Trận thua Tottenham không còn khiến fan Chelsea bất ngờ. Đã đến thời điểm mà công chúng chỉ còn muốn xem thái độ cống hiến của các cầu thủ, chứ không màng tới kết quả nữa. Chelsea chỉ thắng được 2/15 trận gần nhất tại Premier League, họ gần nhóm xuống hạng hơn là Top 4. Nói không quá, mùa giải của The Blues đã kết thúc ngay từ lúc này.
Nhưng những gì các học trò của Potter thể hiện dưới sân Tottenham mới là thứ khiến số ít CĐV Chelsea ngồi trên khán đài phải ôm mặt. Ông chủ Todd Boehly đã chi ra gần 600 triệu bảng để nâng cấp đội hình nhưng thứ thu lại được là một tập thể ô hợp, khảng tảng, thiếu gắn kết. Công chúng tự hỏi Potter đã làm gì trên sân tập mà không thể hình thành bất cứ mảng miếng tấn công nào cho Chelsea?
Các ngôi sao mặc áo xanh chơi bóng hoàn toàn bản năng và tự phát, họ trông như những cá thể tách biệt, mỗi người chạy một hướng, làm một việc khác nhau. Chelsea không có những tổ hợp hạt nhân, giúp điều hòa và xây dựng lối chơi. Nguy hiểm hơn, trong tay Potter có rất nhiều người nhưng ai cũng như nhau, từ đá chính cho tới dự bị, đều vào sân với một thái độ uể oải khó chịu.
Hãy chú ý tới bàn thua thứ 2 trước Tottenham. Đấy là pha bóng mà Mason Mount bị Eric Dier dùng cả hai tay đè xuống trong pha tranh chấp bóng bổng kiến tạo cho Harry Kane lập công. Lẽ ra, Mount phải lập tức la làng, chạy tới khiếu nại với trọng tài. Nhưng không, anh nhún vai chấp nhận. Những đồng đội của Mount cũng thế, họ hoàn toàn bất lực.
Sự tranh đấu của Mount lại để vào pha bóng trước đó, khi phản ứng dữ dội lúc trọng tài không cắt còi tình huống vào bóng quyết liệt của Romero. Hậu quả là Chelsea không những không được thổi phạt, mà Mount còn bị nhận thẻ vàng. Nó giống hệt với màn xô xát cuối hiệp 1, khi Hakim Ziyech đẩy tay hết cầu thủ này tới cầu thủ khác của Spurs và suýt chút nữa phải nhận thẻ đỏ nếu VAR không can thiệp. Tất cả chỉ cho thấy một sự ức chế cực độ trong tinh thần, rào cản chính khiến cầu thủ Chelsea không thể chơi bóng.
Potter không tạo ra được một hành lang để các học trò thỏa mãn, khiến họ cứ mãi quanh quẩn trong mớ bòng bong. Trò rối và thầy cũng rối. Những điều chỉnh chiến thuật của Potter hoàn toàn nhạt nhòa, toàn là phép 1 đổi 1, không tạo ra được khác biệt đáng kể. Điều này ngược hẳn với những màu sắc phong phú mà Potter thể hiện ở Brighton dù với lượng nhân sự hạn chế hơn rất nhiều.
Trong buổi họp báo sau trận derby London, Potter vẫn nhận hết trách nhiệm về mình. Ông luôn tâm niệm rằng: “Tôi đã không cống hiến đủ để nhận được niềm tin. Tôi chấp nhận điều đó nhưng công việc của tôi không phải để nghĩ về những thứ ngoài lề quá nhiều. Tôi sẽ chỉ tập trung vào việc giúp đỡ các cầu thủ”.
Potter lôi ra các ví dụ về Mikel Arteta và Juergen Klopp, nói rằng họ cũng từng rơi vào những hoàn cảnh tương tự, lúc mà cả cộng đồng fan đòi sa thải, để rồi bây giờ đang có những vị thế rất khác. Cùng với đó, Potter tự tin vì có sự ủng hộ tuyệt đối từ giới chủ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó sẽ không còn nếu Chelsea vẫn tiếp tục chơi bết bát. Không phải ai cũng may mắn như Arteta và Klopp, Potter mà đánh mất niềm tin của các cầu thủ – thứ đã được thể hiện, thì cái ngày ông chia tay ghế nóng tại Stamford Bridge cũng không còn xa.
Chelsea sắp phá “kỷ lục” bàn thắng
Sau 24 vòng, Chelsea mới ghi được 23 bàn thắng, tính trung bình 0,95 bàn/trận. Nếu duy trì phong độ thế này tới tận vòng 38 thì The Blues sẽ chỉ ghi 36 bàn. Điều đó có nghĩa họ sẽ phá kỷ lục về mùa giải ghi ít bàn thắng nhất trong kỷ nguyên Premier League vốn được phiên bản mùa 1995/96 nắm giữ với 46 bàn. Khi đó, họ kết thúc mùa giải với vị trí thứ 11 chung cuộc.