Hôm qua (14/8), Chelsea đã hoàn tất bản hợp đồng kỷ lục 115 triệu bảng mang tên Moises Caicedo từ Brighton. Tiền vệ 21 tuổi người Ecuador trở thành cầu thủ có mức phí chuyển nhượng cao nhất của bóng đá Anh. Anh ký giao kèo 8 năm với The Blues.
Bên cạnh đó, đội chủ sân Stamford Bridge được cho là sẽ chi 50 triệu bảng kèm theo các điều khoản bổ sung để chiêu mộ tiền vệ phòng ngự 19 tuổi Romeo Lavia từ Southampton; trong khi Michael Olise của Crystal Palace cũng là một mục tiêu khác mà Chelsea theo đuổi.
Sau khi điên cuồng mua sắm ở mùa giải năm ngoái, rồi lại gấp rút thanh lý, dọn dẹp đội hình cồng kềnh ở mùa Hè 2023, Chelsea lại lao vào một kỳ shopping cũng náo nhiệt và hoang phí không kém. Hồi tháng 1/2023, ông chủ người Mỹ Todd Boehly cùng Clearlake Capital đã phá kỷ lục chuyển nhượng tại Anh lúc bấy giờ, khi ký hợp đồng với nhà VĐTG 2022 người Argentina, Enzo Fernandez với giá 106,8 triệu bảng.
Nếu hợp đồng với Lavia được ký kết trong hè này, Chelsea sẽ nâng tổng số tiền chi tiêu vào chuyển nhượng dưới triều đại các ông chủ Mỹ lên con số khổng lồ, hơn 800 triệu bảng. Cần nhấn mạnh rằng, The Blues mới sang tên đổi chủ từ tháng 5/2022.
Nhưng làm thế nào để Chelsea chi một khoản tiền khổng lồ ấy mà lại không vi phạm các quy tắc của Luật công bằng tài chính (FFP). Đó là nhờ vào lỗ hổng từ FFF của Premier League. Khi UEFA khắc phục lỗ hổng này bằng phán quyết rằng, bắt đầu từ phiên chợ Hè 2023, các CLB hoàn toàn có thể đưa ra bất cứ hợp đồng dài hạn nào, nhưng bị giới hạn buộc phải hoàn tất việc trả góp trong vòng 5 năm. Premier League lại chưa bao giờ thực hiện động thái nói trên.
Và, với việc Chelsea không tham dự bất cứ đấu trường châu Âu nào trong mùa giải mới 2023/24, họ có thể tiếp tục khai thác triệt để lỗ hổng của FFP. Theo Mail Sport, sự bất thường nói trên trong các quy tắc thanh toán nói trên đã được một số đội bóng nêu ra với BTC Premier League và sẽ được thảo luận tại các cuộc họp cổ đông trong mùa giải này, với mục đích thay đổi các quy tắc dự kiến sẽ áp dụng từ mùa giải 2024/25.
“Điều này chưa bao giờ được đưa vào thảo luận chính thức, nhưng là điều chúng tôi sẽ xem xét. Việc tuân thủ các quy tắc của UEFA sẽ có ý nghĩa đối với tất cả các bên, đem lại sự cạnh tranh công bằng cho tất cả các bên. CLB duy nhất hiện đang ký hợp đồng 8 năm một cách thường xuyên có khả năng sẽ sớm tham dự các sân chơi của UEFA cũng như bất cứ giải đấu nào tiếp theo”, Mail Sport dẫn từ một nguồn tin của Premier League.
Cần nhấn mạnh rằng, các bản hợp đồng mới của Chelsea gần đây đều có thời hạn từ 6 năm đến 8 năm rưỡi. Tức là, đều rất dài hạn. Mykhailo Mudryk là ví dụ điển hình. Ngôi sao người Ukraine đến sân Stamford Bridge hồi tháng 1/2023 với bản giao kèo lên tới 8,5 năm, tương ứng với mức giá chỉ hơn 11 triệu bảng/năm. Rõ ràng, theo cách chia đều mỗi năm này thì trên sổ sách, Chelsea chi tiêu rất ít và không vi phạm FFP.
Có thể chiến lược này rất hiệu quả trong việc chiêu mộ những ngôi sao. Nhưng đôi khi “gậy ông lại đập lưng ông”, khiến The Blues mắc kẹt với những cầu thủ được trả lương cao, ký hợp đồng quá dài, cống hiến cho đội bóng ít nhưng lại không muốn rời CLB. Việc thanh lý ồ ạt các ngôi sao để tinh giản đội hình tại Chelsea của tân HLV Mauricio Pochettino gặp rất nhiều khó khăn ở mùa Hè này.
Ngoài ra, việc lợi dụng lỗ hổng của FFP để ký hợp đồng dài hạn với nhiều cầu thủ sẽ làm phình quỹ lương, bên cạnh việc gánh số tiền chuyển nhượng được chia đều hàng năm ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch chi tiêu trong tương lai của Chelsea. Tới đây, khi Premier League đóng lại lỗ hổng tài chính nói trên, The Blues sẽ không còn được vung tiền thâu tóm các ngôi sao lớn trên TTCN nữa.