵn sàng chi tiêu vô điều kiện cho các gương mặt được định vị là tài năng trẻ.
Cũng vì quyết tâm thay đổi bản sắc đội bóng từ phòng ngự chắc chắn sang tấn công, Todd Boehly không ngần ngại sa thải người hùng Champions League: Thomas Tuchel để mời về một HLV non kinh nghiệm như Graham Potter. Không cần quá tinh ý, bất cứ ai yêu mến bóng đá cũng thấy rằng Todd Boehly đang cố gắng xóa sạch mọi tàn dư của Abramovich ở Stamford Bridge, không chỉ ở trên cabin huấn luyện, mà là tận sâu vào gốc rễ văn hóa bóng đá của CLB.
Đây không phải việc có thể làm trong ngày một ngày hai. Bản thân Abramovich từng cố gắng thay đổi bản sắc của Chelsea trong quá khứ nhưng chưa từng thực sự thành công. Sau cùng, The Blues chỉ có thể giành chiến thắng và đoạt danh hiệu bằng thứ bóng đá thực dụng đến “chết chóc”. Trong những tuần đầu tiên, Graham Potter vốn cũng tận dụng bản sắc này để giúp Chelsea thắng trận ngay cả khi họ chơi không tốt bằng đối thủ. Chelsea thậm chí chơi chắc chắn hơn trước với chuỗi 5 trận liên tiếp giữ sạch lưới.
Khả năng thích nghi đáng kinh ngạc của Potter là yếu tố giúp Chelsea trở lại đường ray chiến thắng gần như ngay lập tức. Họ hứa hẹn sẽ còn tiến xa ở mùa giải này nếu Potter biết ông có thể xóa bỏ những gì, và nên gìn giữ những gì.
Bên kia chiến tuyến, công cuộc thay đổi cũng nan giải không kém. Sau hàng loạt cuộc bể dâu, M.U đang xây dựng lại từ đầu và tạo dựng bản sắc mới cùng Ten Hag. Tuy nhiên, vấn đề của Quỷ đỏ là cân bằng giữa mục tiêu giành vé dự Champions League, giành danh hiệu và theo đuổi lối chơi tấn công áp đặt, tìm lại vị thế một đại gia tại Premier League.
Hai trận thua trước Brighton và Brentford hồi đầu mùa cho thấy M.U còn xa để cân bằng những mục tiêu này. Ten Hag chịu áp lực phải xóa bỏ định kiến về thứ bóng đá thực dụng, bởi bóng đá thực dụng đã huỷ hoại Jose Mourinho ngay cả khi ông là HLV có thành tích tốt nhất sau khi Sir Alex giải nghệ. Oái oăm ở chỗ, các trận đấu lớn là ví dụ điển hình cho thấy M.U phải đưa ra lựa chọn phù hợp với thực lực bản thân. Họ đã thắng Liverpool và Arsenal trong thế phòng ngự, phản công, trước khi đánh bại Tottenham bằng thứ bóng đá tấn công dồn dập.
Trận thắng ấn tượng trước Tottenham vừa qua sẽ khiến M.U chịu áp lực phải chơi cống hiến liên tục. Vì vậy, Ten Hag phải giữ được cái đầu lạnh hơn bao giờ hết. Ông không được phép cuốn theo giới mộ điệu, theo đuổi thứ bản sắc viển vông trong lúc lực lượng của M.U còn hạn chế. Thất bại tan nát trước Man City là bài học lớn mà HLV người Hà Lan không được phép quên. Sau cùng, ông và M.U vẫn cần thực dụng đúng lúc, giống như các giai đoạn làm việc với Mourinho, Solskjaer và thậm chí là Rangnick để giành các chiến thắng quan trọng.