Cần nói thêm: Chelsea thay HLV là để thành công. Đội này thường phản ứng rất nhanh với các HLV thất bại – kể cả khi giới quan sát cho rằng đấy thật ra là những HLV giỏi, chỉ đang thất bại trong thoáng chốc. Cả hai lần vô địch Champions League của Chelsea đều là kết quả tuyệt vời từ quyết định thay HLV giữa mùa.
Tất nhiên, mỗi HLV – nhất là những người xuất sắc, thành công hoặc nổi tiếng – đều có quan điểm, chiến thuật, triết lý riêng. Thế thì làm sao có được khái niệm “chuẩn Chelsea” khi đội này thay HLV như thay áo! Ngay cả HLV hiện thời, ĐKVĐ Champions League, Thomas Tuchel, đáng lẽ chỉ dẫn dắt Chelsea đến cuối mùa này. Ông đã gia hạn hợp đồng đến năm 2024. Khi đến Chelsea cách đây 1 năm, Tuchel đồng ý ký bản hợp đồng chỉ 1 năm rưỡi (từ giữa mùa trước đến hết mùa này). Ông giải thích: “Thời hạn 4-5 năm cũng thế thôi. Nếu tôi thất bại, sẽ bị sa thải lập tức. Ổn thỏa thì sẽ ký tiếp, băn khoăn làm gì”!
Cũng vì đặc điểm thay HLV xoành xoạch mà mùa này, Chelsea đã đụng độ nhiều “cố nhân”: Rafael Benitez (hiện đang huấn luyện Everton) hoặc Claudio Ranieri (Watford). Bây giờ lại là Antonio Conte, HLV đang dẫn dắt Tottenham.
Giới bình luận thường cho rằng một HLV khi đụng độ đội bóng cũ thì sẽ thuận lợi trong khâu chuẩn bị đấu pháp, do đã hiểu kỹ đội bóng cũ. Trong trường hợp của Chelsea, khó mà nói như vậy. Kể cả khi Chelsea của Conte (vô địch Premier League) và Chelsea của Tuchel (vô địch Champions League) có hẳn điểm chung quan trọng là cách chơi dựa theo sơ đồ 3-4-2-1. Họ không giống nhau. Và giới hâm mộ Chelsea cũng nên yên tâm: gần như không có chuyện Conte sẽ hóa giải Chelsea một cách dễ dàng vì ông chỉ vì ông từng làm việc ở Stamford Bridge.
Trong lần đầu sang Anh, dẫn dắt Chelsea, Conte chỉ chuyển sang cách chơi 3-4-2-1 sau một giai đoạn thất bại. Hồi ấy, 3-4-2-1 dù không phải xuất hiện lần đầu tiên, nhưng vẫn là một sơ đồ rất lạ trong làng bóng Anh. Conte phát huy giá trị của các cầu thủ wing-back trong sơ đồ này, và vận dụng linh hoạt trong các trận đấu cụ thể. Đấy là thành công bằng con đường chiến thuật. Calcio của Conte là nền bóng đá số 1 thế giới về tính chiến thuật.
Nhưng Conte sau đó phải ra đi vì đại bại trong một mùa bóng mà ngay từ xuất phát điểm, ông đã không được mua sắm cầu thủ như ý muốn. Ngược lại, Tuchel khi đến Chelsea thì không thể mua sắm cầu thủ như mong muốn, nhưng vẫn thành công vang dội. Khi Tuchel “được” mua Romelu Lukaku, đấy lại là bản hợp đồng thất bại.
Về bản chất, Tuchel là một HLV theo hơi hướng khoa học. Ông không thành công bằng con đường mua sắm cầu thủ. Chiến thuật cũng chỉ là phương tiện, không phải là nền tảng, trong cách huấn luyện của Tuchel. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã thấy Chelsea của Tuchel đã khác xa với Chelsea của Conte rồi.