Chỉ 3 ngày sau khi tờ Daily Mail liệt kê các vấn đề lớn đang thách thức HLV Thomas Tuchel (trước trận gặp Crystal Palace), câu chuyện đã trở nên… lố bịch. Daily Mail: “Hàng thủ không đáng tin cậy của Chelsea đang để thủng lưới một cách đáng báo động”. Kết quả: Chelsea thắng Palace 1-0. Vâng, đấy có thể là chiến thắng nhọc nhằn, nhưng đấy là câu chuyện khác. Chelsea đã không thủng lưới trong 2 trận gần đây ở Premier League. Tính chung mọi giải, họ giữ nguyên mành lưới 5 lần trong 10 trận gần đây (từ ngày 5/1) và chỉ thủng lưới 1 bàn ở các trận còn lại. Thủng lưới một cách đáng báo động đấy ư?
Bản chất của câu chuyện thật ra nằm ở chỗ khác. Vì sao giới bình luận suông rất dễ “việt vị” khi bàn về những vấn đề nan giải của Chelsea (trường hợp vừa nêu từ bài báo của Daily Mail không phải là duy nhất)? Vì trên nguyên tắc, Thomas Tuchel không phải là HLV luôn bám chặt vào một triết lý định sẵn, kiểu Pep Guardiola ở Man City. Người ta cũng đã bàn đến nát nước, rằng Chelsea thuộc mẫu đội mạnh “chuyên đá cúp”. Đấy là lý do vì thầy trò Tuchel vô địch từ Champions League đến Club World Cup, vào chung kết từ FA Cup đến Cúp Liên đoàn (thành tích lịch sử), nhưng không có hy vọng gì trong cuộc đua giành ngôi vô địch Premier League. Họ thậm chí còn có nguy cơ mất chỗ ở Top 4 trong nước trước khi vô địch Champions League mùa trước (tức là đối diện nguy cơ vắng bóng ở Champions League).
Huấn luyện theo triết lý như Guardiola thì sẽ tạo ra một cỗ máy bách chiến bách thắng khi mọi chuyện vào guồng, thích hợp với thể thức marathon ở Premier League, nhưng kém linh động trong thể thức tranh cúp. Ngược lại, Chelsea của Tuchel không phải là cỗ máy như thế, không bao giờ hướng đến sự hoàn thiện. Họ luôn gặp nhiều vấn đề cần chỉnh sửa. Vì họ chỉ đá theo hoàn cảnh, tình huống, giải đấu, đối thủ cụ thể. Tuchel sẽ linh động khắc phục các vấn đề chuyên môn và chọn giải pháp chiến thuật sao cho phù hợp với từng trận cụ thể. Cho nên, “vấn đề” thì khi nào Chelsea cũng có. Chẳng qua là trong hoàn cảnh nào, Tuchel cần ưu tiên khắc phục vấn đề nào mà thôi!
Có khi, Tuchel chẳng cần giải quyết vấn đề. Sự kém cỏi của Romelu Lukaku là rõ như ban ngày rồi. Vậy, Tuchel dùng 3 tiền đạo, với Hakim Ziyech và Kai Havertz đều đá cao hơn trung phong Lukaku. Ziyech là hỏa lực chính. Đấy là chiến thuật đem lại thành công. Nhưng tất nhiên đấy chỉ là chiến thuật riêng cho trận gặp Palace. Tuchel sẽ dùng chiến thuật gì, phát huy ưu điểm nào, che đậy nhược điểm nào, và không cần che đậy nhược điểm nào khi Chelsea gặp Lille? Đấy mới là câu chuyện đáng để chờ xem (và là việc của Tuchel, chúng ta chưa biết, càng không nên “cầm đèn chạy trước ô tô”). Nhìn vào những nhược điểm (hay “vấn đề”, theo cách dùng từ đao to búa lớn) trong trận trước để bàn về Chelsea trong trận sau, thì “trật chìa”, đôi khi sẽ lạc hậu đến cả thế kỷ!
Nói vậy là để nhắc thêm: vài cá nhân đá không đúng vị trí sở trường, hậu vệ hoặc tiền vệ thay đổi xoành xoạch, không có mũi nhọn ghi bàn… đều không sai. Nhưng đấy là đặc điểm (thậm chí Tuchel… muốn thế), không phải là nhược điểm hoặc vấn đề nan giải gì cả!
Thay đổi đúng lúc
Nói đến Chelsea của Thomas Tuchel là phải nói đến cách chơi theo sơ đồ 3-4-2-1 rất đặc trưng. Trong trận thắng Crystal Palace cuối tuần qua, Tuchel phải chuyển sang sơ đồ 4-3-3. Điều này tự thân nó đã nói lên một vấn đề. Tất nhiên, thay đổi lối chơi và thay đổi nhân sự là hai điều không thể tách rời. Chính Chelsea không thể tiếp tục trông cậy vào những điểm mạnh sở trường của họ nữa. Khía cạnh tích cực: thay đổi ấy đã đem lại thành công (lấy trọn 3 điểm là quan trọng nhất).