Vào tháng 4/2022, chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của PSG đã thể hiện quan điểm của mình trong các cuộc thảo luận hậu trường về bóng đá châu Âu. Tỷ phú người Qatar vốn được biết đến nhiều nhất với tư cách là chủ tịch của câu lạc bộ bóng đá PSG, nhưng dấu ấn của người đàn ông này trong thế giới túc cầu không chỉ có vậy.
Al-Khelaifi là một thành viên trong ủy ban điều hành của UEFA, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA), tổ chức đại diện cho quyền lợi của các CLB tham gia các giải đấu cấp CLB ở châu Âu. Thêm nữa, ông còn điều hành đài truyền hình beIn Sports của Qatar, đơn vị nắm giữ danh mục bản quyền phát sóng lớn nhất trong thế giới thể thao, chiếu các sự kiện thể thao lớn trên khắp Trung Đông, Pháp, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ.
Không thể không nhấn mạnh quyền lực mà ông đang nắm giữ ở ECA, bởi tổ chức này hiện đang có tới 103 thành viên tới từ các giải đấu, mà trong đó có quá nhiều giám đốc điều hành CLB cho rằng mình có thể làm tốt hơn so với UEFA.
Do đó, khi Al-Khelaifi nói về những mong muốn của ông với bóng đá châu Âu, chúng ta nên tập trung lắng nghe – ngay cả khi bạn không đồng tình với những quan điểm của ông ta. Trong một cuộc phỏng vấn với The Athletic vào đầu năm ngoái, Al-Khelaifi đã nói về sự cần thiết của Champions League để biến “mỗi trận đấu trở thành một sự kiện giải trí”.
Ông đã khiến tất cả phải chú ý khi nói rằng Super Bowl đem tới cảm giác to lớn hơn trận chung kết Champions League, và cần phải học hỏi “tư duy sáng tạo và giải trí” của người Mỹ. “Đề xuất của tôi nhằm tăng tính giải trí và sáng tạo, tăng cường sự liên kết giữa UEFA và ECA. Làm thế nào để vòng đấu bảng trở nên hấp dẫn hơn?
Chênh lệch múi giờ (đối với các trận đấu ở Champions League) là một vấn đề đối với Mỹ và châu Á. Làm thế nào để chúng ta khai thác hơn nữa những khu vực có tiềm năng to lớn. Chúng tôi đang nghĩ về tất cả mọi thứ”.
Từ phát biểu của Al-Khelaifi, “địa điểm mới, thị trường mới, thể thức mới” là những yếu tố sẽ có thể định hình lại Champions League. Vào tháng 9/2022, The Athletic tiết lộ rằng Al-Khelaifi là một trong số những nhà điều hành nổi tiếng cấp CLB hào hứng với ý tưởng tổ chức các trận đấu bên ngoài biên giới châu Âu.
Lập luận được đưa ra rất đơn giản: các CLB châu Âu muốn tăng nguồn doanh thu mới, tăng lượng khán giả của họ ở các thị trường lớn ở Hoa Kỳ, Trung Đông và châu Á, và để cho các khán giả ở những khu vực này được tận mắt theo dõi các trận đấu là phương án tạo ra hiệu quả lớn nhất.
Đó không phải là đề xuất duy nhất được đem ra thảo luận và cho đến bây giờ, nó vẫn chỉ là một ý tưởng. UEFA thích những phương án khác, chẳng hạn như trận Siêu Cúp châu Âu giữa hai đội đương kim vô địch Champions League và Europa League. Cơ quan quyền lực nhất bóng đá châu Âu cũng đang xem xét việc tổ chức một giải đấu nhỏ vào đầu mùa giải mang tên “Opening Tounarment” bao gồm 4 đội, là những đội giành chiến thắng ở Champions League và 3 CLB khác.
Nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu rất thích việc các trận tứ kết, bán kết, chung kết Champions League diễn ra ở cùng một thành phố, điều đã diễn ra ở mùa giải 2019/20 tại Lisbon do ảnh hưởng của COVID-19.
Vào thời điểm đó, việc có nền tảng y tế và hậu cần tốt đã giúp Lisbon trở thành chủ nhà duy nhất của Champions League, nhưng một số người cảm thấy rằng việc nhân rộng trải nghiệm với những CĐV bóng đá, những người không thể thưởng thức trọn vẹn Champions League năm 2020 do đại dịch có thể tạo ra động lực mới cho giải đấu.
Phần lớn những thứ được đề cập ở trên có thể khiến một số người phải tròn mắt và lắc đầu. Sẽ có nhiều lập luận nói rằng Champions League là một giải đấu châu Âu, vì vậy theo logic, nó chỉ nên được tổ chức ở châu Âu.
Cũng không thể khẳng định rằng các LĐBĐ trên toàn thế giới sẽ mở rộng cánh cửa chào đón Champions League. Đặc biệt, Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ phản đối nếu các trận đấu Champions League được tổ chức ở New York và Miami, bởi có thể các trận đấu bóng đá sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường thể thao, dòng tiền từ các lĩnh vực phát sóng, tài trợ và doanh thu bán vé của các giải đấu khác ở Hoa Kỳ.
Ngược lại, có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ đơn giản là cách mà nền kinh tế thị trường hoạt động và những sản phẩm phổ biến nhất sẽ được ưa chuộng. Một giải pháp được đưa ra là UEFA đồng ý chia phần trăm doanh thu từ bất kỳ trận đấu nào diễn ra trên đất Mỹ để tăng cường cơ sở vật chất và đào tạo cầu thủ.
Những tranh cãi vẫn diễn ra gay gắt. Càng ngày, thị trường phát sóng quốc tế càng trở thành động lực chính cho sự phát triển và thịnh vượng của bóng đá châu Âu. Do đó, cần xem xét kỹ lưỡng nội dung nào có ý nghĩa thực sự đối với mỗi CĐV bên ngoài châu Âu. Và khi tập trung vào các động lực tăng trưởng mang tính toàn cầu như vậy, liệu có thực sự công bằng và chính xác khi nói rằng Champions League chỉ dành cho NHM ở châu Âu?
Ở giai đoạn này, cần lưu ý rằng quan điểm và trải nghiệm của bất kỳ NHM nào ở mỗi quốc gia hay toàn cầu là không đồng nhất. Ví dụ, có thể có rất nhiều NHM Arsenal trên thế giới không đồng tình với ý kiến của một CĐV sống ở Islington – London.
Do đó, không nên khẳng định rằng tất cả NHM ngoài châu Âu đều coi việc biến giải đấu thành tour lưu diễn là chủ trương đúng đắn và công bằng, trong khi nhiều CĐV ở châu Âu lại cho rằng trên thực tế, việc NHM trên khắp thế giới thức tới tận khuya để xem trận đấu của đội bóng họ yêu thích là đáng giá hơn nhiều so với theo dõi những trận đấu giao hữu tiền mùa giải.
Vào tháng 9/2022, ECA đã công bố một báo cáo dài 39 trang về “Tương lai của Fandom”, và nó đã đưa ra một số kết luận thú vị. Lasse Wolter, giám đốc phát triển thương mại và kinh doanh của ECA, đã viết: “Chúng tôi thấy rằng những người trẻ tuổi ở Mỹ và Trung Quốc, nơi bản thân fandom có độ tuổi trung bình trẻ hơn châu Âu, có những động cơ và nhu cầu khác so với những người ở châu Âu.
Đây là những thị trường khổng lồ tiềm năng, và điều quan trọng là phải tập trung vào những gì người hâm mộ mới yêu thích bóng đá mong muốn, nếu các câu lạc bộ muốn tối đa hóa cơ hội của họ để phát triển bóng đá như một môn thể thao”.
Tất nhiên, bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan tới Trung Quốc cũng đều phức tạp bởi cách tiếp cận ,của quốc gia này sau đại dịch, cũng như những lo ngại chính trị trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu đang bùng phát.
Báo cáo bao gồm các cuộc khảo sát và nghiên cứu được thực hiện bởi công ty tư vấn chiến lược MTM Sport, dựa trên 906 người ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo 48% NHM Trung Quốc, Champions League đóng vai trò là “chất xúc tác cho cộng đồng NHM của họ”.
Báo cáo cũng đồng thời nói thêm: “Các sự kiện ở Trung Quốc và Mỹ có tầm quan trọng lớn hơn hầu hết các thị trường khác, và các sự kiện ở châu Âu có tầm ảnh hưởng lớn hơn đáng kể. Theo đó, có nhiều cơ hội để các CLB và giải đấu châu Âu xây dựng tầm ảnh hưởng với bộ phận khán giả này và cho phép họ tiếp xúc với các sự kiện bóng đá để tăng thêm sự quan tâm và gắn kết sâu sắc hơn nữa”.
Tiền đang đến từ khắp nơi trên thế giới, và cần có nhiều biện pháp để bảo vệ và phát triển các khoản đầu tư. Các CLB bóng đá phải tìm cách để bồi đắp “sự gắn kết sâu sắc” với khán giả, cho dù đó là thông qua thể thao điện tử, hợp tác với thương hiệu thời trang, đầu tư vào đội bóng nữ hay thực hiện các bộ phim tài liệu truyền hình trực tiếp – công cụ đặc biệt hiệu quả đối với Wrexham Association Football Club – CLB bóng đá chuyên nghiệp Xứ Wales có trụ sở tại Wrexham, Wales hay các đội đua Công thức 1.
Các giải pháp sáng tạo khác đang được triển khai, chẳng hạn như kết hợp kỹ thuật số và thực tế ảo hoặc trải nghiệm thực tế tăng cường. Một lộ trình mà các công ty công nghệ đang khám phá là hợp tác với các nhà phát triển sân vận động để cuối cùng tạo ra một thế giới ảo.
Một CĐV bóng đá nào đó ở Trung Đông có thể mua một chỗ ngồi ảo trong một sân vận động ở châu Âu và tận hưởng cảm giác giống như trực tiếp tham dự một trận đấu. Trải nghiệm đó được hỗ trợ bởi dữ liệu tương tác và truyền thông xã hội.
Một cách tiếp cận nữa đang được nhiều CLB lớn áp dụng, đó là tổ chức các bữa tiệc dành cho những CĐV ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Ví dụ, hồi đầu tháng 3 này, Man United đã lần đầu tiên tổ chức sự kiện #ILOVEUNITED tại Los Angeles (Mỹ), trong trận thua 0-7 trước Liverpool, với sự xuất hiện của các cựu tiền đạo Diego Forlan và Andry Cole cùng những màn trình diễn nhạc sống.
Một giám đốc điều hành cấp cao của một CLB hàng đầu tại Champions League đã nêu ý kiến về việc tổ chức một số trận đấu bên ngoài châu lục. “Thật ngạo mạn khi nói rằng chỉ những CĐV của Arsenal sống ở Vương Quốc Anh mới được xem trực tiếp đội bóng này. Giờ là thời đại của toàn cầu hóa, và nếu bạn bỏ qua các thị trường tăng trưởng, các đối thủ cạnh tranh sẽ không bỏ lỡ nó và bạn tụt lại phía sau.
Hãy nhìn vào những người theo dõi mạng xã hội của các CLB – họ không liên quan gì với cộng đồng fan hâm mộ ở địa phương. Mọi cộng đồng của mọi CLB giờ đây đều mang tính toàn cầu và nên như vậy. Hãy nhìn vào NBA, NFL và Davis Cup và mọi một thể thao khác, về cơ bản các trận đấu và sự kiện đều mang tính quốc tế, còn NHM địa phương vẫn chiếm 95% quyền tham dự”.
Gần đây, golf thủ chuyên nghiệp Rory Mcllroy đã nói về những thách thức trong môn thể thao này, và cuộc chiến tranh giành sự chú ý giữa PGA Tour và LIV Golf nên trở thành một ví dụ phổ biến rộng rãi hơn. Anh nói: “PGA Tour không chỉ cạnh tranh với LIV Golf hay các môn thể thao khác. Nó đang cạnh tranh với Instagram và TikTok và mọi thứ khác đang cố gắng trở nên nổi bật hơn để phá vỡ thế độc quyền của PGA Tour”.
Những cuộc chiến cũng diễn ra mạnh mẽ ở các môn thể thao khác. NBA đã tổ chức một trận giao hữu trong mùa giải giữa Chicago Bulls và Detroit Pistons ở Paris vào tháng Hai. Màn so tài được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và các buổi luyện tập cũng được công khai để thu hút khán giả. NBA đã nỗ lực hết sức để thu hút người dân địa phương và sự quan tâm cao đến mức vào ngày diễn ra trận đấu, nhiều NHM đã cố gắng mua lại vé của các khán giả tham dự.
Paramount Global – chủ sở hữu của mạng truyền hình CBS đã ký hợp đồng 6 năm với tổng giá trị 1,5 tỷ USD (1,25 triệu bảng Anh) để sở hữu bản quyền Champions League ở Mỹ từ mùa giải 2024/25. Bản quyền phát sóng quốc tế của Premier League hiện còn bán chạy hơn bản quyền trong nước.
Tuy nhiên, các CLB trên khắp châu Âu đang tuyệt vọng tìm kiếm nguồn doanh thu mới để phục hồi sau tác động của COVID-19, cũng như trang trải mức lương và phí chuyển nhượng tăng vọt. Đó là lý do tại sao nhiều CLB lao vào thị trường NFT và các dự án Blockchain.
Tại châu Âu, nhiều CLB đã tiến hành các động thái mạo hiểm nhằm khai thác thị trường bên ngoài lục địa. Ý và Tây Ban Nha đều đã tổ chức các giải đấu cúp quan trọng ở Ả Rập Saudi. Tham vọng tổ chức một trận đấu ở Miami của La Liga vẫn chưa thể thực hiện do nhiều rào cản pháp lý.
Bóng đá Anh vẫn đang chống lại sự cám dỗ. Điều đó có thể phản ánh sức mạnh của Premier League. Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh có thể không cần phải tổ chức thêm các trận đấu ở nước ngoài mà vẫn thu về doanh thu khổng lồ. Nhưng với nhiều người, đó là sự cố chấp và nhường cơ hội cho đối thủ.
Năm 2008, từng có một đề xuất tồi tệ, đó là Premier League sẽ có thêm vòng đấu thứ 39 và 10 trận đấu trong một ngày cuối tuần sẽ được tổ chức ở 5 thành phố trên khắp thế giới. Cựu giám đốc điều hành Premier League, Richard Scudamore đã cố gắng thuyết phục các CLB ủng hộ kế hoạch này và đã có 19 CLB tán thành. Liverpool ban đầu phản đối nhưng cuối cùng cũng đồng ý với phương án này.
Tuy nhiên, phản ứng dữ dội từ giới truyền thông, NHM và các bên liên quan như FIFA đã khiến kế hoạch bị đổ bể. Kể từ đó, Premier League đã loại bỏ tất cả các ý tưởng “sáng tạo” như tổ chức một giải đấu tiền mùa giải ở nước ngoài, trong đó các đội Premier League sẽ được xếp hạt giống và thi đấu loại trực tiếp, hay tổ chức Carabao Cup ở những địa điểm bên ngoài nước Anh.
Dù thế nào đi nữa, những ý tưởng sẽ luôn xuất hiện và sớm trở thành sự thật trong tương lai. Những thay đổi sẽ xảy ra nhanh hơn cả tưởng tượng, và có thể nó sẽ bắt đầu từ Champions League.