Tám năm kể từ trận đấu chính thức gần nhất cho MU, Evans mới lại đá chính trong màu áo đỏ. Màn tái xuất của trung vệ 35 tuổi phơi bày thực trạng đáng buồn tại MU. Họ đã vắt kiệt Evans ở thời kỳ sung sức nhưng chẳng thể ngờ rằng gần một thập kỷ sau, họ lại phải nhờ đến trung vệ đã hết thời vốn chỉ có nhiệm vụ làm đầy băng ghế dự bị.
Ten Hag tất nhiên chẳng bao giờ ngó ngàng tới Evans nếu trong tay còn đủ Raphael Varane, Lisandro Martinez, Luke Shaw hay Harry Maguire. Nhưng tình thế nguy cấp buộc ông phải dùng đến trung vệ người Bắc Ireland như một lựa chọn bất chấp rủi ro. Và rồi Evans tỏa sáng ngoài dự kiến. Một cú đánh đầu tung lưới Burnley trước khi bị VAR từ chối vì Rasmus Hojlund rơi vào thế việt vị. Một đường chuyền vượt tuyến ở đẳng cấp… Pirlo khi trái bóng lượn qua hàng thủ Burnley và đặt Bruno Fernandes vào một góc sút thuận lợi.
Jonny Evans xứng đáng là cầu thủ hay nhất trong chiến thắng 1-0 tại Burnley. Ngoài pha kiến tạo xuất sắc, trung vệ 35 tuổi còn thực hiện 8 pha phá bóng thành công, trở thành lá chắn tin cậy phía trước Andre Onana trong bối cảnh người đá cặp Victor Lindelof chơi khá lập cập. Trong ngày mà bản hợp đồng mới Sofyan Amrabat ra mắt ở vài phút cuối, Jonny Evans đã che mờ tất cả bằng màn trình diễn ấn tượng.
Lần đầu tiên sau 5 trận phải nhận bàn thua, MU mới giữ sạch lưới. Thành tích này có sự đóng góp đáng kể của Jonny Evans. Mừng cho phong độ của lão tướng 35 tuổi nhưng đó thực sự không phải là điều gì đáng hứa hẹn ở MU. Vì Evans, chung quy cũng chỉ là lựa chọn cuối cùng ở hàng phòng ngự. Ten Hag hiểu rõ thời của Evans đã qua. Một trận đấu hay trước đối thủ cỡ Burnley không có nghĩa Evans đủ sức gánh vác hàng thủ MU. “Martinez chấn thương, cậu ấy chưa thể trở lại. Chúng tôi chỉ còn cách sử dụng những hậu vệ còn lại trong đội hình”, chiến lược gia người Hà Lan thừa nhận việc bị “ép” phải dùng Jonny Evans.
Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao, Jonny Evans cũng chỉ là trung vệ thuộc hàng trung bình tại Premier League. Ở giai đoạn đầu khoác áo MU (2008-2015), tuyển thủ Bắc Ireland chưa từng được đá tới 30 trận trong một mùa giải Premier League. Còn bây giờ ở tuổi 35 và sau hai mùa giải chật vật ở Leicester City, chỗ đứng xứng đáng của Evans đáng lẽ phải là đâu đó ở giải hạng Nhất Anh hoặc… Serie A.
Việc MU chiêu mộ Evans trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vốn dĩ đã là một sự… bôi bác cho hệ thống chuyển nhượng kém cỏi của đội bóng này. MU đã từng cố gắng theo đuổi Kim min-jae nhưng khi thất bại, họ vơ tạm Jonny Evans cho đủ quân số ở hàng phòng ngự. Ten Hag hẳn đã dặn lòng không dùng Evans nhằm tránh rủi ro, kể từ khi trung vệ 35 tuổi lớ ngớ để bóng chạm chân bay vào lưới từ cú sút của Declan Rice trong thất bại 1-3 trước Arsenal. Nhưng rồi cuối cùng Ten Hag vẫn phải xếp Evans đá chính trước Burnley vì cơn bão chấn thương.
Jonny Evans có thể tiếp tục chơi tốt trận sau và giành thêm sự tin tưởng của Ten Hag. Nhưng thực tế là với trung vệ 35 tuổi này, rủi ro luôn nhiều hơn kỳ vọng. MU mà phải trông vào Jonny Evans thì hãy chấp nhận cái cảnh đi trên dây.